Chỉ cần dựa vào 4 dấu hiệu này, chị em phụ nữ có thể biết được thời gian chào đón thiên thần nhỏ ra đời nhé!
Trong thực tế thì khó có thể xác định thời điểm chính xác khi nào mẹ sẽ chuyển dạ. Thế nhưng đừng vì thế mà mẹ quá lo lắng vì vào giai đoạn cuối thai kỳ sẽ có 4 >dấu hiệu sắp sinh báo cho bạn biết bé yêu đã sẵn sàng chào đời.
Sa bụng, bụng bầu tụt xuống
Khi bước vào giai đoạn cuối thai kỳ, thai nhi sẽ dịch chuyển dần vào khu vực khung xương chậu để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ. Hiện tượng này có thể xảy ra trước một vài tuần hoặc vài giờ trước khi bạn chuyển dạ thực sự.
Khi dấu hiệu này xuất hiện, bạn có thể sẽ cảm thấy dễ thở hơn vì thai nhi không còn chèn ép phổi. Thế nhưng, thai nhi tụt xuống khung chậu sẽ gây áp lực lên cổ tử cung và đè lên bàng quang, khiến bạn muốn đi tiểu nhiều hơn.
Các cơn co thắt chuyển dạ
Các cơn co thắt chuyển dạ thật sự sẽ mạnh, đau khiến bạn khó chịu và không giảm dù bạn đã thay đổi tư thế. Tần suất các cơ co diễn ra liên tục và đều đặn hơn, khoảng 5 – 7 phút sẽ có một cơn co kéo dài từ 30 giây đến 1 phút.
Tần suất các cơn gò tử cung diễn ra mạnh và liên tục có thể khiến bạn run rẩy dù không cảm thấy lạnh. Hiện tượng run rẩy là cách tự nhiên của cơ thể để giảm căng thẳng. Để giảm tình trạng này, bạn có thể ngâm mình trong nước ấm hoặc nhờ chồng massage.
Dịch nhầy cổ tử cung thay đổi là dấu hiệu chuyển dạ dễ nhận biết
Vào khoảng tuần 37 – 40 trong thai kỳ, bạn sẽ thấy âm đạo tiết ra nhiều dịch hơn, nhớt hơn. Đây là hiện tượng mất nút nhầy cổ tử cung có tác dụng bịt kín cổ tử cung để ngăn ngừa viêm nhiễm đã bong ra nhằm “dọn đường” cho bé yêu chào đời.
Dịch nhầy có thể có màu trong suốt, sẫm màu hoặc màu hồng hoặc có một ít máu. Đây là dấu hiệu cho thấy trong một vài ngày tới, bé yêu của bạn sẽ chào đời. Song có không ít thai phụ phải chờ đến 1 đến 2 tuần sau đó mới thực sự chuyển dạ.
Lưu ý là nếu dịch nhầy chứa nhiều máu (gần giống như khi bạn có kinh), đây có thể là một dấu hiệu chuyển dạ nguy hiểm, bạn cần phải đến bệnh viện ngay.
Vỡ nước ối – Dấu hiệu sắp sinh em bé
Thai nhi phát triển trong một túi chất lỏng bảo vệ gọi là túi ối. Khi túi ối vỡ nghĩa là con đã sẵn sàng chào đời. Tuy nhiên, không phải ai cũng sẽ gặp phải dấu hiệu này. Nghiên cứu cho thấy, chỉ có khoảng 8–10% thai phụ vỡ ối trước khi sinh.
Tùy mỗi người mà lượng nước ối có thể chảy ra nhiều hay ít, chảy thành dòng hay nhỏ từng giọt. Nước ối thông thường trong suốt hoặc có màu vàng nhạt. Khi vỡ ối, bạn nên ghi lại thời gian vỡ ối, lượng nước ối, màu sắc của nước ối và đến bệnh viện ngay. Chuyên gia cũng khuyên rằng bạn nên đặc biệt thận trọng hơn nếu bị vỡ ối non trước tuần 37 của thai kỳ.
Mẹ nên làm gì khi những dấu hiệu sắp sinh gây khó chịu
Đối mặt với các dấu hiệu trước khi sinh, mẹ nên yên tâm sinh hoạt, ăn uống và nghỉ ngơi cũng như có giấc ngủ thật thoải mái.
Nghỉ ngơi: Nên nghỉ ngơi và không làm việc nhiều ở thời điểm sắp sinh này, vẫn làm việc nhẹ nhàng như ngồi đọc sách, nghe nhạc, nấu ăn và đi bộ. Không thức khuya quá 22 giờ, tránh căng thẳng...
Tư thế nằm: Khi mẹ nằm nghỉ hay ngủ, nên nằm nghiêng trái, điều này sẽ tránh được tử cung lớn đè vào động mạch chủ, giúp cho máu đến nuôi dưỡng thai nhi được tốt.
Theo dõi cử động thai: Khi mẹ thức thai nhi cũng thức theo mẹ, khi mẹ ngủ thai nhi cũng ngủ theo mẹ. Mẹ cần theo dõi cử động thai máy. Trung bình một ngày thai nhi sẽ cử động ít nhất là 5 lần. Khi cảm giác của mẹ thấy thai nhi cử động ít hơn hay không cử động, mẹ nên đến ngay bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa sản kiểm tra.