Theo phong thủy thì chữ sau khi đi xin về chỉ nên treo ở góc học tập của con, không nên treo ở gần giường ngủ và phòng khách.
Mỗi dịp Tết đến xuân về, những ông đồ “bày mực tàu giấy đỏ” đã trở thành hình ảnh quen thuộc đối với mỗi người dân Việt Nam. Ai cũng muốn xin chữ để lấy “hên” với hy vọng sẽ mang lộc, tài, bình an về nhà. Đặc biệt, việc >xin chữ cho con với mong muốn con được bình an, thông minh, học giỏi cũng luôn được các mẹ quan tâm. Tuy nhiên, việc treo chữ như thế nào cho đúng thì không phải ai cũng biết.
Dưới đây là những chia sẻ của ông đồ Nguyễn Mạnh Hùng, hiệu là Hoài Nam (Hà Nội) về cách treo chữ trong phòng học thế nào để con thông minh, học giỏi.
Chỉ nên treo chữ trong phòng học
Để con có thể tập trung học bài thì không gian trong phòng học là cực kì quan trọng. Do đó, việc trang trí phòng học cho con, bố mẹ cũng cần hết sức lưu ý. Một góc học tập tương đối yên tĩnh, thoáng mát, sáng sủa và không bị các hình ảnh xung quanh chi phối sẽ rất tốt cho trẻ.
Theo phong thủy, phòng của một đứa trẻ được bố trí tốt có thể ảnh hưởng tích cực đến thói quen học tập và nâng cao trình độ nhận thức của trẻ. Phòng có phong thủy tốt, năng lượng hài hòa luôn khiến trẻ cảm thấy hạnh phúc và điều chỉnh cảm xúc theo chiều hướng tích cực. Có lẽ điều quan trọng nhất của việc bài trí theo phong thủy là khuyến khích thói quen học tập tốt và thúc đẩy thành công lớn trong trường học.
Ông đồ Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng nên treo chữ ở nơi sáng sủa đối diện với nơi trẻ ngồi học và đối với các chữ xin cho con thì không nên treo ở phòng khách hay phòng ngủ. Đối với những gia đình nơi học tập với phòng ngủ là một thì chỉ nên treo ở góc học tập, chứ không nên treo gần giường ngủ.
Các chữ nên xin cho con để treo trong phòng học
Ông đồ Mạnh Hùng cho biết có rất nhiều các chữ ý nghĩa mà bố mẹ nên xin cho con trong dịp đầu năm mới 2018 này.
Chữ Trí (智): sự thông tuệ, sáng suốt, hiểu biết. Chữ Trí bao gồm chữ Tri (知 - sự hiểu biết) và chữ Nhật (日 - mặt trời, ý chỉ sự sáng suốt, tỏ tường). Như vậy, chữ Trí thể hiện sự thông tuệ, sáng suốt, hiểu biết.
Chữ Đăng Khoa (登科): thi cử đỗ đạt. Chữ Đăng Khoa thể hiện mong muốn con thi cử đỗ đạt, vinh danh khoa bảng.
Chữ Cát (吉): điều tốt lành. Chữ Cát gồm chữ Sĩ (士 - sĩ tử, người có chí khí) ghép với bộ Khẩu (口 - miệng), ý nói: lời mà kẻ sĩ nói ra đều là lời hay ý đẹp. Chữ Cát thể hiện mong muốn mọi sự đều tốt đẹp của con người.
Chữ Phúc (福): điều may lớn, điều mang lại sự tốt lành lớn. Chữ Phúc tiêu biểu cho may mắn sung sướng, thường dùng trong từ “hạnh phúc”.
Chữ Lộc (禄): những gì của trời ban cho con người như khoa bảng, địa vị xã hội, danh giá, tăng thưởng, lương bổng. Lộc càng dồi dào, cuộc sống vật chất càng hạnh phúc dễ dàng. Thời xưa, Lộc chính là sự ghi nhận công lao các Quan: công lao với dân và công lao với Vua, với nước. Có công lao thì sẽ có Lộc.
Chữ Thành (成): làm mọi chuyện đều được hoàn thành, trọn vẹn. Thành trong Hoàn Thành, có ý muốn nói tâm nguyện làm chuyện gì cũng được trọn vẹn.
Chữ Tâm (心): theo lối viết tượng hình, chữ Tâm chỉ quả tim. Hiểu rộng ra, Tâm chỉ tâm trí, tâm hồn.
Chữ Đức (德): sống thực với chính mình, làm đúng với lương tâm mình. Chữ Đức được kết hợp từ ba bộ chữ là chữ sách, chữ trực và chữ tâm. Trong đó, chữ Sách có nghĩa là bước đi, hành động; chữ Trực nghĩa là ngay thẳng, chính trực; chữ Tâm mang ý nghĩa về sự suy tư, về ý nghĩ, tư duy. Như vậy có thể hiểu một cách khái quát: Chữ Đức nghĩa là sống thực với chính mình, làm đúng với lương tâm mình.
Chữ Nhẫn (忍): độ lượng, khoan dung, nhận đúng bản chất mà kiên tâm nhẫn nại. Nhẫn, chính là thể hiện bản lĩnh của con người.
Chữ Nhẫn được ghép từ hai chữ Đao ở trên và Tâm ở dưới. Tâm (心),tức là trái tim mà không chịu nằm yên thì Đao (刀), tức con dao, sẽ phập xuống tức thì. Ý nói, tự mình mà nhẫn nhịn được thì đao kề cổ vẫn bình yên vô sự, bằng không thì tai họa sẽ giáng xuống đầu mình trước tiên. Khi gặp chuyện, biết nhẫn nhịn thì mới chuyển nguy thành yên, bại thành thắng, dữ thành lành.