Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh viễn vì loại đồ ăn được giới trẻ cực ưa chuộng.
Tạp chí New England Journal of Medicine gần đây đã ghi nhận trường hợp của một cậu bé 12 tuổi ở Massachusetts, Mỹ bất ngờ mất thị lực. Lý do chủ yếu là chế độ ăn gồm các món ăn nhanh, ăn vặt như bánh mì kẹp thịt, khoai tây chiên, bánh donut và nước ép đóng chai.
Cậu bé được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ và bị “nghiện” một số món ăn vặt. Bố mẹ cậu bé cho biết cậu là người “kén ăn” nên dù đã cố gắng dỗ dành nhưng con trai hoàn toàn phản đối việc thử các loại thực phẩm hoặc vitamin mới vì cậu không thích mùi vị của chúng.
Tình trạng mất thị lực bắt đầu xuất hiện từ đầu năm nay. Cậu bé thường gặp phải vấn đề về mắt vào buổi sáng và tối, dù vẫn bình thường trong suốt cả ngày. Tuy nhiên, thị lực của cậu bắt đầu suy giảm nhanh chóng, và chỉ trong vòng 6 tuần, cậu bé không thể tự di chuyển nếu không có sự trợ giúp của> cha mẹ.
Rồi một đêm, cậu bé tỉnh dậy và hoảng loạn, la hét vì không thể nhìn thấy gì nữa.
Cậu bé sau đó được đưa đến bệnh viện kiểm tra. Hai ngày trước khi được đưa đến bệnh viện, bố mẹ cậu bé nhận thấy xung quanh mắt cậu có vết sưng và xuất hiện vảy. Đôi khi cậu bé chỉ nhìn chằm chằm vào bức tường thay vì màn hình lúc xem TV.
Tại bệnh viện, các xét nghiệm cho thấy cậu bé thiếu các dưỡng chất thiết yếu đối với thị giác. Cụ thể, cậu bé bị suy giảm thị lực do chế độ ăn uống chỉ toàn các món ăn nhanh, dẫn đến thiếu hụt trầm trọng các vitamin A, C, D, đồng và kẽm. Các dây thần kinh của cậu đã bắt đầu thoái hóa từ lâu và hoàn toàn hoại tử khi cậu đến bệnh viện.
Trong thời gian nằm viện, cậu bé được bổ sung vitamin A, C, D, và K, cùng với canxi, thiamine, đồng và kẽm, cũng như bổ sung thêm rau diếp và phô mai trong bánh mì kẹp thịt, món ăn quen thuộc của cậu bé. Cha mẹ cậu cũng cho thêm những dưỡng chất bổ sung vào nước ép, nhưng sau một thời gian, cậu bé nhận ra vị lạ và bỏ đi thứ đồ uống này.
Do đó, dù đã có những cải thiện trong chế độ ăn uống và bổ sung dưỡng chất nhưng các biện pháp này không được kỳ vọng sẽ giúp phục hồi thị lực của cậu bé. Các chuyên gia vẫn nhận thấy tình trạng mất thị lực của cậu bé là vĩnh viễn do phát hiện quá muộn nên việc điều trị sẽ không có hiệu quả.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Boston cho biết thêm cậu bé mắc chứng Rối loạn Hạn chế/Tránh ăn uống (ARFID), một rối loạn ăn uống ảnh hưởng đến khoảng một nửa trẻ em mắc chứng tự kỷ ở các mức độ khác nhau. Đây là một trường hợp khó, nhưng chắc chắn không phải là trường hợp duy nhất. Những đứa trẻ mắc bệnh tương tự đã được báo cáo trước đó, cả ở Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.
Rối loạn ARFID khiến trẻ em hạn chế hoặc từ chối ăn một số loại thực phẩm nhất định do lo ngại về kết cấu, mùi vị, hoặc cảm giác của chúng. Trong trường hợp của cậu bé này, chứng ám ảnh với các kết cấu thực phẩm khiến cậu chỉ ăn một số món ăn chế biến sẵn, chủ yếu là thực phẩm nhanh, điều này đã dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng các dưỡng chất thiết yếu. ARFID có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đặc biệt là ở trẻ em đang trong giai đoạn phát triển.