Bác sĩ Bệnh viện nhi tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) đã đưa ra lời khuyên để phòng tránh béo phì ở trẻ nhỏ, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, gan nhiễm mỡ, tăng huyết áp, sỏi mật... ở trẻ khi đến độ tuổi trưởng thành.
Béo phì do sự thay đổi cân bằng năng lượng, lượng thu vào nhiều nhưng lượng tiêu hao ít khiến mỡ tích tụ trong cơ thể.
Ở trẻ em, béo phì thường xuất hiện ở những đứa trẻ háu ăn, ít hoạt động và giảm chuyển hóa thân nhiệt. Ngày nay, khi điều kiện sống tốt cùng với sự gia tăng các loại đồ ăn nhanh, ăn vặt..., giảm hoạt động thể lực và lối sống tĩnh tại càng làm tăng tình trạng béo phì ở trẻ em.
Trẻ em bị béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, gan nhiễm mỡ, tăng huyết áp, sỏi mật, chứng ngưng thở khi ngủ... mà còn ảnh hưởng đến tâm lý xã hội của trẻ.
Để phòng tránh tình trạng béo phì ở trẻ em, bác sĩ Jiang Yaohui - Bệnh viện nhi tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) đã đưa ra những lời khuyên hữu ích mà bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng cần lưu tâm:
1. Phòng tránh từ trong bụng mẹ
Để phòng tránh tình trạng béo phì của trẻ, ngay từ giai đoạn mang thai, mẹ cần chú ý đến sự cân bằng >dinh dưỡng, tránh tăng cân quá nhanh và quá nhiều, ảnh hưởng đến con sinh ra sau này.
2. Trong giai đoạn sơ sinh
Bác sĩ Jiang Yaohiu khuyên rằng, từ 4-6 tháng đầu sau khi sinh, mẹ nên cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ. Nếu muốn uống sữa ngoài thì nên cân nhắc tình hình thực tế để định lượng phù hợp, tránh trẻ ăn quá nhiều.
Trong 4 tháng đầu tiên không được cho trẻ ăn thức ăn rắn. Đồng thời, cần kiểm tra cân nặng của trẻ định kỳ, nếu có tình trạng cân nặng tăng quá nhanh, mẹ cần điều chỉnh lại chế độ ăn cho con.
Đối với trẻ từ 6-8 tháng, mẹ có thể giảm lượng sữa và bổ sung thêm trái cây, chất xơ cho trẻ.
3. Hình thành thói quen lành mạnh
Muốn trẻ không bị béo phì, cha mẹ cần tập cho trẻ thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. Ví dụ như ăn chậm, nhai kỹ, không kén chọn thức ăn, hạn chế ăn mặn và đồ ăn vặt, đồ ngọt, nước có ga, hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ...
Muốn hình thành những thói quen này, chính bố mẹ phải là người làm gương cho trẻ, đặc biệt là trong những bữa cơm gia đình.
4. Không dùng đồ ăn làm "phần thưởng"
Nhiều bậc cha mẹ thường khuyến khích trẻ làm một việc gì đó bằng cách "thưởng" cho trẻ món ăn chúng thích. Điều này vô tình tạo cho trẻ tâm lý thích ăn món này và ghét ăn món kia. Lâu dần, trẻ sẽ chỉ ăn những món chúng thích và dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng.
Vì thế, cha mẹ hãy nghĩ một "phần thưởng" khác, ví dụ như một buổi dã ngoại cùng gia đình, một buổi tối xem phim cùng bố mẹ... vẫn đủ hấp dẫn mà còn giúp gắn kết thêm tình cảm gia đình.
5. Hoạt động thể chất
Một trong những cách hiệu quả làm giảm nguy cơ béo phì và tăng cường thể lực cho trẻ chính là tham gia hoạt động thể chất. Nếu không đủ điều kiện cho trẻ đi tập bơi, đá bóng... bạn có thể thực hiện các bài tập thể dục đơn giản cùng với trẻ ngay tại nhà.
Điều này cũng giúp trẻ giảm bớt thời gian xem ti vi, chơi điện tử - là khoảng thời gian trẻ sẽ ngồi một chỗ khiến năng lượng bị tích tụ nhiều hơn.