Khi chứng kiến hành động ăn trộm kẹo của con trai, người mẹ đã rất tức giận.
Câu chuyện thứ nhất: Con trai ăn trộm kẹo, bị mẹ mắng liền nói ra 1 bí mật khiến mẹ tái mặt
Ở một ngôi làng nọ, có hai mẹ con sống với nhau. Người mẹ nuôi bò sữa và bán sữa bò cho các gia đình gần nhà để lấy tiền nuôi con trai. Thấy mẹ vất vả, cậu bé rất thương mẹ và thường xuyên giúp đỡ mẹ các việc vặt trong nhà.
Một hôm, hai mẹ con đến một ngôi đền gần đó, giúp đỡ các thầy tu chuẩn bị đồ cúng thần linh. Nhìn thấy các đĩa kẹo trong những món đồ cúng trông quá ngon lành, cậu bé không kìm lòng được. Nhân lúc không ai để ý, cậu đã trút một đĩa kẹo vào túi của mình.
Thế nhưng, cậu bé không hề biết mẹ cậu đứng từ xa đã chứng kiến hết tất cả hành động sai trái đó. Chị rất tức giận, vội đi đến chỗ con trai và xách tai cậu bé, lôi ra ngoài ngôi đền.
"Tại sao con lại ăn cắp kẹo cúng thần linh? Con không biết thần linh đang nhìn con à? Thần linh sẽ trừng phạt con cho mà xem", bà mẹ giận dữ nói.
Nói rồi, bà mẹ không kìm chế được, mới đánh con trai, khiến cậu bé khóc um cả lên, thế nhưng người mẹ vẫn cho rằng hành động ăn trộm kẹo là không thể chấp nhận, không thể tha thứ.
Đúng lúc đó, có một người hàng xóm đi qua, thấy vậy bèn xông vào hỏi: "Sao chị lại đánh thằng bé?".
Người mẹ mới kể lại đầu đuôi. Dường như chưa hả cơn giận, chị ta cứ lặp đi lặp lại câu nói: "Tôi đâu có dạy nó ăn cắp ăn trộm chứ?".
Người hàng xóm bảo người mẹ hãy bình tĩnh, rồi quay sang cậu bé nói: "Ăn trộm là một thói quen xấu. Cho dù cháu ăn trộm những thứ nhỏ cũng không được, vì lúc nào thần linh cũng nhìn thấy những việc ta làm, cháu đã nhớ chưa?".
Đến lúc đó, cậu bé mới mếu máo: "Cháu nghĩ thần linh sẽ không biết, vì mẹ cháu cũng thường pha nước vào sữa rồi đem bán và bảo cháu không được nói với ai. Cháu chưa hề nói cho ai bí mật này, nhưng vì mẹ đã nói ra bí mật của cháu, nên cháu cũng sẽ nói ra bí mật của mẹ".
Người mẹ nghe con trai nói, tái mặt vì xấu hổ. Nhận ra sai lầm của mình, người mẹ xin lỗi con trai và người hàng xóm, hứa sẽ không bao giờ tái phạm.
Lời bàn: Bố mẹ thường là những người thầy đầu tiên của con, do đó, suy nghĩ, lời nói và hành vi của họ có một tác động rất lớn đến sự hình thành nhân cách con cái họ. Cách sống của bố mẹ sẽ là một tấm gương rõ ràng nhất để con cái noi theo.
Chính vì thế, muốn giáo dục nên một đứa con như thế nào thì chính bạn phải là một người như thế.
Câu chuyện thứ hai: Đừng bao giờ nói dối trẻ con
Hôm đó, em gái tôi là Paula và chồng nó, Chris vừa mới đưa các con lên giường ngủ thì bỗng nghe thấy tiếng khóc của một trong 2 đứa từ phòng kế bên. Khi chạy vào, Paula và Chris nhìn thấy Tommy không ngủ mà đang kêu gào thảm thiết. Nó nói nó vừa mới vô tình nuốt phải một đồng 5 xu và chắc chắn là nó sẽ chết.
Dù em gái tôi cùng chồng nó khuyên giải thế nào thằng bé cũng không nghe và tiếp tục khóc lóc.
Trong khi đó, Chris chợt nhớ ra mình còn một đồng 5 xu trong túi và để trấn an đứa trẻ, Chris đã lấy nó ra và bảo Tommy rằng: "Này, bố đã lấy nó ra khỏi bụng con rồi, yên tâm ngủ đi nhé".
Nghe thấy như vậy, Tommy thở phào nhẹ nhõm. Song đột nhiên, thằng bé tóm lấy đồng xu trên tay bố nó, rồi nuốt vội và hét lên hào hứng: "Bố làm lại lần nữa đi, bố!".
Lời bàn: Dù là trong tình huống nào, phụ huynh cũng không nên nói dối con trẻ, mà hãy dùng những từ ngữ phù hợp để giải thích mọi chuyện cho con hiểu, vì lời nói này sẽ kéo một lời nói dối khác, và khiến đứa trẻ hoài nghi, không biết rõ thực hư, xấu tốt, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách về sau.
Hãy trung thực và nhất quán trong cách dạy con, cha mẹ mới mong có thể thu về trái ngọt.