Nhiều bậc cha mẹ ngỡ ngàng khi phát hiện con lên mạng nói xấu người khác, nói tục, chửi thề không hề ngượng mồm trong khi ở nhà vẫn gọi dạ bảo vâng.
Mai Linh ở nhà vốn là một đứa sống nội tâm, ít chia sẻ với bố mẹ. Mai Linh ít nói, cũng không có biểu hiện đua đòi như những bạn khác ở lứa tuổi 12, 13. Bố mẹ Mai Linh thấy con như vậy nên cũng yên tâm phần nào.
Một đêm, mẹ cô bé đi ngang qua phòng thấy máy tính vẫn mở, con gái thì ngủ rồi bèn đi vào phòng tắt máy tính cho con. Ngờ đâu, mẹ Mai Linh ngỡ ngàng khi vô tình đọc được đoạn chat của con và bạn trên màn hình.
“Ngày mai lại có tiết toán, chán v** l**”
“Chán, tự nhiên cuối tuần lại phải đi học thêm, nghỉ m* đi cho xong”.
“Tao ghét con H ‘vờ lờ’, nhìn ngứa cả mắt”.
Mẹ Mai Linh không ngờ đứa con gái mình vẫn nghĩ là ngoan hiền, ít nói lại có thể phát ngôn trên mạng tục tĩu như vậy.
Ảnh minh họa.
Chị My Lê (Cầu Giấy, Hà Nội) ngán ngẩm khi thấy con trai 18 tuổi chơi game tai đeo headphone, mồm chửi oang oang, thua game cũng chửi mà khi thắng cũng chửi.
“Tôi đã nhắc con rất nhiều lần nhưng con vẫn chứng nào tật nấy. Những từ bậy bạ theo cảm xúc của con mà bộc phát ra. Con đã lớn, tôi không thể cấm con chơi game nhưng cứ chơi lại chửi bậy thế này nghe rất khó chịu”, chị My Lê cho biết.
Chửi bậy, tiếng lóng đã trở thành hiện tượng phổ biến của giới trẻ khiến người lớn đọc phải giật mình. Thậm chí, có người coi việc nói tục, chửi thề là “model” của thời đại hiện nay, thể hiện bản lĩnh cá nhân của mình. Trên mạng xã hội, nhiều tín đồ của nói tục, chửi bậy lập những fanpage như: “Hội những người thích chửi bậy”, “Hội những người thích chửi thề”, “Hội những người thích chửi”....
Giới trẻ chửi bậy nhằm thể hiện cảm xúc tiêu cực của bản thân như đau đớn, bực bội, cũng có thể là để phù hợp với tập thể, môi trường xung quanh.
Bắt chước để bằng bạn, bằng bè
Anh Hoàng Thanh (Thường Tín, Hà Nội) phàn nàn rằng thi thoảng anh nghe thấy con mình nói tục. Mỗi lần nhắc nhở con cãi lại: “Bạn bè con đứa nào cũng nói thế mà, có sao đâu”.
Học sinh ở lớp nếu nói bậy sẽ được thầy cô nhắc nhở, nhưng bước ra khỏi cổng trường, trẻ đua nhau, học nhau nói bậy, chửi tục để chứng minh mình không thua kém bạn bè hoặc thể hiện cái tôi, cái ‘chất’ của mình mà không hiểu rằng mình đang có hành vi kém văn hóa.
Ảnh minh họa.
Tiếp thu từ >phim ảnh, internet
Trẻ hiện nay sớm được tiếp cận với công nghệ hiện đại. Một em bé 2 - 10 tuổi có thể dễ dàng sử dụng điện thoại thông minh của cha mẹ và thoải mái ngồi xem các video trên mạng. Những lời nói tốt, xấu lẫn lộn khiến trẻ học theo, bắt chước mà thiếu sự kiểm soát của phụ huynh.
Bên cạnh đó, một bộ phận các nhà xuất bản sách, truyện thiếu nhi, phim hoạt hình… đã thả nổi chất lượng sản phẩm, để lọt không ít các trường hợp nội dung ấn phẩm có những định hướng sai lệch về ngôn ngữ khiến trẻ tiếp thu một cách vô thức.
Thành viên trong gia đình có thói quen nói bậy
Nếu đứa trẻ sống trong gia đình có một hoặc nhiều thành viên thường xuyên sử dụng các từ lóng, nói bậy, chửi tục, chắc chắc trẻ sẽ bắt đầu nói bậy dần dần và trở thành thói quen. Một vài ông bố, bà mẹ chỉ “thỉnh thoảng” có những phát ngôn quá lời nhưng thực chất trẻ đã kịp nghe thấy, nhìn thấy những lời nói, cử chỉ hành động của cha mẹ và một lúc nào đó trẻ sẽ nói lại những từ tục tĩu đó. Nhiều đứa trẻ học được rằng, người lớn thường chửi tục khi lên cơn tức giận và việc nói tục, chửi bậy là một cách để trút giận.
Tuấn Anh, học sinh một trường điểm tại Hà Nội thừa nhận mình nói bậy. Cậu cho biết cậu sống trong gia đình không mấy hạnh phúc, bố suốt ngày bia rượu, say vào rồi chửi bới vợ con bằng những lời lẽ thô tục.
“Những lời lẽ đó ám ảnh cháu khiến có lúc cháu dùng chính những lời đó nói lại bố mình” – Tuấn Anh cho hay.
Nữ nhà văn Gari Nguyễn cho rằng: “Học sinh nói tục chửi thề lâu ngày thành thói quen, làm cho tiếng Việt ngày càng méo mó, cách giao tiếp ngày càng bị thụt lùi, đồng thời tư duy, nhân cách sống ngày càng lệch lạc, khó có thể phát triển bản thân theo cách đúng đắn nhất”.
Ảnh minh họa.
Trong cuộc sống hiện đại, con người chịu nhiều áp lực hơn và trong nhiều trường hợp, việc nói tục, chửi bậy còn là cách để xả stress. Hiện tượng nói tục, chửi bậy tràn lan khiến xã hội thêm ngổn ngang, nó như rác rưởi làm cho cộng đồng kém phần văn minh, là tiền đề dẫn đến một xã hội ưa chuộng bạo lực.
Người xưa có câu: “Một lời nói thiện ấm ba đông, một lời ác lạnh sáu tháng ròng”, vẻ đẹp ngôn ngữ là biểu hiện của tiến bộ văn minh, cũng là biểu hiện cho sự tu dưỡng mỗi người. Bất kể là người ở đâu, thành phố hay nông thôn, lứa tuổi nào, chúng ta cũng nên chú ý đến lời nói của mình, nói những lời tốt đẹp, ấm áp.