Nên cho trẻ học bơi lúc mấy tuổi để con phát triển chiều cao tối đa và phòng tránh tai nạn đuối nước luôn là vấn đề được phụ huynh quan tâm hàng đầu.
Bơi lội là môn thể thao thích hợp với mọi lứa tuổi. Ngày nay, các bậc cha mẹ luôn tạo điều kiện để con được học bơi càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh nên lưu ý đến độ tuổi thích hợp nên cho trẻ học bơi để tăng cường >sức khỏe, đảm bảo an toàn và để con có thể tiếp thu đầy đủ các kỹ thuật của môn thể thao "toàn năng" này.
Học viện Nhi khoa Hoa Kì (AAP) cho biết trẻ em không nên học bơi trước năm 4 tuổi. Vì lúc này trẻ không đủ các kỹ năng cần thiết. Giai đoạn 5 tuổi, cha mẹ nên cho trẻ bắt đầu làm quen với nước nhiều hơn, đến năm 6 tuổi thì bắt đầu học bơi. Đây cũng là lời khuyên phổ biến của các huấn luyện viên bơi lội.
Nhiều nghiên cứu cho thấy hoạt động bơi lội giúp cơ thể dẻo dai, tăng sức bền. Môn thể thao này còn được xem như phương pháp vật lý trị liệu tự nhiên điều trị chứng viêm khớp, rất tốt cho hệ hô hấp và tuần hoàn máu.
Theo chia sẻ của các huấn luyện viên bơi lội giàu kinh nghiệm, ở tuổi lên 6, trẻ đã cơ bản tiếp thu đầy đủ các bài tập và thực hiện nghiêm túc các động tác bơi dưới sự hướng dẫn của thầy cô phụ trách. Do đó, các bậc phụ huynh nên cho con học ở độ tuổi này để giúp trẻ tăng cường sức khỏe và đề phòng tai nạn đuối nước.
Tại nhiều thành phố lớn, nhiều bậc cha mẹ ý thức được tầm quan trọng của việc học bơi nên thường cho con đi học vào kỳ nghỉ hè.
Đối với những bé hay e dè, nhát nước, cha mẹ cần có bước chạy đà để con làm quen với hồ bơi, không nên ép trẻ học ngay từ đầu. Bạn có thể xuống hồ cùng bé trong những ngày đầu để con dần quen với cảm giác hồ bơi, quên đi nỗi ám ảnh sợ nước.
- Nên cho trẻ học bơi vào buổi sáng và cuối giờ chiều. Thời gian lý tưởng là từ 9 – 11 giờ, lúc này nước hồ bơi khá ấm và không khí trong lành rất thích hợp cho trẻ hoạt động.
- Không nên để trẻ học bơi khi trời nắng gắt. Thời điểm này, nhiệt độ cơ thể bé đang cao, mồ hôi ra nhiều nếu xuống nước rất dễ bị cảm lạnh.
- Không nên cho trẻ bơi trước và sau khi ăn. Bơi khi đói có thể làm trẻ chóng mặt và mất sức. Bơi lúc trẻ vừa ăn no sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây ra hiện tượng đau bụng, buồn nôn…
- Nên cho trẻ ăn nhẹ các thức ăn chế biến từ rau, củ, quả; hạn chế các món ăn từ chất béo, thức ăn nhanh và cho trẻ xuống hồ bơi sau khi ăn khoảng một giờ.
- Trang bị đầy đủ phụ kiện bơi cơ bản: kính bơi, trang phục bơi, áo phao.
- Lựa chọn cơ sở dạy bơi chuyên nghiệp đầy đủ phương tiện và đội ngũ cứu hộ.
- Lựa chọn những bể bơi sạch sẽ, khử trùng tốt và mật độ người bơi vừa phải. Ưu tiên chọn những bể bơi trong nhà để tránh tia cực tím ảnh hưởng đến da bé.
- Yêu cầu trẻ khởi động kỹ trước khi xuống nước.
- Không nên cho trẻ bơi ở những nơi ao, hồ, sông, suối ô nhiễm.