Con nghiện ti vi, ipad tối nào cũng chơi đến khuya không chịu đi ngủ, mẹ chỉ cần nói 1 câu này con lập tức tắt máy và lên giường đi ngủ ngay.
Cách khiến con tắt tivi đi ngủ nhanh nhất
Trong cuộc sống thường ngày, rất nhiều bà mẹ lựa chọn cách bật tivi lên cho con xem khi con khóc hay khi dỗ con ăn. Có thể nói, đây là một cách làm vô cùng hữu ích khi mà rất nhiều trẻ đề ngay lập tức nín khóc nếu tivi được bật lên. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ “có ích” trong thời gian ngắn, còn về lâu về dài, cách làm này lại hoàn toàn có thể phản tác dụng khi bạn không thể dừng con xem tivi và khiến con nghiện xem tivi suốt ngày. Đặc biệt là vào buổi tối khi bạn muốn con đi ngủ sớm, nhưng con lại gào khóc ing ỏi và đòi bật tivi lên bằng được nếu bạn tắt chương trình tivi yêu thích của chúng đi.
Rất nhiều bậc phụ huynh đã phải đau đầu về việc này và họ thường lựa chọn cách quát mắng hoặc ép buộc con đi ngủ ngay lập tức. Nhưng với các bà mẹ Nhật Bản, họ lại lựa chọn một cách làm khác. Đó chính là nhân cách hóa cho một vật vô tri như tivi, biến chúng thành một người bạn của con chỉ với một câu nói: "Khuya rồi, bạn tivi ơi". Tức là, hãy dạy con nói với chiếc tivi, người bạn của mình rằng “Bạn tivi ơi, khuya rồi, hãy cùng đi ngủ nào”. Đây là một tuyệt chiêu vô cùng đơn giản mà bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng có thể thử để dỗ con em mình nhưng lại mang đến hiệu quả không ngờ.
Khác với mẹ Nhật, mẹ Việt lại áp dụng cách dưới đây:
Bé Tôm con chị Lan cũng như nhiều đứa trẻ khác rất mê xem ti vi, chơi điện thoại, ipad. Thói quen này đã được hình thành từ rất sớm và càng ngày bé ‘nghiện’ càng nặng hơn kể từ lúc chị Lan bắt đầu đi làm lại lúc con được 2 tuổi. Hơn nữa, bé rất khó ăn uống nên mỗi khi dỗ cháu ăn bà nội phải bật ti vi, điện thoại lên, lâu thành thói quen.
Nhiều lần chị Lan phải ngồi phân tích cho bà nội nghe tác hại của việc cho trẻ dùng đồ công nghệ sớm, nào là: hại mắt, béo phì, khả năng ngôn ngữ kém, mắc bệnh tim mạch, tự kỷ… Nhưng lần nào bà cũng hờn dỗi, bảo rằng thằng bé khó ăn như thế thì không làm vậy nó không chịu ăn. Cuối cùng bà nói, nếu chị có cách nào khác thì chỉ cho bà, chứ bà cũng hết cách rồi nên chị cũng không dám nói thêm, chỉ biết nhắc nhở con đừng xem ti vi nữa, nhưng con chị Lan còn nhỏ quá, nên chị có nói gì thì cũng không thể kiềm chế được con mình khỏi thói quen gây nghiện này.
Cứ như thế, bé Tôm làm bạn với ti vi suốt mấy năm ròng, càng lớn, bé càng xem ti vi nhiều hơn. Ngoại trừ lúc đi học, chứ cứ về đến nhà là bé ôm ti vi suốt, không ôm ti vi thì chuyển sang ipad chơi đã đời, có hôm đến tận khuya cũng chưa đi ngủ mà cứ nằm cầm điện thoại của mẹ để xem video. Nhiều khi bực quá, chị Lan quát: “Tắt ti vi cho mẹ ngay đi!” nhưng thằng bé vẫn cứ trơ trơ ra vì được bà nội bênh “Cho nó giải trí!”.
Nhưng vào một ngày, tình cờ chị Lan đọc được một bài báo mách mẹo hay của một bà mẹ Nhật khiến con tắt ti vi ngay lập tức, chị quyết định thử áp dụng.
Sáng chủ nhật tuần đó, chị Lan sắp xếp kế hoạch đưa con đi chơi công viênvà cho con chơi tất cả trò chơi cho đến khi thằng bé mệt nhừ mà không cho ăn uống thêm gì. Sau gần 2 tiếng, mồ hôi bé Tôm vã đầy người, bụng đói meo, nhưng chị vẫn tiếp tục yêu cầu con chơi các trò khác, đến khi bé mệt rã rời và xin mẹ cho ngồi nghỉ, thì lúc này chị mới nói chuyện với con:
– Con mệt không?
