Qua những trận dịch bệnh từ trước đến nay như H5N1, H1N1, H5N6, Covid 19, …. Cha mẹ sẽ dạy cho con điều gì để có kỹ năng phòng tránh dịch bệnh cũng như việc rèn luyện bản lĩnh tinh thần vững vàng khi mọi sinh hoạt, học tập bị đảo lộn?
Cha mẹ vừa trải qua thời kỳ “khủng hoảng”
Dịch bệnh Covid-19 tạm lắng xuống, mọi hoạt động của người dân dường như đã bình thường trở lại. Tuy học sinh đã được đến trường nhưng đối với nhiều phụ huynh, thời gian con nghỉ tránh dịch ở nhà trong suốt thời gian thực hiện cách ly xã hội do dịch bệnh không khác gì một cuộc “vật lộn” với những biến cố từ sinh hoạt cho đến tâm lý của con.
Chị Huỳnh Thị Ngọc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, chỉ trong vòng một tuần đầu tiên, chị đã phát hiện ra còn nhiểu “lỗ hổng” trong cách dạy con.
Thứ nhất, các con chị không thể tự chăm sóc mình. Khi bố mẹ đi làm, mặc dù đã học lớp 8 nhưng không biết nấu cơm, không biết cả đun nước úp mỳ gói, thậm chí không buồn dậy học bài online khi bố mẹ không ở nhà gọi dậy, thúc giục.
Thứ hai, chúng không có bản lĩnh khi cuộc sống thay đổi. Chỉ vài ngày không được đến trường, không được chạy nhảy, gặp gỡ bạn bè là chúng phờ phạc, chán chường, khó ngủ, mệt mỏi và bị trầm cảm.
Thứ ba, chúng không đủ bản lĩnh vượt qua những cám dỗ khi không bị người lớn kèm cặp. Khi không có bố mẹ ở nhà, trẻ cắm đầu chơi game, chát, xem phim trên mạng đến mụ cả đầu.
Chị Ngọc chia sẻ, bản thân chị lo lắng đến mất ăn mất ngủ, phải xin cơ quan cho nghỉ hẳn ở nhà để canh chừng và đưa các con vào nề nếp, nhưng bản thân chị biết kỹ năng sống của các con hoàn toàn bằng không. Lúc con được đến trường chị như trút được ghánh nặng ngàn cân. Chị đã lên kế hoạch để cho con theo học một lớp kỹ năng sống, đồng thời bản thân chị cũng đã tìm hiểu tài liệu về phương pháp dạy con.
Không gặp phải nhiều vấn đề như chị Ngọc, chị Phạm Thùy Chi (Gia Lâm, Hà Nội) lại có con rơi vào tình trạng trầm cảm ngay từ sau một tuần ở nhà. Chị Chi chỉ có một con gái học lớp 6 tên Ngân. Bình thường Ngân là một đứa trẻ năng động hoạt bát, có lẽ chính vì vậy khi mọi hoạt động bị đóng băng, cô bé trở nên sốc nặng. Từ việc ngủ không ngon giấc, bỗng bị “tè dầm” như trẻ em lên hai, rồi đau bụng không rõ nguyên nhân, lúc thì chán ăn, lúc thì lại ăn rất nhiều đến nỗi rối loạn tiêu hóa. Thỉnh thoảng, cô bé còn sốt nhẹ xong lại bình thường.
“Đang trong mùa dịch mà cứ hết bệnh nọ đến bệnh kia, đi khám thì không dám đi vì sợ lây Covid-19, cho ở nhà thì lo ngay ngáy. Nói chung con bé làm cả nhà rối tinh cả lên”, chị Chi chia sẻ.
Sau đó, chị đã phải gọi điện đến bác sỹ để nghe tư vấn. Khi được biết khả năng những bệnh lặt vặt này là do stress, chị Chi đã động viên con tập thể dục trong nhà, sinh hoạt lành mạnh, đúng giờ, kết nối cho con nói chuyện với bạn cùng lớp của phần mềm trực tuyến… dần dần, Ngân mới trở lại trạng thái vui vẻ bình thường.
