Kĩ năng ghi nhớ thông tin cá nhân người thân gia đình là điều cần thiết cha mẹ cần dạy cho các bé ở độ tuổi mẫu giáo.
Trẻ vào mầm non không kém phần quan trọng so với vào lớp 1. Bởi vì đây là lần đầu tiên trẻ xa mẹ và làm quen với một môi trường mới hoàn toàn. Do đó, cha mẹ nên chú ý dạy con trước một số kỹ năng sau.
Kỹ năng về ngôn ngữ
Trước khi con vào học mầm non, các chuyên gia khuyến khích cha mẹ nuôi dưỡng tình yêu ngôn ngữ cho trẻ bất cứ khi nào.
Đọc truyện cho con mỗi ngày và khuyến khích trẻ tự sáng tác ra những câu chuyện theo ý mình khi nhìn vào hình ảnh là cách phát triển ngôn ngữ dễ dàng nhất. Không nhất thiết cứ phải là truyện cổ tích mà có thể đọc cho trẻ nghe những mẩu truyện vui, những truyện mang tính chất giáo hóa hoặc đơn giản những câu chuyện hàng ngày…
Một cách dạy con phát triển ngôn ngữ theo các tình huống hàng ngày cũng rất hay. Đó là cha mẹ cố gắng sử dụng từ ngữ phù hợp với trẻ để xây dựng vốn từ vựng cho bé. Ví dụ, thay vì nói "màu xanh" thì mẹ hãy rõ ràng "màu xanh lá cây, màu xanh nước biển".
Ở độ tuổi này, một số bé phát âm vẫn chưa rõ, do đó mẹ cũng cần chú ý nhắc nhở, chỉnh sửa ngay khi con phát âm không đúng. Tuy nhiên, mẹ nhắc một cách nhẹ nhàng để con không bị tự ti trong quá trình học nói. Không cần bé có kỹ năng quá hoàn hảo nhưng cũng cần vừa đủ để bé giao tiếp với các bạn và tương tác với cô giáo trước khi vào lớp học sẽ làm cho bé tự tin hơn.
Kỹ năng ghi nhớ thông tin cá nhân và gia đình
Đến tuổi đi học mẫu giáo, cha mẹ hãy dạy con ghi nhớ tên, tuổi của con và tên, địa chỉ, số điện thoại của bố mẹ. Đừng bao giờ để con đi ra khỏi nhà mà không có một chút thông tin nào cả. Nếu trẻ gặp khó khăn khi ghi nhớ thì ba mẹ có thể thử chuyển thông tin thông qua một bài hát quen thuộc cho trẻ dễ học thuộc.
Hoặc cần thiết hơn thì mẹ hãy làm một thẻ tag thông tin gia đình và gắn vào ba lô nhỏ của con phòng khi cần liên lạc gấp. Khi gắn thẻ tag vào ba lô cha mẹ cũng nhớ phải dạy con biết cách dùng trong trường hợp khẩn cấp.
Kỹ năng chăm sóc bản thân
Một lớp mầm non sẽ có nhiều trẻ và cô giáo không thể chăm sóc kỹ càng cho từng bé một. Do đó, tốt hơn hết là mẹ hãy dạy con cách tự phục vụ chính mình. Điều này sẽ tạo cho bé tính tự lập tốt khi ở ngoài vòng tay bao bọc của cha mẹ.
Dù bé mới chỉ vào học mẫu giáo nhưng vẫn nên dạy bé cách tự vệ sinh cá nhân một cách nhuần nhuyễn. Hãy tập cho con những kỹ năng chăm sóc bản thân đơn giản như đi vệ dinh, tự xúc ăn, tự xếp dép, cất ba lô, ghế ngồi…
Dạy con cách mở hộp sữa, cắm ống hút, tự đi giày, mặc quần áo, rồi việc bỏ rác đúng nơi quy định,… Hầu hết trẻ đều thích làm những việc nhỏ này và chắc chắn làm được chúng rất hãnh diện vì thấy mình thật người lớn.
Con bạn còn nhỏ nên bạn không thể đòi hỏi con tự biết cách làm mọi thứ cho bản thân. Nhưng ít nhất với việc tập cho con những thói quen trên thì bé cũng sẽ hiểu rằng tự mình phải làm điều đó.
Kỹ năng sinh hoạt đúng giờ
Không chỉ dạy thói quen tự lập mà thói quen sinh hoạt điều độ cũng cần thiết lập. Hãy tạo ra một thói quen sinh hoạt điều độ cho con bao gồm giờ ngủ, giờ ăn và giờ chơi.
