Có chị bạn than thở: "Ôi em ơi bé nhà chị ngày nào đánh răng cũng khóc lóc ỉ ôi con không đi đánh răng đâu, mà kéo dài cả năm nay rồi. Làm thế nào để con hợp tác chuyện đánh răng hả em?".
Sự thật là không đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào, và không bà mẹ nào giống bà mẹ nào, vì thế để con chịu hợp tác thì cách áp dụng sẽ phải tùy thuộc mỗi người.
Hồi Bon 2 tuổi, vẫn không chịu đánh răng, nhiều hôm mặc kệ khóc mẹ vẫn phải đè cu cậu ra để đánh. Mình đã mất một thời gian dài cả nửa năm để luyện cho Bon thói quen đánh răng mà không còn khóc lóc ỉ ôi nữa. Cũng đã đọc hàng tá sách vở để tìm ra công thức áp dụng riêng cho cu cậu. Mình thấy việc dọa con sẽ bị sâu răng đấy, răng vẫn còn bẩn kìa cũng chẳng ăn thua. Nhất là với tụi trẻ con 3-4 tuổi biết cãi rồi thì kiểu gì nó cũng bảo là con có nhìn thấy con sâu nào đâu, có con vi khuẩn nào đâu.
Vì thế trong mọi tình huống để rèn những thói quen tự lập cho Bon mà mình học được từ người Nhật đó là "GỬI GẮM THÔNG ĐIỆP TÍCH CỰC". Vì khi bạn gửi gắm cho con về thông điệp tích cực, sẽ kích thích đứa trẻ trở nên hứng thú, khiến chúng sẽ suy nghĩ và hành động cũng theo chiều hướng tích cực theo.
1. Cho con nhìn những hình ảnh về chiếc răng trắng tinh, sạch sẽ khi được đánh răng
Mình thấy việc dọa con là con không đánh răng thì bị sâu răng đấy biết chưa, là câu dọa không hiệu quả nhất. Vì nó không phải là hậu quả tức thời nên đứa trẻ chưa thể nhìn thấy được hậu quả của việc làm ấy, dọa dẫm là vô ích. Thay vào đó mình mua mấy cuốn sách tranh có hình ảnh dạy trẻ đánh răng với hình ảnh các bạn ấy đánh răng xong là hàm răng trắng bóng, sáng loáng. "Bon ơi, bạn nhỏ đánh răng xong, hàm răng trắng sáng, xinh ơi là xinh này". Bon sẽ hiểu rằng nếu mình đánh răng thì mình cũng sẽ có thành quả như thế này.
2. Khen ngợi thành quả con đã làm
Bon tự đánh răng xong mình sẽ bảo Bon mở miệng cho mẹ xem nào. Cu cậu mở miệng ra là mình sẽ vỗ tay khen rối rít "Ôi hàm răng trắng tinh, sáng bóng này. Đúng là đánh răng rồi có khác. Bon đánh răng khéo lắm". Cu cậu sung sướng khi được khen là đánh răng trắng tinh lắm.
3. Cùng làm với con và kiên nhẫn, duy trì thói quen
Từ lúc bắt đầu rèn thói quen đánh răng cho đến giờ mình luôn làm cùng con để con bắt chước làm theo. Cả nhà sẽ cùng thi chải răng xem ai đánh sạch sẽ nào. Bon nhìn ba mẹ đánh nên cũng bắt chước theo, cứ thế mỗi ngày sẽ được duy trì đều đặn. Nhưng ở tầm 1-2 tuổi trẻ rất tùy hứng, có hôm không thích là nhất quyết không thể ép được. Vì thế giai đoạn chưa hình thành thói quen chủ động thì mình rất hạn chế cho Bon ăn đồ ngọt buổi tối. Có hôm không ép đánh răng được thì mình đành chiều theo ý con, con chỉ xúc miệng rồi đi ngủ. Quan trọng nhất vẫn là duy trì sự hứng thú, trải qua thời gian thì dần dần con sẽ thành thói quen. Nên mình đã phải kiên nhẫn 6 tháng để con có được thói quen đánh răng chủ động
4. Đánh răng xong con sẽ được làm việc mà con thích
Bon thích nhất đọc ehon trước khi đi ngủ, vì thế mình luôn dụ hai mẹ con đi đánh răng xong thì mình sẽ đọc ehon nhé. Giờ đây khi bước sang 3 tuổi rưỡi cu cậu lại đòi là đọc ehon xong thì mới đi ngủ. Mình cũng chiều theo con 1-2 lần khi con muốn như thế. Nhưng đến một hôm Bon không giữ lời hứa, đọc ehon xong rồi mà không chịu đi đánh răng, khóc lóc ỉ ôi. Thế là từ hôm sau khi con đòi lặp lại, mình bảo "Hôm qua con không giữ lời hứa, nên từ giờ trở đi con phải đánh răng trước rồi mình mới đọc ehon nhé". Cu cậu hiểu chuyện nên không phản kháng gì.
5. Nhờ con chỉ cho mẹ cách làm
Giai đoạn Bon gần 3 tuổi, anh chàng rất thích được chỉ cho ba mẹ cách đánh răng. Ba mẹ phải đánh như này này. Lợi dụng điều ấy nên thi thoảng để up tinh thần của anh ấy lúc anh chàng không muốn đánh răng là mình lai dụ "Bon ơi mẹ đánh răng như này có đúng không nhỉ. Bon chỉ cho mẹ với".
6. Tạo không khí vui vẻ khi đánh răng
Với những bạn nhỏ tầm 1 tuổi thì việc tạo ra không khí vui nhộn sẽ giúp các bạn ấy hứng thú hơn. Ví dụ như khi đánh răng mình sẽ kèm theo các âm thanh của bàn chải "kasha kasha kasha". Mình giả vờ làm bác sĩ "Xin mời bệnh nhân/quý khách mở miệng ra nào để tôi đánh răng cửa nào, A nào để tôi đánh răng hàm". Bon thích thú cười khi được đóng vai vị khách hoặc bệnh nhân.
7. Đi khám bác sĩ
"Bụt nhà không thiêng", câu này cấm có sai với những em bé. Tụi trẻ con sẽ coi cô giáo ở trường là nhất, lời bác sĩ dặn là tuyệt đối, hơn đứt mọi lời mẹ dặn. Vì thế việc dẫn trẻ đi đến phòng khám nha, để bác sĩ kiểm tra, bác sĩ dặn dò cũng là một cách rất hiệu quả.
Đôi nét về tác giả:
Nguyễn Thị Thu là sáng lập trường mầm non Tsubaki, người mẹ truyền cảm hứng cho các cha mẹ Việt qua hàng loạt bài viết về giáo dục gia đình với tư tưởng giáo dục Nhật Bản.