Các ông bố bà mẹ không tiếc công chỉ dạy con từng ly từng tí, thế nhưng ai ngờ càng dạy lại càng sai.
Là cha mẹ, ai lại không mong muốn con mình luôn hoàn hảo, từ chuyện ăn uống học hành cho đến chuyện đối nhân xử thế ngoài xã hội. Thế nên, để rèn giũa con theo khuôn mẫu đã định sẵn, các ông bố bà mẹ không tiếc công chỉ dạy con từng ly từng tí.
Nhưng đôi khi, có một số việc cha mẹ cho rằng như thế là tốt cho con nhưng thật ra nó lại mang đến một kết quả hoàn toàn trái ngược. Và nếu không kịp thời sửa chữa ngay từ sớm, sau này lớn lên con sẽ trở thành người tự ti, mặc cảm, không biết yêu thương bản thân và luôn cố gắng làm cho vừa lòng người khác mà quên đi cảm xúc nhu cầu của chính mình.
1. Luôn "soi" ra khuyết điểm của con
Từ chuyện con vẽ tranh chưa đẹp, viết chữ chưa ngay hàng thẳng lối, cho đến việc con xếp giường chưa gọn gàng, quần áo còn vứt tứ tung… Nói tóm lại là bất cứ chuyện gì cha mẹ cũng có thể "soi" ra lỗi chưa được để bắt con sửa đổi.
Sống trong một môi trường luôn bị bắt lỗi, khi lớn lên con hoặc sẽ trở thành người khó tính luôn khắt khe với người khác, hoặc sẽ là người có lòng tự trọng thấp, thiếu tự tin. Và cha mẹ biết đấy, cả hai tuýp người này đều không thể chạm đến thành công trong sự nghiệp.
2. Ép buộc con phải làm theo ý của cha mẹ
Câu chuyện kể về 2 mẹ con bé Phương. Trong một lần đi chơi cùng một người bạn của mẹ, cô ấy cũng có một đứa con gái trạc tuổi Phương. Ban đầu, hai bạn nhỏ chơi búp bê với nhau rất vui. Song lúc về, cô bạn mới quen cứ nhất định đòi lấy búp bê của Phương. Tất nhiên Phương sẽ không cho, vì đó là con búp bê mà cô bé yêu thích nhất. Phương nhìn mẹ cầu cứu.
Bỏ qua ánh mắt cần sự giúp đỡ của con, bỏ qua sự giận dữ của con, mẹ Phương thuyết phục, năn nỉ, dọa nạt và ép buộc con phải cho bạn con búp bê. Mẹ nói rằng nếu Phương không cho bạn thì cô bé là người ích kỷ xấu xa, chẳng ai thèm chơi với. Cho bạn rồi lần sau gặp lại được chơi chung… Mỗi câu mỗi từ in thật sâu vào tâm trí đến nỗi bây giờ mỗi lần phải từ chối ai đó, Phương đều cảm thấy có lỗi.
Có thể cha mẹ nghĩ rằng đó chỉ là giây phút thoáng qua, rồi con sẽ quên ngay khi có đồ chơi mới hoặc được cha mẹ đưa đi ăn món yêu thích. Nhưng theo các nhà tâm lý, những vết thương trong tâm hồn luôn bầm tím, nhức nhối và không bao giờ khỏi. Vì thế, điều cha mẹ cần làm là tôn trọng cảm xúc cũng như nhu cầu của con. Đặc biệt là phải dạy con cách từ chối những điều mà mình không thích.
3. Mắng con trước mặt người khác
Trong tâm trí của con, cha mẹ là núi Thái Sơn luôn che chắn, bảo bọc con cho dù có xảy ra chuyện gì đi chăng nữa. Tuy nhiên, có một số cha mẹ lại nghĩ rằng trước mặt người lạ, mình phải la mắng để họ thấy là mình dạy con nghiêm khắc.
Chẳng hạn như khi thầy cô phê bình con, hoặc hàng xóm mắng vốn con vì một chuyện gì đó, thay vì hỏi con đầu đuôi câu chuyện, cha mẹ lại lao vào mắng con xối xả. Điều này vô tình làm con tự ti, mặc cảm vì xấu hổ.
Tốt nhất trong trường hợp này, cha mẹ nên để con tự đứng ra giải thích và giải quyết. Nếu con đúng, cha mẹ cần phải bảo vệ con để con không cảm thấy mình bị cha mẹ bỏ rơi. Thứ hai là giúp con xây dựng lòng tự trọng, sự tự tin và phát triển ý thức bảo vệ chính mình.
4. Không cho phép con tranh luận
Khả năng tương tác với mọi người là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà bất cứ ai cũng cần phải có. Vì "9 người 10 ý" nên tranh luận để đưa ra một ý kiến chung là chuyện đương nhiên.
Do đó, cha mẹ không nên cấm con không được tranh luận hay nêu ý kiến của mình. Điều quan trọng mà cha mẹ cần chỉ bảo con là cách tranh luận lành mạnh: dùng ngôn từ lịch sự, các diễn đạt dễ hiểu và thái độ không gay gắt nhưng cũng không nhún nhường – một kỹ thuật đàm phán trong kinh doanh.
5. Không cho con đi đâu chơi
Sẽ thật là tiếc nếu cha mẹ nghĩ rằng chỉ có trường học mới cung cấp cho con kiến thức. Trên thực tế, các bảo tàng, nhà hát, phòng trưng bày nghệ thuật, thảo cầm viên… đều là những nơi chứa đầy tri thức quý báu mà đôi khi trong sách vở không có. Thế nên, cha mẹ nên dành thời gian cho con đi chơi ở những nơi này, để con vừa được vui chơi cùng gia đình, vừa mở mang tri thức.
6. Cấm con sử dụng mạng xã hội
Ngày nay, mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram… đang rất được giới trẻ ưa thích. Mặc dù biết rằng chơi mạng xã hội nguy hiểm như chơi dao hai lưỡi, nhưng cha mẹ vẫn không nên cấm con sử dụng. Bởi nhờ có mạng xã hội, con có thể dễ dàng kết nối với bạn bè, thầy cô để trao đổi bài vở. Con cũng có thể học thêm kiến thức theo hình thức trực tuyến hay đọc những trang thông tin bổ ích.
Nhiệm vụ của cha mẹ là nhắc nhở con về quy tắc bảo mật trực tuyến như tạo mật khẩu có độ khó cao, không đưa thông tin cá nhân của mình: tên tuổi, học lớp mấy, trường nào, địa chỉ nhà, hay hôm nay đi đâu làm gì... lên mạng xã hội để phòng ngừa trường hợp không hay xảy ra.
7. Cho con tiền khi con đạt điểm cao
Điều này nghe có vẻ giống như một cuộc trao đổi hàng hóa. Hàng hóa ở đây chính là điểm số. Điểm số càng cao nghĩa là chất lượng hàng tốt và được trả nhiều tiền. Dần dần, con sẽ hình thành tâm lý học vì tiền chứ không phải học vì tương lai sau này. Và học càng cao, điểm số càng khó kiếm thì số tiền trả sẽ phải ngày một tăng.
Để ngăn chặn tư tưởng này của con, cha mẹ nên quán triệt ngay từ khi con còn nhỏ rằng "việc học là việc của con". Và nếu có thưởng hãy nói cho con hiểu rằng phần thưởng này là dành cho sự phấn đấu nỗ lực vất vả suốt một năm học qua của con. Và phần thưởng của con nên là những món đồ thiết thực có ích cho con.