Một hôm, bé bất ngờ chú ý đến ảnh cưới của bố mẹ mình, hết nhìn trái lại nhìn phải, nhìn mãi cũng không tìm ra mình trong bức ảnh.
Trẻ nhỏ luôn hồn nhiên và ngây thơ. Nhiều khi chúng có những suy nghĩ, hành động khiến người lớn vô cùng bất ngờ, cũng không khỏi phải bật cười vì sự đáng yêu của chúng.
Mới đây một bé gái 5 tuổi đã khiến cư dân mạng chú ý khi được cha mẹ bé đăng tải những hình ảnh bé đang khóc lóc đầy đáng thương. Trong tay cô bé còn cầm bức ảnh cưới của bố mẹ mình.
Theo lời kể của cha mẹ bé, đứa bé này thường ngày rất thông minh, lanh lợi khiến cô giáo quý mến, cha mẹ tự hào. Hôm vừa rồi, bé bất ngờ chú ý đến ảnh cưới của bố mẹ, hết nhìn trái lại nhìn phải, nhìn mãi cũng không tìm ra bản thân trong bức ảnh. Bé lập tức chạy vào hỏi bố mẹ chụp ảnh từ bao giờ, tại sao không dẫn bé đi cùng?
Người bố đáp rằng, bức ảnh chụp từ khi bé chưa ra đời nên làm sao có bé xuất hiện chung trong khung hình được. Nhưng dù họ giải thích thế nào thì cô bé vẫn không nghe, từ đầu đến cuối chỉ khóc lóc đầy tủi thân vì cho rằng bố mẹ đã lén lút đi chụp ảnh mà không cho mình đi. Thậm chí đến buổi chiều cô bé vẫn chưa hết buồn, còn gọi điện cho bà ngoại mách tội bố mẹ, nhờ bà ngoại mắng bố mẹ mình một trận.
Thực tế, không chỉ bé gái trong câu chuyện mà rất nhiều trẻ nhỏ cũng có hành vi tương tự. Chúng có tính sở hữu rất mạnh, muốn bản thân phải được tham gia vào mọi chuyện, thích món đồ gì luôn đòi lấy bằng được. Nhiều cha mẹ khi thấy con có thái độ như vậy thường nghiêm khắc trách mắng. Song đó không phải một cách giải quyết thỏa đáng.
Nếu trẻ có tính sở hữu mạnh mẽ, cha mẹ cần lưu ý:
Trẻ thích sở hữu là bình thường
Một số cha mẹ nghĩ rằng quở trách nghiêm khắc thì con sẽ sợ, lần sau không còn dám giành đồ chơi của các bạn nữa. Quan niệm đó là sai lầm. Việc trẻ có tính chiếm hữu là rất bình thường, không phải vấn đề nghiêm trọng. Vì thế điều đầu tiên là cha mẹ phải giữ bình tĩnh. Cha mẹ tức giận chỉ khiến trẻ thấy bất an mà thôi. Lâu dần còn ảnh hưởng đến mối quan hệ cha mẹ - con cái.
Không phải lúc nào trẻ cũng thích chia sẻ
Không hiếm những đứa trẻ luôn giữ giặt lấy mẹ mình, không cho mẹ bế ẵm bất cứ đứa bé nào khác cũng như không muốn ai chạm vào mẹ mình. Hoặc đồ chơi của chúng thì chúng sẽ không bao giờ cho ai chơi cùng. Trước tình hình đó, cha mẹ nên kiên nhẫn hướng dẫn con học cách chia sẻ. Có thể nhẹ nhàng bảo em bé khác cho con mượn đồ chơi, sau đó yêu cầu bé cho bạn mượn lại đồ chơi của mình. Qua nhiều lần như vậy, dần dần bé sẽ học được cách chia sẻ với mọi người.
Đôi khi hành động của trẻ chỉ phản ánh đặc trưng tâm lý lứa tuổi
Trẻ nhỏ với thiên tính hồn nhiên và nghịch ngợm, đôi khi chúng sẽ làm ra những hành vi mà người lớn cho rằng thiếu chuẩn mực. Thực tế đứa trẻ nào cũng như vậy và chính người lớn cũng từng trải qua giai đoạn tương tự. Chính vì thế cha mẹ đừng quá khắt khe hoặc vội đánh giá những hành vi của con là ích kỷ hay vô lý. Những lời chỉ trích, chê bai của cha mẹ chỉ khiến trẻ bị áp lực tâm lý, bản thân ngày càng tự ti và thu mình mà thôi.