Những câu nói dối như "Nếu con không ngoan, bố mẹ sẽ gọi cảnh sát" thể hiện sự không trung thực của bố mẹ, dễ khiến đứa trẻ học theo.

00:00 14/10/2019

Nhiều bố mẹ hay nói dối để trẻ nhanh chóng cư xử theo mong muốn. Trên Journal of Experimental Child Psychology ngày 2/10, Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) ở Singapore kết luận hành động này không những không tốt mà còn tác động lâu dài đến tâm trí trẻ.

Ảnh: expatwoman.

Công trình được thực hiện trên 379 thanh niên Singapore gồm ba phần.

Phần một, người giam gia nhớ lại liệu có từng bị bố mẹ nói dối không. Một số ví dụ bao gồm: "Nếu con không đi cùng bố mẹ, bố mẹ sẽ bỏ con ở đây" hoặc "Bố mẹ không mang tiền hôm nay, chúng ta sẽ quay lại vào hôm khác".

Phần hai, người tham gia ước tính mức độ thường xuyên họ nói dối bố mẹ khi trưởng thành.

Phần ba, người tham gia tự đánh giá khả năng điều chỉnh tâm lý và xu hướng cư xử của mình.

Kết quả cho thấy người hay bị bố mẹ nói dối hồi nhỏ lớn lên có xu hướng nói dối, đặc biệt với chính bố mẹ mình. Họ còn dễ gặp phải các vấn đề như gây hấn, phá vỡ luật lệ do xu hướng cư xử ích kỷ, bốc đồng.

"Khi bố mẹ dạy con trung thực mà lại thể hiện sự không trung thực thông qua lời nói dối, đứa trẻ sẽ nhận được một thông điệp đầy mâu thuẫn", người đứng đầu công trình là phó giáo sư khoa học xã hội Setoh Peipei từ NTU cho biết.

"Phụ huynh cần nhận thức được những tác động tiềm ẩn này và thay thế việc nói dối bằng cách thừa nhận cảm giác của trẻ, giải thích cặn kẽ, đưa ra lựa chọn và cùng con giải quyết. Như vậy mới mong khơi gợi hành vi tốt của trẻ".

Phó giáo sư Setoh thừa nhận nghiên cứu còn bị hạn chế ở chỗ chỉ dựa vào ký ức của người tham gia. Bà hy vọng các công trình tương lai sẽ đào sâu hơn để gợi ý cho bố mẹ những lời nói dối tuyệt đối nên tránh.

Theo Minh Trang/ VnExpress