Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh cho biết việc dạy trẻ học nói cần có sự tương tác giữa cha mẹ và con để trẻ phát triển vốn ngôn ngữ và học các kỹ năng giao tiếp đầu tiên.
Khoảng thời gian này không phụ thuộc vào yếu tố “bao lâu” mà phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng: Bé có vui, ngạc nhiên, có phản ứng, tham gia hoặc hiểu những gì cha mẹ đang trò chuyện không?
Ví dụ: Cha mẹ dành 10 phút đọc sách cho trẻ mà không quan tâm đến sự tham gia của trẻ thì không hiệu quả. Nhưng nếu chỉ cần 2 phút cha mẹ tỏ ra hứng thú khiến trẻ chăm chú nhìn và lật từng trang sách thì chính là thời gian giao tiếp tích cực.
Trẻ từ 1 – 4 tuổi, thời gian giao tiếp tích cực cần tăng lên khoảng ¼ để không ngừng phát triển vốn ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp.
Ví dụ: Trẻ 1 tuổi cần cha mẹ dành 25% thời gian, trẻ 2 tuổi cần 50% thời gian giao tiếp tích cực. Nếu 1 ngày mẹ dành 100 phút thì ít nhất có 25 phút là giao tiếp tích cực với trẻ 1 tuổi để giúp trẻ phát triển cả ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp.
Tháng đầu tiên khi vừa chào đời, trẻ đã bắt đầu làm quen với âm thanh và giọng nói của cha mẹ. Từ 5 - 9 tháng tuổi, trẻ có thể ghép âm. Trẻ thích các từ tượng thanh và tượng hình khi nghe cha mẹ nói chuyện trong giai đoạn 5 – 9 tháng tuổi. Dưới 1 tuổi, cha mẹ có thể “nhại” giọng ngọng nghịu của trẻ để con quen với những nguyên âm cơ bản như: a, e, o.
Từ 12 – 17 tháng tuổi, trẻ bắt đầu làm quen dần với các phụ âm quen thuộc như (p, b, m, d, n) cả tiếng Anh và tiếng Việt. Do đó, cha mẹ nên sử dụng nhiều từ có phụ âm đã nêu khi nói chuyện.
Ví dụ: Ba ba, bong bóng… Nếu nói chuyện bằng tiếng Anh với trẻ, nên dùng nhiều từ có phụ âm này: Ball, baby, bottle, daddy. Giai đoạn từ 12 – 18 tháng tuổi, trẻ rất thích cha mẹ nói rõ âm rõ từ, kết hợp 2 – 3 từ.
Trước khi được 18 tháng tuổi, trẻ có thể nói khoảng 20 từ. Từ 18 – 30 tháng tuổi, trẻ rất thích cha mẹ hướng dẫn trò chơi. Cụ thể: “Con nhặt gấu bông lên và đưa cho mẹ nào!” Nếu giao tiếp bằng tiếng Anh, mẹ có thể nói: “Please pick up your teddy bear and give it to me!”.
Câu mệnh lệnh bao gồm 2 – 3 bước sẽ giúp bé học cách ghép từ cũng như học được ngôn ngữ cả tiếng Anh và tiếng Việt.
Trong độ tuổi này, trẻ sẽ bắt đầu phát triển một lượng lớn từ vựng. Mẹ nên tích cực sử dụng động từ để khuyến khích các hoạt động của trẻ, đặc biệt với những trẻ chậm nói. Khi chơi trò chơi cùng bé, mẹ có thể kết hợp những câu mô tả về vị trí và đặc điểm của đồ chơi trong nhà.
Trong thời gian giao tiếp tích cực cùng bé, cha mẹ có thể dạy con nói bằng việc cùng tham gia các hoạt động thường ngày.
Ví dụ: Khi trẻ đánh răng, mẹ có thể sử dụng ngôn ngữ để hướng dẫn trẻ tuần tự: Mở nắp kem đánh răng, đánh răng, rửa sạch. Khi mẹ nói “Mở nắp kem đánh răng”, mẹ hãy cho trẻ cơ hội để đáp ứng. Mẹ cũng có thể hỗ trợ để giúp bé phản ứng chính xác với các hoạt động (Mẹ dùng tay đặt tay bé lên nắp và mở nắp tuýp kem đánh răng).
Trong mỗi hoạt động sinh hoạt và vui chơi, mẹ hãy cùng trẻ kiên nhẫn thực hành. Trẻ sẽ dần hình thành vốn ngôn ngữ phong phú và kỹ năng giao tiếp ngay trong những năm đầu đời.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh
(Bệnh viện Hoàng gia Worcester - Vương quốc Anh)