Đây là lý do chính đáng để bố mẹ dừng lại việc liên tục mua quá nhiều đồ chơi cho con mà không quan tâm đến nhu cầu thực sự của trẻ.
Làm cha mẹ, ai cũng muốn đáp ứng nhu cầu của con một cách đầy đủ, hoàn hảo nhất. Trong số đó, rất nhiều bậc phụ huynh bỏ ra những số tiền vô cùng lớn để mua đồ chơi cho con, thậm chí săn lùng những món đồ chơi đặc biệt đắt tiền để khiến con vui vẻ, hãnh diện với bạn bè. Thế nhưng, chính những hành động này lại đang hại con, khiến con mất dần khả năng sáng tạo mà bố mẹ không hề hay biết.
Theo tiến sĩ Shelley Lindauer (Đại học Bang Utah, Mỹ) việc có quá nhiều đồ chơi có thể dẫn đến hiện tượng “quá tải đồ chơi”, khiến cho trẻ bị “ngợp” và từ đó bị sao nhãng. Bà cũng cho biết nó còn khiến trẻ không biết học cách quý trọng những đồ vật của mình hay có trách nhiệm để giữ gìn những đồ chơi của chúng.
Mặt khác, những nhà nghiên cứu tại Đại học Toledo, Mỹ đã chỉ ra rằng trẻ sẽ sáng tạo hơn rất nhiều nếu xung quanh chỉ có ít đồ chơi. Họ đã quan sát 36 trẻ chơi trong khoảng thời gian một giờ đồng hồ và phát hiện thấy rằng những trẻ chơi với ít đồ chơi hơn tập trung và sáng tạo hơn khi chơi.
Những nghiên cứu trên cũng chỉ ra 10 lợi ích đặc biệt quan trọng của việc có ít đồ chơi đem lại cho trẻ, bố mẹ có thể tham khảo để giảm bớt lượng đồ chơi ở nhà của con:
1. Tăng khả năng sáng tạo của con
Nếu bố mẹ muốn cung cấp một môi trường phong phú nhất cho con thì sự nhàm chán là một điều cực kỳ cần thiết cho trẻ. Bởi khi con tiếp xúc với sự nhàm chán ở mức độ nhẹ, con sẽ tự sáng tạo ra trò chơi của riêng mình với những đồ vật xung quanh con. Thậm chí khi không hề có đồ vật nào con cũng có thể tự tưởng tượng ra câu chuyện và đắm mình trong đó.
Điều này sẽ rất khó xảy ra nếu bố mẹ để xung quanh con quá nhiều đồ chơi, con sẽ không biết sử dụng khả năng sáng tạo, khó suy nghĩ được những điều mới mẻ. Việc giảm bớt đồ chơi sẽ giúp con duy trì sự sáng tạo và theo đuổi khả năng đó đến suốt đời.
2. Biết giữ gìn những món đồ mình đang có
Khi các con liên tục nhận được đồ chơi mới, con sẽ mất dần sự quan tâm đến những món đồ xung quanh mình, đồng nghĩa với việc con dễ dàng phá hỏng đồ chơi một cách không thương tiếc vì con biết mình sẽ có món đồ mới trong thời gian rất ngắn.
Bố mẹ cần giảm bớt đồ chơi của con, kéo dài thời gian giữa những lần mua đồ chơi cho con để giúp con hiểu ra giá trị của những món đồ mình đang có, con cũng học cách giữ gìn và sử dụng đồ chơi đúng cách hơn.
3. Biết chia sẻ với anh chị em trong nhà
Với những gia đình có anh chị em, trẻ sẽ có được bài học tuyệt vời về sự chia sẻ và trao đổi đồ chơi với mọi người trong gia đình. Bố mẹ phải thực sự chống lại sự thôi thúc rằng anh chị có món đồ nào thì em cũng phải có món đồ đó. Hãy để chúng học cách chia sẻ với nhau, đó là những kỹ năng giao tiếp đầu đời.
