Ngoài việc dạy con sống tự lập và thành công, cha mẹ cần biết cách dạy con sống vui vẻ và hạnh phúc để phát triển một cách toàn diện.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới lấy chỉ số hạnh phúc để đo lường sự phát triển của một quốc gia. Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2017, Na Uy là quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới. Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ 94.
Do đó, ngoài việc dạy con sống tự lập, văn minh, cha mẹ cần dạy con biết cách sống hạnh phúc. Dưới đây là 11 gợi ý nhỏ cho những bậc cha mẹ muốn con có chỉ số hạnh phúc cao.
Cuộc sống bận rộn thường khiến các ông bố bà mẹ mệt ‘bở hơi tai’ khi trở về nhà. Những lúc này, họ thường để con tự chơi một mình. Thói quen này khiến trẻ không biết cách tương tác với thế giới xung quanh và luôn cảm thấy cô độc.
Thay vào đó, cha mẹ hãy tranh thủ thời gian chơi đùa và trò chuyện cùng con. Con sẽ có những khoảng thời gian vui vẻ và ý nghĩa. Nhiều nghiên cứu chỉ ra những trẻ có mối quan hệ gắn bó với cha mẹ sẽ dễ thiết lập các mối quan hệ thân thiết, quý giá khác ở tuổi trưởng thành.
Những bữa cơm gia đình đầm ấm sẽ khiến các thành viên gia đình luôn cảm thấy gắn bó và hạnh phúc. Theo các chuyên gia, thường xuyên ăn tối cùng gia đình sẽ giúp trẻ giảm nguy cơ trầm cảm và giảm ý muốn tự sát ở tuổi thanh thiếu niên.
Mẹ nên dạy con biết giữ gìn >sức khỏe và tự chăm sóc bản thân. Một em bé hạnh phúc sẽ có thể chất khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn để tự do làm những điều mình yêu thích.
Các chuyên gia cho biết, những trẻ biết quan tâm người khác khi trưởng thành sẽ trở nên hữu ích, khoan dung và vị tha. Quan trọng hơn, trẻ luôn cảm thấy hạnh phúc và khỏe mạnh. Do đó, ngay từ khi còn nhỏ, mẹ nên dạy con biết cách quan tâm đến mọi người xung quanh và biết ơn từ những điều nhỏ nhất.
Trẻ có kỹ năng giao tiếp tốt sẽ luôn cảm thấy tự tin, hòa đồng với bạn bè hơn so với những trẻ thiếu kỹ năng này. Kỹ năng giao tiếp không chỉ giúp trẻ nắm bắt được nhiều cơ hội trong cuộc sống mà còn khiến chỉ số hạnh phúc của trẻ luôn ở mức cao. Vì bản thân những trẻ luôn kết nối với mọi người sẽ không có cảm giác cô độc.
Mẹ hãy để con tự giải quyết những vấn đề của mình. Ví dụ, con có thể tự lựa chọn trang phục để đi chơi cùng gia đình hoặc có thể tự sắp xếp bàn học theo ý muốn. Thông qua những bài học đơn giản này, trẻ sẽ tự lập hơn và hiểu rõ nhu cầu của bản thân. Mẹ chỉ giúp con đưa ra lời khuyên khi bé thực sự cần đến.
Thay vì bảo bọc, cha mẹ hãy để con tự do khám phá thế giới theo cách riêng. Phương pháp này sẽ giúp trẻ tự hoàn thiện bản thân, phát triển khả năng tư duy và những bản năng sẵn có.
Khi được cùng cha mẹ tham gia các hoạt động xã hội (hoạt động từ thiện, nhân đạo, hoạt động cộng đồng…) trẻ sẽ cảm thấy tự tin hơn và ý nghĩa hơn khi làm được nhiều việc có ích. Đồng thời, trẻ sẽ có cơ hội phát triển toàn diện các kỹ năng mềm cần thiết cho cuộc sống.
Mỗi khi con phạm sai lầm, cha mẹ đừng nên quát mắng, đánh đập con mà hãy chỉ ra lỗi. Từ đó trẻ sẽ có được những bài học quý giá và hiểu ra rằng “thất bại là mẹ thành công”. Lâu dần, trẻ sẽ vượt qua khó khăn hay đối mặt với thử thách một cách dễ dàng.
Trẻ em như một trang giấy trắng. Chúng hoàn toàn không biết cách xử lý trước những cảm xúc tiêu cực. Những lúc này, trẻ thực sự cần đến sự trợ giúp của cha mẹ. Cha mẹ có thể trấn an bé, yêu cầu con hít thở sâu trong vài phút. Sau đó đề nghị con nói ra cảm xúc của bé. Làm được điều này, mỗi khi buồn bực hay tức giận, con đều biết cách đối diện với những cảm xúc này.
Cha mẹ chính là tấm gương cho con cái noi theo. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu cha mẹ là những người hào sảng, rộng lượng thì những đứa trẻ sinh ra cũng sẽ có cách hành xử tương tự. Bên cạnh đó, cha mẹ luôn hạnh phúc, lạc quan sẽ giúp con nhận được nguồn năng lượng tích cực, định hình tốt tính cách và thái độ của con sau này.
Dó đó, trước mặt con cái, cha mẹ không nên than phiền hay tỏ ra bi quan về cuộc sống để tránh gieo cho trẻ những cảm xúc tiêu cực.