Phát triển kỹ năng xã hội và cảm xúc cũng quan trọng đối với trẻ mẫu giáo như phát triển nhận thức. Sự phát triển này sẽ giúp trẻ những tính cách tốt đẹp trong suốt quá trình trưởng thành.
1. Hiểu được sự khác biệt giữa đúng và sai; biết rằng luôn có hậu quả cho mọi hành động xấu của con
Khi con phân biệt được đúng và sai cho một hành vi nào đó, con sẽ tự điều chỉnh được hành vi của chính mình. Đó là cơ sở để con thực hiện những hành vi tốt, biết tôn trọng người khác, không đánh giá hay chế nhạo cảm xúc của bất kỳ ai.
Con cũng cần phải được dạy rằng nếu con cố tình làm sai, luôn có những hậu quả hay hình phạt cho hành động đó. Chỉ khi hiểu được điều này, con sẽ biết suy nghĩ và cân nhắc cho những hành vi của mình. Bởi mặc dù bản chất con luôn là một đứa trẻ ngoan, nhưng rất khó tránh khỏi những lời mời gọi hay dụ dỗ làm những hành vi xấu từ những người không tốt. Biết lường trước hậu quả là một kỹ năng mà trẻ cần phải được học càng sớm càng tốt.
2. Biết sử dụng từ ngữ để diễn tả nhu cầu và cảm xúc của mình, hiểu rằng ai cũng có cảm xúc của riêng
Học cách bày tỏ cảm xúc theo cách phù hợp với xã hội là điều cần thiết cho một cuộc sống thành công của mọi đứa trẻ.
Khi bước vào tuổi mẫu giáo, con cần phải bắt đầu sử dụng từ ngữ để diễn tả cảm giác của con. Nếu như con không thể làm điều này mà thể hiện cảm xúc bằng việc đánh, la hét hoặc ném đồ đạc, con sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong lớp học và xã hội. Biết nhận dạng cảm xúc của bản thân, sử dụng chính xác từ ngữ để mô tả cảm xúc ấy là một kỹ năng xã hội quan trọng mà bố mẹ bắt buộc phải dạy cho con càng sớm càng tốt.
Song song với việc dạy con thể hiện cảm xúc bằng từ ngữ, bố mẹ cũng cần dạy con cách cảm thông và tôn trọng với những cảm xúc của người khác.
3. Học cách chia sẻ tài sản chung với những đứa trẻ khác
Đây là một trong những kỹ năng quan trọng nhất bởi nó sẽ ảnh hưởng đáng kể đến học tập của con. Đồ chơi trong lớp thường ít khi đủ cho mỗi bạn một chiếc, và con cần phải học cách chia sẻ chúng với bạn bè của con. Việc này cũng giống như cách dạy con chờ đến lượt của mình. Sẽ hơi khó vì tính sở hữu của con ở thời điểm này còn rất cao và sẽ cần thời gian để con học được cách chia sẻ với người khác.
Nhưng hãy kiên nhẫn theo dõi sự tiến bộ và khích lệ con hàng ngày. Thường mất vài năm để con có thể học và biết cách chia sẻ lịch sự với mọi người xung quanh.
4. Biết tự chơi và kết giao bạn bè mà không nhất thiết phải có người lớn ở bên
Khi con bước vào môi trường học tập với nhiều bạn bè hơn, con phải biết cách hành động độc lập nhiều hơn. Đơn giản là vì bố mẹ hay thầy cô không thể ở bên con cả ngày.
Con cần biết tự chơi một cách an toàn cho bản thân, kết bạn và hòa nhập vào một nhóm bạn nào đó xung quanh mình. Điều này không có nghĩa là con sẽ mất dần sự kết nối với bố mẹ hay thầy cô. Mà là con đang học cách tạo ra nhiều kết nối hơn với mọi người trong xã hội. Từ đó hình thành nên kỹ năng giao tiếp và củng cố sự tự tin trong quá trình trưởng thành của con.
5. Ra quyết định một cách độc lập và biết chấp nhận thất bại
Nếu bố mẹ quá bảo bọc và luôn ra quyết định hộ con thì vô hình chung đã tước đi kỹ năng sống độc lập và chấp nhận rủi ro của trẻ. Điều này sẽ khiến con khó khăn khi đưa ra quyết định hay hòa nhập với những môi trường mới. Con sẽ không dám làm bất kỳ điều gì một mình vì con thấy không có bố mẹ ở bên, thiếu sự tự tin và đầy ắp lo âu về những điều bất ngờ.
Để con luôn mạnh dạn và tự tin, bố mẹ hãy giúp con nuôi dưỡng cảm giác tò mò và sẵn sàng khám phá những điều mới. Điều này sẽ giúp con rất nhiều khi chuyển đến những môi trường mới. Con sẽ không ngại giao tiếp, không ngại thử thách và lúc nào cũng tin vào bản thân mình có thể vượt qua mọi khó khăn.
Tuy nhiên, hãy dạy con thêm một điều rằng khi đưa ra những quyết định khám phá hãy cân nhắc với đến những rủi ro và đảm bảo rằng chúng an toàn cho bản thân mình và cả những người khác nữa.