‘Nhà mình không đủ tiền mua đâu’ một câu nói phổ biến của cha mẹ phương Đông và cả phương Tây khi muốn từ chối yêu cầu mua một món đồ gì đó của con cái nhưng thực tế đó là một câu nói rất nguy hiểm.

06:00 02/11/2020

Bài viết sau đây của Chuyên gia hoạch định tài chính Shanon Ryan sẽ bàn về vấn đề này.

Trẻ em luôn quan sát người lớn và bắt chước cách hành xử của người lớn, kể cả trong cách hành xử và suy nghĩ về tiền bạc. Cho dù cha mẹ không chủ động dạy con về chuyện tiền bạc, chúng cũng sẽ tự học được.

Tuy nhiên, cha mẹ thường cho rằng trẻ con không hiểu chuyện và không cần biết nhiều về tiền.

Là một Chuyên gia hoạch định tài chính (CFP), đam mê của tôi là giúp đỡ các cá nhân và gia đình xây dựng quan hệ lành mạnh với tiền bạc. Tôi hi vọng có thể giúp bạn nuôi dạy những đứa con tự tin về tài chính.

Shannon Ryan – CFP

Hơn 20 năm làm người tư vấn tài chính, tôi đã nhận thấy các khách hàng của mình bị ảnh hưởng thế nào bởi những sự quan sát và niềm tin thuở nhỏ.

Có nhiều niềm tin và thói quen của họ bắt nguồn từ cha mẹ họ, và một cách vô ý, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Những lời nói của cha mẹ đã ăn sâu vào tiềm thức của họ, và rồi họ lại gieo những suy nghĩ ấy vào con cái mình.

Những câu nói cần tránh khi nói chuyện với con cái về tiền bạc

Làm cha mẹ, chúng ta cần ý thức và có trách nhiệm với những lời nói của mình với con về tiền bạc và cảm xúc sau những lời nói ấy.

Có thể chúng ta đều đang có những thói quen và niềm tin sai lầm có thể gây tác động tiêu cực đến con cái về tiền bạc.

‘Nhà mình không đủ tiền’

Một câu nói mà phụ huynh nào cũng từng nói: khi con đòi chúng ta mua một món đồ chơi không cần thiết, chúng ta liền vận lại một lý do ‘Nhà mình không đủ tiền’.

Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều khi câu trả lời thật phải là ‘Đồ chơi này không cần thiết’.

Năm chữ đơn giản ‘Nhà mình không đủ tiền’ – với bạn có thể là vô hại, nhưng với trẻ nhỏ, chúng có thể vô cùng đáng sợ.

Trẻ nhỏ không hiểu bóng gió. Bạn nói ‘Nhà mình không đủ tiền’ sẽ gieo rắc trong lòng trẻ nỗi sợ hãi về tài chính.

Chúng sẽ cho rằng nhà mình thiếu tiền thật và bắt đầu lo lắng.

Khi ấy trẻ sẽ có hai kiểu diễn biến như sau:

1. Bố mẹ thật sự không có đủ tiền mua đồ chơi, đồ ăn hay là mua nhà. Nhà mình sẽ nghèo đói, không có chỗ ở...

2. Bố mẹ nói bố mẹ không có tiền, nhưng vẫn suốt ngày tiêu tiền các thứ. Bố mẹ là kẻ nói dối.

Có thể cha mẹ cũng không cố ý, nhưng họ không biết đâu là cách trả lời tốt nhất với con, vì nếu con muốn cái gì cũng mua cho thì cũng không đúng.

Khi con gái tôi muốn mua một thứ gì đó và xin tôi mua cho nó, tôi sẽ nhắc cho con về những mục tiêu của gia đình.

Ví dụ tôi đặt mục tiêu là cả nhà sẽ đi du lịch ở đâu đó, đây là điều mà cả tôi và con đều thích. Tôi giải thích với con những món đồ không cần thiết và ngoài kế hoạch có thể ảnh hưởng đến việc đạt mục tiêu của chúng ta như thế nào.

Rồi tôi cho con lựa chọn xem có muốn dùng tiền để mua đồ chơi hay không. Thường thì chúng sẽ nhận ra tiêu phí tiền bạc (và trì hoãn chuyến du lịch) là không đáng, từ bỏ việc mua đồ chơi nhưng không thất vọng.

‘Thẻ tín dụng xấu lắm, con không được dùng’

 

Tôi đã chứng kiến nhiều cha mẹ nói với con rằng thẻ tín dụng là xấu và không cho con dùng thẻ, thay vì dạy con cách sử dụng thông minh.

Vấn đề là con bạn sẽ thấy rất nhiều người khác dùng thẻ tín dụng, kể cả người thân trong gia đình.

Con có thể chứng kiến ông bà dùng thẻ tín dụng, hoặc chính bố mẹ dùng. Cái này cũng giống trường hợp trên, bố mẹ nói con không được làm, nhưng chính bố mẹ lại làm, khiến trẻ bối rối không hiểu sao.

Có thể có nhiều người làm dụng thẻ tín dụng, nhưng điều đó không có nghĩa là thẻ tín dụng hay người dùng thẻ tín dụng là xấu.

Bài học quan trọng hơn mà bạn cần dạy cho con đó là thẻ tín dụng không phải là miễn phí, và dùng thẻ tín dụng không phải là sành điệu.

Bạn nên giải thích một chút cho trẻ biết rằng dùng thẻ tín dụng thì cuối tháng sẽ phải thanh toán lại những hóa đơn đã dùng trước đó, và chỉ cho trẻ cách dùng thẻ tín dụng đúng, có trách nhiệm và có lợi.

‘Bố/mẹ vất vả cả ngày rồi nên xứng đáng sắm thứ này’

Sau một ngày vất vả hay buồn bực, chúng ta có thói quen thưởng cho mình thứ gì đó để giải tỏa.

Với nhiều người, cách giải tỏa chính là tiêu tiền mua sắm thứ gì đó mình muốn, nhưng thật ra không cần thiết lắm hoặc khá đắt đỏ.

Và chúng ta giải thích với trẻ rằng ta ‘xứng đáng’ có thứ đó vì đã lao động vất vả cả ngày.

Dần dần, con bạn cũng sẽ cho rằng việc mua sắm để giải tỏa tâm trạng là điều bình thường vì mình ‘xứng đáng’.

Một thời gian sau, khi chúng ta nhận ra món đồ đắt đỏ mà mình mua thật sự là không cần thiết, chúng ta mới bắt đầu hối hận.

Tôi muốn dạy con gái mình dành công sức vất vả và số tiền kiếm được cho những thứ thật sự khiến con hạnh phúc.

Tôi minh họa điều này cho con bằng cách đặt ra những mục tiêu và lý do.

Tôi nói với con rằng khi tôi mệt mỏi và buồn chán, tôi sẽ thấy muốn mua thứ gì đó để giải tỏa. Rồi tôi giải thích vì sao tôi lại không làm vậy: mục tiêu của tôi to lớn hơn, và tôi biết ngày hôm sau tôi sẽ hối hận về món đồ mình đã mua, và tậm trạng sẽ càng tồi tệ hơn.

Còn nếu đến ngày hôm sau tôi vẫn cảm thấy mình muốn thứ đó, tôi sẽ tiết kiệm tiền để mua, và suy xét cẩn thận khi ra quyết định có mua hay không, tham khảo giả cả, chất lượng, thay vì mua nó chỉ vì đang tức giận, bực mình, cô đơn, buồn chán,...

Theo Shannon Ryan – CFP (chuyên gia hoạch định tài chính)

Theo Trang Đặng/ Gia Đình Mới