Hằng ngày, sau khi chồng đưa ba con lớn đi học, chị Thanh Nga tranh thủ những lúc bé Kem ngủ để làm việc. Đồng thời không quên chăm sóc bản thân bằng việc dành thời gian tập gym, học nhảy, đi spa mỗi tháng, chăm sóc da và đọc sách mỗi ngày.
Chị Phạm Thanh Nga sinh năm 1984, hiện đang sinh sống tại Hà Nội. Kết hôn từ năm 2011, sau hơn 6 năm, vợ chồng chị đã "sở hữu" một gia tài to lớn đó chính là 4 nhóc tì đáng yêu: Ỉn, Ủn, Kua và Kem. Ngoài bé Ủn sinh thường, 3 bé còn lại đều là sinh mổ.
Việc một người mẹ trẻ hiện đại, vừa có thể chăm cùng lúc 4 đứa con nhỏ, vừa có thời gian để chăm sóc bản thân thực sự khiến nhiều chị em bỉm sữa ngưỡng mộ.
Một điều bất ngờ được chia sẻ từ chị Thanh Nga là việc chị có 4 con đều là do nhỡ kế hoạch. Sinh con và nuôi con không nằm trong kế hoạch của 2 vợ chồng, không tránh khỏi những bỡ ngỡ và khó khăn. Song cuối cùng, chị cũng đã làm tốt vai trò một người mẹ.
Nuôi con cần quan tâm nhiều yếu tố khác hơn là cân nặng
Chị có nghĩ có 4 con là quá đông so với hiện nay, khi các bố mẹ trẻ hiện đại chỉ lựa chọn sinh 1 – 2 con?
Bốn con đúng là cũng hơi nhiều một chút. Và hầu hết mọi người đều cảm thấy lạ và ngạc nhiên vì đều đó. Nhưng mình quen rồi, thấy đông con lại vui. Duy chỉ có một điều là đông con thì không đi chơi xa được nhiều như 1-2 con.
Giữa thời điểm chỉ mới có 1 bé so với đã có 4 bé, chị thấy khác nhau như thế nào?
Dĩ nhiên là khác nhau rất nhiều. Thời gian đầu có 1 bé, khi ấy mình có nhiều bỡ ngỡ, thiếu kinh nghiệm, nhiều điều không biết cần phải học và tìm hiểu. Nhất là lúc phải đối đầu với ông bà hai bên để được nuôi con theo cách của mình. Còn khi có 4 bé, mình đã có nhiều kinh nghiệm, tư tưởng cũng thoải mái hơn, mấy bạn nhỏ nhà mình đều tự lập nên ông bà hai bên ủng hộ hoàn toàn.
Khi chị sinh con liên tục và phải chăm con nhỏ, hẳn chị đã có khoảng thời gian căng thẳng. Chị có thể chia sẻ thêm về điều này và cách chị vượt qua nó?
Khi sinh bé đầu, có lúc mình cảm thấy bực bội khi con không ăn hết phần cơm bởi bị áp lực về cân nặng của con. Còn những đứa sau, mình không còn cảm thấy như vậy nữa vì mình hiểu rằng có nhiều yếu tố khác cần quan tâm hơn là cân nặng. Nếu con phải ăn trong áp lực, mỗi bữa ăn đều có nước mắt thì tâm lý của con sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề về lâu dài.
Quá trình nuôi con là quá trình để mình hoàn thiện bản thân, học hỏi từ rất nhiều sai lầm để có được những kinh nghiệm quý giá. Một trong số đó chính là: Muốn thay đổi con, bản thân mẹ phải tự thay đổi trước.
Một khi mẹ suy nghĩ lạc quan, tư duy tích cực, dành thời gian ăn, ngủ, chơi cùng con sẽ dần biết cách yêu thương con, chấp nhận và tôn trọng cá tính cũng như thể hình của mỗi đứa.
Ai là người hỗ trợ chị nhiều nhất trong việc chăm sóc và >nuôi dạy con?