Bố mẹ cũng cần đặt ra một vài quy tắc đơn giản, như là ai có món đồ chơi trước sẽ được chơi trước, sau đó món đồ sẽ được sử dụng xoay vòng, hoặc đặt ra số thời gian chơi quy định cho mỗi người. Nhưng tuyệt nhất vẫn là hãy để các con tự thương lượng với nhau.
4. Cải thiện sự tập trung
Có một sự thật là hầu hết trẻ em bị choáng ngợp vì có quá nhiều thứ xung quanh, khi có một khối lượng lớn đồ chơi thì con sẽ dễ dàng bị phân tâm liên tục và rất khó để tập trung vào một món đồ duy nhất.
Khi con có ít lựa chọn hơn, con thường có thể dễ dàng chọn thứ gì đó để chơi và trải nghiệm sự tập trung sâu sắc vào món đồ đó. Con sẽ phát triển được khả năng chú ý cũng như sự tập trung của mình. Điều này cực kỳ cần thiết cho khoảng thời gian đến trường của con, bởi chúng cần sự tập trung để nghe giảng, làm bài tập hay nghiên cứu những kiến thức cần thiết.
5. Rèn luyện sự ngăn nắp, gọn gàng
Nhiều trẻ nhỏ thực sự có ý thức ngăn nắp rất mạnh mẽ ngay từ khi còn nhỏ. Con sẽ thoải mái nhất khi được đặt đồ vật đúng vị trí và gọn gàng trong phòng. Nhưng nếu như có quá nhiều đồ chơi, chúng sẽ cảm thấy khó khăn khi sắp xếp và dần dần để mọi thứ trở nên lộn xộn.
Hạn chế số lượng đồ chơi giúp con sắp xếp mọi thứ đươc gọn gàng, con cũng nhanh chóng thu dọn đồ chơi khi được yêu cầu. Điều này giúp căn phòng của con luôn sạch sẽ, rèn luyện thói quen tốt cho cuộc sống sau này của con.
6. Con sẽ thích ra ngoài chơi hơn
Ở thời đại ngày nay, khi đồ chơi trong nhà quá nhiều cùng với sự hấp dẫn từ các thiết bị điện tử khiến trẻ nhỏ càng ngày càng ít có thời gian chơi ngoài trời. Điều đó ảnh hưởng lớn để sự phát triển trí tuệ và khả năng cảm nhận đa giác quan của con.
Chính bởi vậy, khi giảm bớt đồ chơi trong nhà nghĩa là con sẽ thích được ra ngoài chơi nhiều hơn, thích khám phá thế giới xung quanh hơn là việc thu mình trong nhà. Bố mẹ nên để con được thoải mái nghịch ngợm bên ngoài, bởi đó là cách mà con học những điều xung quanh một cách rõ ràng và sáng tạo nhất.
7. Con say mê đọc sách hơn
Có ít đồ chơi hơn có nghĩa là con có thể dễ dàng chuyển sang thói quen đọc sách để >giải trí. Nếu có đồ chơi ở khắp mọi nơi, sách có thể bị vứt xó và hoàn toàn không được ngó ngàng đến. Nhưng nếu phòng của một đứa trẻ chỉ có một vài món đồ chơi và một giỏ sách đầy những cuốn sách rực rỡ. Bố mẹ hoàn toàn có thể khiến các con trở thành những mọt sách nhí thông minh và say mê khám phá sách hàng ngày.
Nếu bố mẹ vẫn cảm thấy băn khoăn về những lợi ích của việc giảm bớt đồ chơi đối với trẻ nhỏ. Bố mẹ có thể đóng gói đồ chơi và cất đi ở một nơi các con không tìm thấy được trong khoảng một tháng. Những thay đổi đặc biệt về tính cách cũng như khả năng tư duy của con sẽ diễn ra khiến bố mẹ vô cùng bất ngờ. Có thể con sẽ đòi hỏi đồ chơi vài ngày đầu nhưng sau ít thời gian, chúng sẽ tự tìm được trò chơi cho riêng mình, trở nên nhanh nhẹn và thông minh hơn rất nhiều.