Có nên cho trẻ ngủ chung với cha mẹ, mấy tuổi cần ngủ riêng khi người Việt thường có thói quen cho con ngủ chung trong nhiều năm?
Vì để tiện> >chăm sóc con và giúp tạo cảm giác an toàn cho trẻ, đặc biệt là trong những năm đầu đời, nhiều cha mẹ duy trì thói quen cho trẻ ngủ chung. Tuy nhiên, đến một thời điểm nhất định, cha mẹ sẽ cần tách con, để trẻ bắt đầu ngủ riêng trên giường của mình, thậm chí là phòng riêng nếu có điều kiện.
Mặc dù, việc cho trẻ ngủ riêng được xem là thách thức đối với cả cha mẹ và con nhưng nếu phụ huynh biết cách tiếp cận phù hợp, quá trình chuyển đổi có thể suôn sẻ và thành công.
Không thể phủ nhận, việc trẻ ngủ với cha mẹ sẽ giúp gắn kết tình cảm gia đình, đồng thời giúp trẻ ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, khi các con lớn, ngủ riêng là một cột mốc phát triển quan trọng không nên bỏ qua.
Khoa học đã chứng minh, những đứa trẻ ngủ với cha mẹ lâu hơn sẽ có xu hướng trưởng thành chậm hơn những đứa trẻ không ngủ chung với cha mẹ, các bé này dễ dựa dẫm người khác và sợ sống một mình khi lớn lên.
Ngoài ra, việc cho trẻ ngủ riêng từ sớm sẽ giúp trẻ hình thành nhận thức rõ ràng về giới tính. Trẻ nhỏ đã bắt đầu hình thành ý thức về sự khác biệt giới tính khi các bé được khoảng 3 tuổi. Các nhà tâm lý học đã tìm ra rằng những đứa trẻ thường ngủ với cha mẹ sẽ có xu hướng mắc chứng “phức cảm Oedipus", là một thuật ngữ được Sigmund Freud sử dụng trong học thuyết các giai phát triển tâm lý tính dục.
Phức cảm này mô tả cảm giác khao khát của một đứa trẻ dành cho người cha hoặc mẹ khác giới của mình và cảm giác ghen tị, giận dữ với người cha mẹ cùng giới. Thậm chí, một số còn nghiêm trọng hơn, nhiều người phải ngủ với cha mẹ đến khi 20 tuổi.
Vì vậy, cha mẹ nên dạy cho trẻ hiểu khái niệm phân biệt và độc lập giữa nam và nữ càng sớm càng tốt, bằng cách tập cho con ngủ riêng.
Hơn nữa, khi con ngủ với bố mẹ thì giờ giấc ngủ sẽ phải điều chỉnh theo thời gian của bố mẹ. Có nhiều khi con chưa buồn ngủ nhưng bố mẹ chỉ muốn tắt đèn nghỉ ngơi. Nếu con vẫn không chịu đi ngủ bố mẹ sẽ bắt đầu phàn nàn, quát mắng, đổ lỗi cho con ham chơi...
Điều này khiến trẻ khó ngủ hơn và thường xuyên phải giả vờ ngủ, đôi khi có vẻ yên lặng nhưng thực chất trong lòng lại có nhiều suy nghĩ, và đa phần là vẫn đang trách móc bố mẹ.
Mỗi gia đình có một lựa chọn khác nhau khi tách trẻ ra ngủ riêng. Một số cha mẹ cho trẻ ngủ riêng từ khi trẻ mới biết đi, trong khi một số gia đình khác cho trẻ ngủ riêng ở độ tuổi 3-5 tuổi, hoặc hơn.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, độ tuổi tốt nhất để tách trẻ ra ngủ riêng là khoảng 3 tuổi. Việc tách trẻ ra riêng sau 6 tuổi là muộn.
Trước khi cha mẹ tách con ra ngủ riêng nêu lưu ý đến tính an toàn của trẻ trong không gian ngủ riêng. Cần tính đến các yếu tố an toàn về điện, hỏa hoạn, cửa sổ trước khi chuyển con sang đó.
Để bắt đầu, cha mẹ nên giảm dần thời gian ngủ chung với trẻ. Ban đầu có thể cho trẻ ngủ trưa một mình tại phòng của chúng để làm quen, dưới sự giám sát của người lớn. Khi trẻ đã quen với việc ngủ một mình khi ngủ trưa, cha mẹ có thể tăng dần thời gian trẻ ở phòng riêng, tiến tới mục tiêu để trẻ ngủ một mình suốt đêm. Nếu lúc đầu trẻ không chấp nhận, các bà mẹ có thể cho trẻ ngủ riêng vài ngày sau đó lại ngủ chung, thời gian cách thưa dần, lâu dần, trẻ sẽ sớm có thể ngủ một mình.
Trong quá trình rèn thói quen ngủ riêng cho trẻ, tính nhất quán là chìa khóa vô cùng quan trọng. Vì vậy, cha mẹ vẫn nên duy trì thói quen như kể chuyện, hát ru, đọc sách cho trẻ trước khi cho chúng vào giường ngủ. Theo thời gian, trẻ sẽ học cách liên kết thói quen với giờ đi ngủ, giúp chúng dễ dàng tự đi vào giấc ngủ hơn.
Nên khuyến khích con tham gia vào quá trình sắp xếp phòng ngủ riêng, cho phép chúng chọn giường ngủ và đồ trang trí theo sở thích. Điều này có thể mang lại cho trẻ cảm giác sở hữu và kiểm soát môi trường của chúng, giúp làm giảm bớt mọi lo lắng nơi trẻ.