Khi có thêm con thứ 2, bên cạnh niềm vui đón thành viên mới, nhiều cha mẹ lại phải đối mặt với một vấn đề chung là việc con lớn sẽ ngủ cùng ai?
Thực tế khi các cặp vợ chồng có con thứ 2, mọi sự quan tâm thường được dành cho thành viên bé bỏng nhất, thế nhưng tâm lý của con đầu cũng cần phải được chú ý. Trước, trong và sau khi> gia đình có thêm thành viên mới, tâm lý và tính cách của con đầu sẽ có những thay đổi nhất định, tùy thuộc vào cách bố mẹ ứng xử.
Trong đó, một vấn đề mà nhiều bậc> cha mẹ phải đối mặt thời điểm này là việc con lớn ngủ cùng ai? Nhiều gia đình sợ con lớn đang tuổi nghịch ngợm, hay quấy phá sẽ làm cho em tỉnh giấc hoặc lấy lý do giường quá chật để cho đứa lớn ra ngủ riêng. Thế nhưng, các chuyên gia tâm lý khuyến cáo hành động này có thể gây ra những tổn thương tâm lý cho trẻ.
Trẻ có thể suy nghĩ tại sao vừa có em, tình yêu của bố mẹ dành cho mình lại bị bớt xén đi, đến cả chỗ ngủ cũng bị chiếm mất. Do đó, cha mẹ có thể nghĩ đến việc cho con ngủ riêng từ trước khi có em thay vì đợi đến khi có em mới thực hiện.
Cha mẹ cũng nên lưu ý dù có em bé thứ 2 hay không thì độ tuổi tốt nhất để tách trẻ ra ngủ riêng là khoảng 3 tuổi. Việc tách trẻ ra riêng sau 6 tuổi là muộn.
Ngoài ra, nhiều cha mẹ cũng thường đứng trước hai lựa chọn khác là để con lớn ngủ với ông bà hoặc tạo điều kiện ngủ chung với cha mẹ. Cả hai đều có những ưu nhược điểm nhưng cha mẹ cần cân nhắc hoàn cảnh gia đình để đưa ra quyết định phù hợp với sự phát triển của con cái và sự hòa thuận trong gia đình.
Ở nhiều gia đình, việc con lớn ngủ chung với ông bà không phải chuyện hiếm. Điều này chủ yếu do cha mẹ không có nhiều thời gian và sức lực khi chăm sóc cả hai đứa con cùng một lúc.
Mặc dù điều này có thể làm tăng thêm sự thân thiết giữa con lớn và ông bà nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ bị ông bà chiều chuộng quá mức. Điều đó có thể dẫn tới sự thay đổi tính cách và hình thành thói quen xấu ở trẻ.
Khi điều này xảy ra, trách nhiệm của cha mẹ càng trở nên lớn hơn. Họ cần đặc biệt chú trọng đến việc giáo dục con lớn để đảm bảo chúng không trở nên ngang ngược, hư hỏng do được chiều chuộng.
Đồng thời, các bậc cha mẹ cũng phải nỗ lực duy trì mối quan hệ với con lớn, tạo cho trẻ cảm giác an toàn đầy đủ, điều này càng có lợi cho sự phát triển khỏe mạnh của con cái, giúp trẻ cảm thấy mình không bị bỏ rơi khi có em xuất hiện.
Một lựa chọn khác là cho con lớn ngủ chung với cha mẹ. Sự sắp xếp này đảm bảo việc đồng hành, quan tâm, chăm sóc dành cho con lớn. Điều này rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ.
Mặc dù lựa chọn này có thể làm tăng thêm khối lượng công việc của cha mẹ, khiến nhiều phụ huynh gặp khó khăn khi chăm sóc hai đứa trẻ cùng lúc nhưng với sự đồng hành của cha mẹ, con lớn sẽ phát triển lên một cách lành mạnh, vui vẻ, lạc quan.
Nếu quyết định chọn cho con lớn ngủ cùng, cha mẹ có thể áp dụng một số điều để giải quyết các vấn đề liên quan tới giấc ngủ, đảm bảo mọi thành viên đều được nghỉ ngơi đầy đủ.
Đặt 2 chiếc giường trong phòng
Khi có 2 chiếc giường trong phòng ngủ, nó đảm bảo không gian ngủ rộng rãi, thoải mái cho cả nhà. Con lớn có thể ngủ bên cạnh cha mẹ, vẫn cảm thấy mình được yêu thương mà vẫn hạn chế được những va chạm với em bé khi con lớn vui chơi, nghịch ngợm.
Cha mẹ hạn chế việc di chuyển khi thức dậy vào ban đêm
Người mẹ có thể đặt một số vật dụng cần thiết trong phòng ngủ như bình nước, bỉm, sữa... gần giường để giảm bớt việc đi lại và sinh hoạt khi thức dậy vào lúc nửa đêm.
Ngoài ra, người mẹ nên cử động nhẹ nhàng, nói thì thầm để tránh gây ồn ào làm con lớn thức dậy lúc nửa đêm. Trong trường hợp nếu mẹ bận >chăm sóc con nhỏ, con lớn thức dậy có thể nhờ người cha chăm sóc.
Rèn thói quen tốt trước khi ngủ
Trước khi đi ngủ, cha mẹ cũng nên rèn luyện thói quen đi ngủ tốt cho trẻ như kể chuyện, hát, thực hiện một số động tác thư giãn để giúp con lớn giải tỏa căng thẳng trong ngày, dễ đi vào giấc ngủ hơn, ngủ sâu giấc mà không thức dậy nhiều lần lúc nửa đêm.