Để con quen hơn với môi trường mẫu giáo thì cha mẹ cần rèn luyện con theo lịch ăn, lịch ngủ ở trường. Khi trẻ làm quen với thời gian biểu này, chúng sẽ không gặp khó khăn với giờ giấc sinh hoạt quy củ ở trường.
Kỹ năng cư xử với người xung quanh
Thời điểm đi học mẫu giáo là lúc con cần học được những kỹ năng ứng xử đơn giản như khi nào thì cần nói xin vui lòng, cảm ơn và xin lỗi, chào người lớn khi gặp mặt,.... Điều này cho thấy con biết quan tâm và tôn trọng người khác.
Cha mẹ không cần áp đặt con quá vào bài học này mà hãy để thấm dần từ từ vào con. Trẻ con không hề khó dạy bảo, chúng là tấm gương phản chiếu của cha mẹ, cha mẹ làm gì chúng sẽ học theo làm y như vậy. Cho nên, hàng ngày cha mẹ hãy nói cảm ơn, xin lỗi bất cứ lúc nào với con và cả với người khác cũng vậy.
Cha mẹ cũng nên dạy trẻ biết vâng lời cô giáo. Kỹ năng này cha mẹ cũng hoàn toàn có thể giáo huấn được con cái từ việc lấy bố mẹ ra làm gương. Trẻ biết vâng lời ông bà, cha mẹ thì sẽ tự khắc biết vâng lời những người lớn tuổi hơn. Nói với trẻ rằng chúng hãy hỏi ý kiến cô giáo mỗi khi cần điều gì. Điều này rất quan trọng và chúng cần nhớ kỹ trước khi đi học.
Học cách kết bạn và chia sẽ cũng là điều quan trọng nên dạy trẻ trong kỹ năng ứng xử. Nếu trẻ không biết kết bạn và chia sẻ những thứ mình có với bạn bè thì chúng sẽ gặp khó khăn ở trường và khó hòa đồng với bạn bè.
Nếu trẻ chưa quen với kết bạn thì ba mẹ có thể xem xét việc cho trẻ tham gia một hoạt động nhóm như thể dục dụng cụ, lớp học >âm nhạc vào mùa hè trước khi vào mầm non.
Cố gắng khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động nhóm bất cứ khi có thể chẳng hạn như trong các bữa tiệc sinh nhật. Nếu trẻ miễn cưỡng tham gia vào các trò chơi thì hãy >luyện tập với trẻ ở nhà. Bạn cũng có thể đưa con tới sân chơi, hồ bơi, thư viện, và các khu vực lân cận để trẻ có thể gặp gỡ những bạn khác và học cách chơi đùa với cùng nhau.
Kỹ năng sắp xếp và tổ chức
Hãy bắt đầu tập cho con một số kỹ năng sắp xếp cơ bản và dạy trẻ về tầm quan trọng của nó. Chẳng hạn như con phải xếp gọn đồ chơi vào chỗ quy định sau khi chơi xong thay vì vứt ra sàn nhà. Yêu cầu con thay quần áo và để quần áo bẩn vào chậu giặt. Dạy con thói quen rửa tay trước khi ăn… Những kỹ năng nhỏ sẽ giúp nuôi dưỡng con trở thành một đứa trẻ ngoan, gọn gàng và hòa nhập tốt khi bước vào trường học.
Mẹ có thể xây dựng tính tự tin và khả năng có thể giải quyết mọi thứ bằng cách gợi ý cho trẻ hỗ trợ việc nhà giúp mẹ.
Hãy hỗ trợ bé trong những lần đầu, và giao nhiệm vụ cho con khi bé bắt đầu thuần thục. Điều này giúp con nhận thức được rằng có những việc mà con có thể tự làm, chứ không phải lúc nào cũng phải cần sự hỗ trợ từ mẹ.
Đưa trẻ đến làm quen với trường học
Không ít cha mẹ đã khóc hết nước mắt và thấp thỏm lo âu trong ngày đầu tiên con đi học mẫu giáo bởi vì môi trường quá lạ khiến con không thể nào quen ngay được. Do đó, khi tất cả những kỹ năng trên đều thực hiện nhuần nhuyễn thì hãy thực hiện bước cuối cùng này.
Trước khi nhập học khoảng 3-4 ngày, mẹ hãy đưa con đến trường vào những thời điểm khác nhau trong ngày để trẻ có thể nhìn thấy hoạt động của các bạn khác và chơi trong sân chơi của trường. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn với các thói quen hàng ngày khi đi học.