Khi cuộc sống đột nhiên thay đổi, nhiều bậc cha mẹ mới nhận ra con cái thiếu kỹ năng sống trầm trọng và ngay bản thân họ cũng thiếu kỹ năng dạy con. Nhiều người lo lắng rằng, không chỉ có một trận đại dịch mà trong tương lai, ai biết trước được cuộc sống của con sẽ có những biến cố gì, thay đổi ra sao. Nếu không rèn luyện tinh thần vững vàng để vượt qua mọi biến cố trong cuộc sống thì rất có thể trong tương lai chúng sẽ gặp khủng hoảng.
Lúng túng từ cha mẹ
Thạc sỹ công tác xã hội Nguyễn Hiền Minh cho biết khi dịch bệnh xảy ra, nhiều bậc cha mẹ lúng túng. Cái khó khăn và lúng túng của các bậc cha mẹ xuất phát từ việc không chuẩn bị một tâm thế chủ động như việc cùng con đón một kỳ nghỉ hè thông thường, vậy nên chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc phải sắp xếp thế nào khi trẻ nghỉ học mà phụ huynh vẫn phải đi làm.
Điều phụ huynh lo lắng nhiều nhất là trẻ liệu có tự chăm sóc và bảo vệ được chính mình khi ở nhà mà không có người lớn hay không? Trẻ lớn cấp 2 hay cấp 3 thì có thể đã ý thực được tốt hơn, nhưng trẻ nhỏ mẫu giáo, cấp 1 thì như thế nào? Chúng có thể tự lo bữa ăn cho mình được không? Chúng làm gì khi ở nhà cả ngày, chúng có học không hay chỉ xem ti vi, lên mạng, đi chơi gặp gỡ bạn bè và đến những đâu... phụ huynh không kiểm soát được.
Nhiều gia đình chọn biện pháp để đứa lớn trông đứa bé, thậm chí đứa lớn mới lớp 1 lớp 2 trông đứa bé 4-5 tuổi. Phụ huynh “nhốt” bọn trẻ trong nhà và đành căn dặn một số việc cũng như cất những vật dụng nguy hiểm rồi mở tivi, ipad cả buổi để bọn trẻ ngồi yên trong nhà, đến trưa bố mẹ mới tranh thủ về lo bữa ăn cho chúng. Đối với những trẻ lớn hơn chút thì có thể chuẩn bị cơm trưa sẵn và đến bữa dặn bọn trẻ ăn. Tất nhiên là cha mẹ cũng giao bài, dặn chúng làm bài, học bài nhưng tỉ lệ các con tự giác làm đầy đủ và nghiêm túc không nhiều, đặc biệt là những gia đình ở thành phố khi mà ở nhà có các phương tiện, thiết bị điện tử hấp dẫn hoặc bạn bè hàng xóm đều được nghỉ chúng sẽ tụ tập chơi nhiều hơn .. Nói chung trong tình huống bí bách vậy nhiều phụ huynh phải xoay xở hết những gì có thể.
“Từ những khó khăn bất cập này chúng ta mới nhận ra việc trang bị kỹ năng sống cho con để chúng tự lập được trong các tình huống cần thiết là điều vô cùng quan trọng, điều mà trước giờ có thể nhiều cha mẹ chưa để ý”, thạc sĩ Nguyễn Hiền Minh khẳng định.
Kỹ năng từ a-z
Theo thạc sĩ Nguyễn Hiền Minh, về cơ bản vẫn là những kỹ năng sinh tồn phải quan tâm hàng đầu, ví dụ những kỹ năng an toàn điện; tránh bị bỏng nước sôi hay bình nóng lạnh, nồi cơm điện; tránh các vật dụng nguy hiểm và khu vực nguy hiểm; kỹ năng phòng tránh và xử lý hỏa hoạn, kỹ năng vệ sinh cá nhân... Đối với trẻ em khu vực nông thôn hoặc các khu dân cư mà trẻ có thể đi chơi xung quanh khu vực sinh sống thì cần giúp trẻ có kỹ năng phòng tránh người lạ bắt cóc, xâm hại tình dục hoặc đuối nước và các trò chơi nguy hiểm khác. Ngoài ra trẻ cũng cần học cách chuẩn bị bữa ăn đơn giản cho mình khi cha mẹ không có nhà.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào chúng ta có thể trang bị cho trẻ những kỹ năng này? Và làm thế nào để trẻ thích thú lắng nghe và ghi nhớ thực hành? Chẳng có cách nào ngoài việc cha mẹ phải đồng hành mỗi ngày với con qua từng tình huống và ví dụ cụ thể. Có thể một số kỹ năng các con đã từng được học, được giới thiệu ở trường hay câu lạc bộ nào đó, tuy nhiên việc học không đi đôi với hành các con sẽ chóng quên. Vậy nên cha mẹ hãy tạo ra các tình huống cùng con thực hành, thảo luận và rút kinh nghiệm. Khi trẻ được thực hành bằng những tình huống cụ thể, chúng sẽ ghi nhớ lâu hơn.
