Các cột mốc phát triển ngôn ngữ theo từng độ tuổi dưới đây sẽ giúp cha mẹ kiểm chứng xem con mình có phải đứa trẻ chậm nói hay không.

13:15 30/07/2018

Chuyên gia trị liệu ngôn ngữ Lauren Reinhardt chia sẻ các cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ từ 1 tới 3 tuổi.

Nói tới con cái, dường như mọi cha mẹ đều không bao giờ vơi nỗi lo. Một khía cạnh mà nhiều phụ huynh đặc biệt quan tâm là sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Bởi trẻ chậm nói, biết ít từ, khả năng diễn đạt kém có thể là dấu hiệu cho thấy những vấn đề tiềm ẩn liên quan tới khả năng nghe cũng như các khó khăn học tập khác.

 

Nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ bắt đầu đi học sở hữu nhiều từ vựng hơn sẽ thể hiện bản thân tốt hơn (Ảnh minh họa)

Trong một bài viết mới đây cho một diễn đàn làm mẹ ở Australia, chuyên gia trị liệu ngôn ngữ kiêm giám đốc Sydneys North Shore Speech Therapy, Lauren Reinhardt, chia sẻ cách xác định xem con bạn liệu có phát triển khả năng nói phù hợp với độ tuổi không, nói khác đi là các dấu mốc giúp kiểm chứng con bạn có phải trẻ chậm nói hay không.

Reinhardt cũng đưa ra ý kiến chuyên môn về sự khác biệt trong tốc độ học tập giữa các bé trai và bé gái; liệu khả năng nói rõ ràng, trôi chảy của trẻ có thực sự quan trọng hay không.

Theo chuyên gia này, nói về vốn từ vựng thì số lượng từ thực sự có nhiều ý nghĩa: "Nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ bắt đầu đi học sở hữu nhiều từ vựng hơn sẽ thể hiện bản thân tốt hơn".

Từ vựng phong phú là lợi thế giúp trẻ ít gặp phải các khó khăn khi học tập bởi nhờ đó, trẻ có thể dễ dàng diễn tả bản thân. Vốn từ vựng tốt cũng giúp trang bị tốt hơn cho trẻ khi phải đối phó với những vấn đề hành vi – tình cảm – xã hội.

Nếu con bạn có phát âm sai thì không cần phải lo lắng, điều quan trọng vẫn là việc kiên trì sử dụng vốn từ đó trong giao tiếp hàng ngày (Ảnh minh họa).

Chuyên gia Reinhardt cho biết, cha mẹ có thể dự đoán từ rất sớm cách thức phát triển ngôn ngữ của con mình. Bà cũng nhấn mạnh, điều quan trọng là phụ huynh cần tìm kiếm những lời khuyên từ chuyên gia nếu trẻ không đáp ứng được những cột mốc về ngôn ngữ cần có cho lứa tuổi mình.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên lưu ý, theo các nghiên cứu khoa học thì bé trai có thể chậm phát triển ngôn ngữ hơn so với bé gái 2-3 lần.

1 tuổi: Biết sử dụng từ đầu tiên hoặc 1 vài từ

Trước sinh nhật đầu tiên trong đời, trẻ nên biết sử dụng từ đầu tiên và có thể là vài từ nữa.

18 tháng tuổi: Trẻ nói được khoảng 20 từ

Nửa chặng đường tiến tới sinh nhật 2 tuổi, ngân hàng từ của trẻ nên thể hiện sự tăng trưởng đều đặn. "Ở mốc 18 tháng tuổi, tôi trông đợi một đứa trẻ sẽ nói được 20 từ. Trẻ không cần phải phát âm một cách chính xác hay rõ ràng. Nhưng trẻ cần thường xuyên nói ra những từ đó", chuyên gia Reinhardt cho biết.

Nếu con bạn có phát âm sai thì không cần phải lo lắng, điều quan trọng vẫn là việc kiên trì sử dụng vốn từ đó trong giao tiếp hàng ngày.

Theo các nghiên cứu khoa học thì bé trai có thể chậm phát triển ngôn ngữ hơn so với bé gái 2-3 lần (Ảnh minh họa).

2 tuổi: Trẻ cần biết ít nhất 50 từ

Đây là một cột mốc quan trọng khi đề cập tới khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ. Chuyên gia Reinhardt tiết lộ: "Tầm tuổi này, trẻ nên có khả năng kết hợp 2 từ với nhau, ví dụ bóng tròn, mẹ đi hoặc trời xanh".

Để đạt được điều này, trẻ cần có vốn từ tốt để có thể lựa chọn và kết hợp từ với nhau. Theo chuyên gia Reinhardt, như vậy, trẻ cần biết ít nhất 50 từ. Một số chuyên gia ngôn ngữ cho rằng, con số này nên là gần 100 từ.

3 tuổi: Nói được câu 5 - 7 từ

Chuyên gia Reinhardt nói: "Ngày trẻ bước sang tuổi thứ 3, tiềm năng trẻ có thể đạt được 1.000 từ trong vốn từ vựng của mình". Cha mẹ có thể gặp khó khăn để đếm chính xác số lượng từ con có thể nói. Nhưng đến năm 3 tuổi, trẻ nên nói được các câu với ít nhất 5-7 từ trong đó. Ngoài ra, một người không phải thành viên trong gia đình cũng có thể dễ dàng hiểu được những gì trẻ nói.

Đối với trẻ đến từ các gia đình học 2 ngôn ngữ trong nhà, vận dụng hay mô tả tương tự trong những ngôn ngữ khác nhau nên được coi là từ riêng biệt với nhau.

Theo Giang Nguyễn/Afamily/Helino