Chồng mình là người chia sẻ công việc nuôi dạy và >chăm sóc con cùng mình, nếu không có chồng mình thì chắc chắn mình sẽ không thể làm gì được. Thời gian đầu chồng mình chỉ ủng hộ chứ chưa tham gia vào công việc chăm sóc nuôi dạy con, nhưng dần dần đã bị mình lôi kéo vào. Chẳng hạn như việc đọc truyện cho con trước khi đi ngủ, ban đầu chỉ có mẹ đọc, mình tạo thói quen đấy cho con, đến lúc con lớn mình bảo con mang sách ra nhờ bố đọc. Vậy là từ đấy bố đảm nhiệm chính quyền lợi này.
Đồng thời, chồng mình cũng phụ trách đưa đón con đi học, tắm rửa, nấu nướng, ăn cùng con, đọc sách, chơi với con, cho con đi ngủ những khi mẹ bận. Chồng mình nấu ăn rất ngon nên các con thích nhất ăn đồ ăn bố nấu.
Dạy con tự lập từ bé
Có nhiều trường hợp, bé lớn sẽ cảm thấy ganh tị với em hay tủi thân khi mẹ chăm sóc em nhỏ nhiều hơn, điều này có đúng với gia đình chị?
Nhà mình không xảy ra việc này vì bố mẹ đều dành nhiều thời gian cho các con, gieo mầm yêu thương cho các con mỗi ngày. Mình luôn dạy con tự lập, dành nhiều thời gian cho con, khi có đủ tình yêu thương của bố mẹ, con có đủ sự tự tin vào bản thân mình, không tủi thân hay tự ti vì các yếu tố ngoại cảnh.
Với mỗi em sắp chào đời, bố mẹ đều trò chuyện và cho con làm quen dần với em bé. Luôn nói "Mẹ yêu con" với tất cả các con mỗi ngày để các con cảm thấy mình lúc nào cũng được yêu thương, được hiểu và được tôn trọng. Đồng thời, hai vợ chồng mình cũng luôn yêu thương, tôn trọng lẫn nhau. Vì đó là điều con có thể dễ dàng cảm nhận được nên cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến con.
Chị luôn nhấn mạnh việc để con tự lập từ bé, vậy chị đã dạy các con mình về điều đó như thế nào?
Dạy con tự lập từ bé là điều quan trọng nhất với mình. Con tự lập không chỉ tốt cho bản thân con mà còn giúp mẹ có thêm thời gian cho bản thân cũng như kiếm tiền. Càng đông con càng thấy rõ lợi ích đấy. Con tự lập thì khi mẹ có em cũng không cần quá lo lắng về con vì mẹ biết con có thể tự xoay xở được, tự phục vụ bản thân được.
Mình dạy con tự lập từ lúc mới chào đời bằng cách thiết lập ăn ngủ theo EASY (Eat - Activity - Sleep - Your time hay ăn - chơi - ngủ - mẹ thư giãn), tạo thói quen đi ngủ giấc tối để con có thể ngủ đêm thẳng giấc; 6 tháng ngồi vào ghế tự ăn; 9 - 10 tháng tự cầm thìa xúc ăn; hơn 1 tuổi tự cầm đũa; 2-3 tuổi tự biết tắm và vệ sinh cá nhân. Và khi thực hiện theo điều này, các con đều ăn uống tắm rửa rất vui vẻ.
Với chị, khó khăn lớn nhất trong việc nuôi 4 con là gì?
Thật sự thì điều khó khăn lớn nhất là dạy con thế nào để các con biết yêu thương, tôn trọng nhau mà vẫn giữ được cá tính riêng của mình, vẫn xem bố mẹ là người bạn để có thể tâm sự, là chốn bình yên để các con tìm về.
Gia đình mình thường tổ chức đi chơi, đi du lịch, trong khi các con đều nhỏ, chị có cách nào để giám sát các bé không?