– Dạ mệt.
– Chơi nữa không?
– Dạ không.
– Vậy giờ con muốn làm gì?
– Dạ về nhà và nằm ngủ thôi ạ.
– Không được, con chơi tiếp đi chứ, mẹ thấy con chưa mệt mà.
– Con mệt thì sao mẹ biết được chứ. Con không chơi nữa mẹ ơi, con muốn xỉu rồi. Mẹ mau chở con về nhà đi.
– Được thôi. Nhưng mà mẹ thấy tội cái ti vi quá!
– Sao mẹ lại nhắc đến cái ti vi ở đây ạ?
– Mẹ thấy cái ti vi hôm nào nó cũng bị mệt như là con đang mệt vậy, nhiều lần nó nói với mẹ là kêu con cho nó đi ngủ đi, nó mệt lắm rồi vì phục vụ con liên tục mà con vẫn không cho nó nghỉ, cứ xem không dừng. Nó còn bảo ngày nào con cũng bắt nó làm việc như vậy nó sẽ bị bệnh và không bao giờ có thể tỉnh lại được nữa. Không tin, lúc nào xem ti vi con thử sờ vào nó xem, nó nóng kinh khủng luôn ấy.
– Cái ti vi cũng biết mệt hả mẹ? Nó sao giống con người được?
– Biết chứ sao không. Cái ti vi nó cũng giống như con người vậy, hoạt động nhiều cũng mệt và muốn nghỉ ngơi. Giống như con mệt, con muốn nghỉ ngơi để lấy lại sức thì nó cũng muốn nghỉ ngơi đó. Hàng ngày con bắt ti vi làm việc liên tục, chẳng lẽ con không thấy thương cái ti vi à?
– Dạ có thương chứ… nhưng con không biết là nó cũng mệt. Con vẫn tưởng nó là máy móc thì không biết mệt chứ!
Sau cuộc trò chuyện đấy, hai mẹ con chị Lan chở nhau về nhà và chị cũng không nhắc gì về cái ti vi nữa. Nhưng trong suốt ngày hôm đó, chị Lan để ý thấy con mình ít mở ti vi lên xem hẳn. Đến lúc muốn xem quá, thằng bé bật ti vi lên thì cứ lâu lâu lại chạy đến bên ti vi sờ xem nó có nóng lắm không, nếu thấy ti vi nóng, nó tắt ngay ti vi rồi ra chơi cái khác. Hoặc khi bé Tôm mải xem quá mà quên ‘khám bệnh’ cho bạn ti vi, chị yêu cầu tắt là bé liền ngoan ngoãn tắt ngay chứ không kì kèo xem thêm như mọi khi.
Chị Lan chỉ đơn giản là nhân cách hóa chiếc ti vi, làm cho cậu bé hiểu rằng nó cũng có thể mệt giống như con người và cũng cần nghỉ ngơi, đặc biệt là sau khi chị cho cậu trải qua cảm giác mệt kiệt sức, thì cậu càng biết ‘đồng cảm’ với chiếc ti vi hơn. Với cách giáo dục này, không những các bà mẹ sẽ yên tâm vì con cái mình có một thói quen xem ti vi đúng mực mà còn giúp các em hình thành một nhân cách tốt đẹp: biết nghĩ đến cảm nhận của người khác. Trong tương lai, không chỉ nhân cách hóa chiếc ti vi, các bà mẹ có thể “thổi linh hồn” vào những vật dụng hoặc đồ chơi khác, để các em biết cách đặt mình vào vị trí của người khác mà thấu hiểu và cảm thông.
“Nhân chi sơ, tính bản thiện” – Đứa trẻ nào khi còn nhỏ cũng đều mang bản tính thiện lương. Đôi khi việc la mắng và ra lệnh của người lớn đối với trẻ nhỏ lại không hề có tác dụng, thậm chí có thể khiến trẻ sợ hãi làm theo nhưng lần sau lại âm thầm tìm cách tái phạm. ‘Yêu cho roi cho vọt’, câu nói này không phải lúc nào cũng đúng, cách giáo dục tốt nhất luôn là nhẹ nhàng khuyên giải và dạy cho con những bài học đầu đời về tình yêu thương, sự chia sẻ, lòng tốt và đức tính chân thật. Trẻ em như một tờ giấy trắng, hãy vẽ những điều tốt đẹp vào tâm hồn chúng bằng nét bút mềm mại và dịu dàng, điều đó không chỉ giúp cho trẻ tự ý thức được lỗi lầm của mình mà sẽ là nền tảng hình thành nhân cách đạo đức của chúng khi dần lớn lên.