Ngoài ra một số kỹ năng sống liên quan nhiều đến thao tác, đòi hỏi sự thành thục như nấu ăn, rửa bát, dọn dẹp nhà cửa, quét sân, gập quần áo... hoặc sử dụng máy tính phục vụ cho việc học online thì cha mẹ cần làm cùng con hàng ngày để con quen và thành thạo. Qua việc cùng làm các công việc nhà giữa cha mẹ và con cái sẽ tạo ra sự gắn bó tình cảm và tương tác tích cực. Có thể thắt chặt sợi dây tình cảm hoặc sự thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái nhiều hơn. Cha mẹ sẽ nhận ra con mình đã lớn, đã có thể làm được nhiều việc giúp ích cho gia đình, bản thân các con cũng nhận ra giá trị của bản thân, sức lao động của con và trách nhiệm của con với gia đình ngay từ khi còn nhỏ.
5
Ảnh minh họa
Tất cả những thông tin cần thiết về những kỹ năng cần trang bị cho trẻ và cách làm, cha mẹ hoàn toàn có thể tìm hiểu, tham khảo trên internet ở những trang giáo dục hay những tổ chức/trung tâm giáo dục có uy tín.
Tinh thần của trẻ là điều cốt lõi để tránh trẻ bị trầm cảm khi không được giao tiếp với bạn bè, vậy thì cha mẹ cần trở thành những người bạn của trẻ để cùng con chia sẻ tình cảm và những tâm tư, nguyện vọng hay thậm chí là những nhu cầu được khám phá tìm hiểu của trẻ. Thông qua sinh hoạt hàng ngày, khi cùng làm việc nhà hay có hoạy động chung nào đó, cha mẹ nên tận dụng thời gian đó để giao tiếp với con nhiều hơn, đặc biệt là nói chuyện về những chủ đề gần gũi với lứa tuổi của con và những chủ đề mà con thích. Tuy nhiên cha mẹ cần nhớ, chúng ta cần tạo cho trẻ cảm giác như được chia sẻ và trò chuyện với một người bạn lớn tuổi đáng tin tưởng và an toàn chứ không phải với một giám thị mẹ/cha luôn đưa ra những yêu cầu, mệnh lệnh và phê phán nhiều hơn là khen ngợi.
Thiết bị điện tử là một vấn đề khiến phụ huynh luôn đau đầu và cảnh giác. Bởi vậy, cha mẹ cần thảo luận và thỏa hiệp với trẻ về thời gian sử dụng các thiết bị điện tử, sử dụng mấy giờ trong ngày, phục vụ hoạt động gì. Thậm chí cha mẹ nên khuyến khích con kết nối với bạn bè qua điện thoại hoặc các ứng dụng trò chuyện của mạng xã hội...và bố mẹ đảm bảo có thể kiểm soát được.
Để giúp con có thời gian sử dụng internet hợp lý và hiệu quả, bên cạnh việc kiểm soát cha mẹ cũng cần có những kiến thức và sự hiểu biết nhất định về internet để biết cách sử dụng và quản lý tốt đối với con. Đồng thời, cha mẹ có thể bàn luận với con về các vấn đề liên quan tới internet và cùng chỉ ra cách sử dụng, tìm hiểu các ứng dụng trên internet phụ vụ cho học tập online hay tìm kiểm tài liệu. Cha mẹ hãy hướng dẫn con cách tìm hiểu và tiếp nhận các thông tin trên mạng xã hội, internet sao cho đúng, tránh những tin độc hại và các trạng mạng không có nội dung lành mạnh sẽ ảnh hưởng đến con như thế nào. Một số nhà mạng cũng đưa ra các gói giải pháp để quản lý không gian mạng lành mạnh dành cho trẻ, cha mẹ cũng có thể tham khảo để việc quản lý con được tốt hơn.