Có những hành vi của cha mẹ vô tình làm tổn thương khiến trẻ tự ti, không tin vào bản thân mình nên phải đi bắt nạt người khác để có được những cảm giác không có khi ở nhà.
"Tại sao con mình lại đi bắt nạt người khác?" luôn là câu hỏi đầu tiên mà các cha mẹ đặt ra khi phát hiện con mình là đàn anh đàn chị. Đâu rồi đứa con ngoan ngoãn ở nhà, đâu rồi đứa con hiền lành gọi dạ bảo vâng? Tại sao? Tại sao khi ra đường con lại trở nên ngông cuồng, hung hăng và bắt nạt người khác như vậy?
Trên thực tế, lý do đứng đằng sau sự bắt nạt luôn là những gam màu tối của một gia đình không hạnh phúc. Trẻ thiếu tự tin vào bản thân, muốn thể hiện địa vị của mình hay đơn giản là trả thù vì mình đã từng bị bắt nạt.
Theo các nhà tâm lý học, có 8 lý do để biến trẻ từ một đứa con ngoan thành đứa bắt nạt người khác, mà lỗi phần lớn là do cha mẹ.
1. Môi trường sống trong gia đình
Sẽ rất nguy hiểm khi trẻ sống trong một gia đình có cha mẹ không hạnh phúc. Những đứa trẻ bước ra từ những ngôi nhà có cha mẹ thường xuyên cãi vã, trì triết lẫn nhau có nhiều khả năng bắt nạt hơn những đứa trẻ khác vì sự hung hăng và bạo lực được mô phỏng theo những gì được thấy. Và bắt nạt mang đến cho trẻ quyền lực kiểm soát người khác mà không thể có được khi ở nhà.
Ngoài ra, con có thể dùng sự bắt nạt như một cách để che đậy cho sự tự ti về giá trị bản thân.
2. Thể hiện địa vị xã hội
Đôi khi bắt nạt là cách thể hiện địa vị xã hội. Những đứa trẻ thích bắt nạt thường khẳng định đẳng cấp của bản thân bằng cách gây ra các hành vi xung đột với những đứa trẻ khác. Và sự nổi tiếng nhờ tai tiếng, cộng thêm sự xa lánh của mọi người càng kích thích trẻ hơn. Chưa kể, con coi hành động bắt nạt là phương thức hạ bệ nhằm làm thấp địa vị xã hội của người khác.
Bắt nạt còn thể hiện quyền lực của người chiến thắng – cái mà con không có được khi ở trong gia đình.
3. Che giấu sự yếu đuối
Một nghiên cứu của Robert Faris và Diane Felmlee – hai nhà xã hội học làm việc tại trường Đại học California (Mỹ) - đã chỉ ra rằng, trên thực tế, có những đứa trẻ không hung hăng và không cố tình bắt nạt người khác vì cảm thấy không cần thiết phải làm điều đó. Những đứa trẻ này cảm thấy thoải mái và không lo sợ sẽ bị ai cướp đi vị trí mà chúng đang sở hữu.
Ngược lại, những đứa trẻ hung hăng, luôn cố tình đi gây chuyện với người khác để che giấu sự yếu đuối ở bên trong. Chúng không an tâm với vị trí của mình và luôn phản ứng bằng cách bắt nạt để che đậy điểm yếu của bản thân.
4. Bắt nạt cho phù hợp với mục tiêu của nhóm bạn chơi cùng
Đôi khi có những đứa trẻ bắt nạt người khác chỉ để phù hợp với tiêu chí của nhóm bạn đang chơi, dù hành động này đi ngược lại với tính cách thật. Thông thường, những đứa trẻ này quan tâm nhiều đến việc hòa nhập và được chấp nhận hơn là những hậu quả của việc bắt nạt. Do đó, sợ không được chấp nhận, sợ bản thân sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của nhóm nên trẻ đành nhắm mắt làm theo vì không còn có sự lựa chọn nào khác.
Do vậy, cha mẹ nên quan tâm đến con và bạn bè của con nhiều hơn. Điều quan trọng là cha mẹ cần dạy trẻ "chọn bạn mà chơi".
5. Trả thù
Vì bản thân là nạn nhân của việc bắt nạt nên trẻ có xu hướng phải tìm cách trả thù, như một cách để bù lỗ cho mình. Và chúng cho rằng hành động này là chính đáng. Thông thường, sẽ có hai phương thức trả thù là tìm người bắt nạt mình để đánh lại hoặc tìm đến những đứa trẻ khác nhỏ hơn, yếu hơn để bắt nạt. Có như thế trẻ mới cảm thấy nhẹ nhõm và giải tỏa được những uất ức mà trẻ phải chịu.
6. Thiếu sự đồng cảm
Một số trẻ có thể thích bắt nạt và thực hiện những trò đùa gây khó chịu cho người khác chỉ vì thiếu sự đồng cảm. Đơn giản là trẻ không hiểu được thế nào là đau. Đó là lý do tại sao sự chăm sóc về cảm xúc ở trẻ em cần được cha mẹ quan tâm và chú trọng.
Cảm nhận được những gì người khác đang trải qua có thể giúp trẻ xây dựng các mối quan hệ tốt và lành mạnh khi trưởng thành.
7. Thiếu sự chú ý
Trẻ em cần tình yêu và sự quan tâm từ người lớn, đặc biệt là của cha mẹ. Khi một đứa trẻ trở nên vô hình trong mắt cha mẹ, chúng có thể đi gây chuyện, bắt nạt người khác. Mục đích của chúng chỉ là thu hút được sự chú ý của cha mẹ, nhưng bản thân lại không biết phải làm như thế nào cho đúng cách.
8. Do học theo người khác
Trẻ rất dễ dàng bắt gặp những tình huống bắt nạt người khác ở trên trường, ngoài đường, hay trên internet. Và trong thâm tâm của trẻ, chúng nghĩ rằng chúng tốt hơn những đứa trẻ khác bởi địa vị xã hội hay vì lý do gì đó, nên chúng có quyền bắt nạt người khác.