Các bạn nhỏ nhà mình đều được bố mẹ trang bị cho kỹ năng từ trước bằng việc nghe bố mẹ đọc sách, trò chuyện mỗi ngày về việc tự đảm bảo an toàn cho bản thân, nên đi chơi bố mẹ không phải bận tâm quá nhiều. Dĩ nhiên là cả bố và mẹ đều để ý và giám sát con thường xuyên. Vì thế mà khi gia đình cũng đi chơi mình không hề thấy vất vả. Việc các con được trải nghiệm những vùng đất mới cùng cả nhà là điều tuyệt vời nhất.
Chi phí nuôi con cũng là vấn đề lớn nhưng chưa phải lớn nhất
Vấn đề lớn nhất với gia đình chị khi nuôi 4 con nhỏ là gì?
Khi nhìn vào gia đình mình, mọi người đều cho rằng chi phí nuôi con là vấn đề lớn và khó khăn nhất, nào là tiền ăn, sữa, tiền học của con. Nhưng thực chất, với mình thì dạy con thế nào để các con đều tự lập, tự tin và yêu thương nhau mới chính là vấn đề lớn nhất. Chi phí chỉ là vấn đề thứ hai. Bố mẹ cố gắng làm việc, chăm chỉ hơn cũng sẽ xoay xở được. Bởi khéo ăn thì no, khéo co thì ấm.
Khi quyết định mua một món đồ nào đó cho con, chị sẽ cân nhắc đến yếu tố nào đầu tiên?
Mình quan tâm nhất đến chất lượng. Vì thể trạng của trẻ nhỏ không giống người lớn. Nếu chỉ mua đồ giá rẻ mà lại không quan tâm đến chất lượng, đến khi có những ảnh hưởng đến con lại còn tốn kém và vất vả hơn nhiều.
Chị có mẹo tiết kiệm nào khi nhà đông con không?
Đó là mình canh sale của những cửa hàng bán đồ cho trẻ chất lượng. Khi nào có chương trình khuyến mãi thì mình sẽ mua, như vậy cũng tiết kiệm được một khoản kha khá. Đồng thời, mình cũng chọn mua đồ tốt, màu sắc trung tính để có thể dùng từ lớn đến bé.
Một lời dành cho những người mẹ trẻ, chị sẽ nói điều gì?
Nuôi con sẽ có rất nhiều nước mắt nhưng đó không phải là cuộc chiến. Khi nuôi con nhỏ sẽ dạy cho bố mẹ rất nhiều điều nếu chịu học hỏi. Ví dụ như dạy cho bố mẹ kiên nhẫn hơn, bao dung hơn, biết cách tha thứ và lùi lại một bước để chấp nhận những cảm xúc của con.
Luôn chú ý chăm sóc sức khoẻ của mẹ cả về thể chất lẫn tinh thần, mẹ hạnh phúc khoẻ mạnh sẽ khiến những đứa con hạnh phúc khoẻ mạnh. Trẻ con cảm nhận rất giỏi, mẹ lạc quan vui vẻ, bố mẹ cố gắng yêu thương tôn trọng nhau, chia sẻ công việc với nhau thì con cái sẽ học theo mà không cần phải dạy dỗ quá nhiều.
Mỗi đứa bé là một cá tính riêng, mình cần học để yêu thương con như bản thân con vốn dĩ như vậy, so sánh con với con của ngày hôm qua chứ không so sánh với đứa trẻ khác cũng giúp mình thoải mái hơn khi nuôi con.
Trang bị kiến thức nuôi con bằng cách đọc sách, chọn lọc thông tin từ các trang tin chính thống về cách nuôi dạy con, theo dõi các mẹ bỉm sữa nổi tiếng để học hỏi thêm. Và quan trọng nhất là, mình nghĩ tuổi thơ con trôi qua rất nhanh, thời gian con quấn quýt bên bố mẹ thực sự rất ngắn nên mình luôn cố gắng tận hưởng từng giây phút bên con, chứng kiến từng mốc phát triển của con, sống chậm cùng con vì chẳng mấy chốc mà con sẽ tự bay trên đôi cánh của mình.
Rất cảm ơn những chia sẻ của chị Thanh Nga!