Nhiều bậc phụ huynh vẫn cho rằng tiền bạc là chuyện của người lớn, thế nhưng nếu trẻ nhỏ không được giáo dục sớm về tiền bạc, chúng rất dễ mất phương hướng sau này.
Bài học của bà mẹ cấm con cầm tiền
Chị Hường (Quận Hoàng Mai – Hà Nội) giật mình khi phát hiện ra cậu con trai đem 100 ngàn cho bạn cùng lớp. Bởi từ trước đến nay chị chưa bao giờ cho con tiền tiêu vặt và rất tự tin về cách quản con chặt chẽ của mình.
Duy - Con trai của chị Hường (Hà nội) năm nay học lớp 7. Tuy đã khá lớn nhưng từ trước đến nay chị Hường chưa bao giờ cho con tiền tiêu vặt, tất cả nhu cầu mua sắm của Duy chị đều lo toan đầy đủ. Chị bảo con trai thèm gì thì bảo mẹ mua cho, không được ăn quà vặt dọc đường vì rất mất vệ sinh, bạn bè mua cho ăn cũng phải từ chối. Theo chị Hường, cách >chăm sóc con như vậy rất yên tâm, không lo cậu con trai ăn uống thiếu vệ sinh, lại không bị bạn bè xấu rủ rê tiêu tiền. Ngay cả sinh nhật bạn bè của Duy, cậu muốn mua quà tặng mẹ cũng dẫn con đi cùng, cho cậu chọn quà rồi trả tiền chứ không bao giờ để Duy một mình cầm tiền đi mua sắm.
Tin tưởng vào cách giáo dục con của mình, chị Hường còn đem kinh nghiệm này ra truyền đạt cho các bậc phụ huynh khác với niềm tự hào nhưng hôm nay, khi nhận được thông tin từ cô giáo chủ nhiệm là Duy con trai cô đưa 100 nghìn cho bạn cùng lớp thì chị không thể tin được. Đến khi cầm tờ tiền mà cậu bạn cùng lớp Duy nói là do con trai chị trả tiền bạn mua hộ một số đồ dùng học tập, chị Hường mới ngã ngửa người.
Hóa ra, Duy con trai chị từng trộm tiền của mẹ 200 ngàn. Cậu đổi dần dần thành tiền lẻ và ăn quà hết gần 100 ngàn, còn 100 cậu đem trả cho bạn cùng lớp khi bị đòi tiền. Niềm tự hào vì cách quản lý con “cách ly” với tiền bạc của chị Hường đã hoàn toàn sụp đổ.
Nhiều bậc phụ huynh lo lắng rằng cho con cái tiền tiêu sớm sẽ khiến chúng hoang phí, dùng tiền vào những mục đích không tích cực, chơi điện tử hoặc ăn quà vặt. Chính vì vậy dù con cái đã khá lớn, họ vẫn không cho con tiếp xúc với đồng tiền. Trên thực tế, cách giải quyết đó không phải là không có mặt trái. Khi trẻ quá tò mò mà bị ngăn cấm, chúng sẽ dẫn đến hành động ăn trộm tiền để được tiêu tiền như chúng bạn. Khi trẻ đã có tiền trong tay mà không được định hướng cách sử dụng thì còn nguy hiểm hơn nhiều.
Dạy con tiêu tiền đúng cách
Hạn chế và quản lý trẻ về chuyện tiền nong là điều tốt, song phải có cách thức thích hợp. Cha mẹ cũng nên dạy trẻ về giá trị của đồng tiền, về sự vất vả của những người lao động để kiếm ra đồng tiền. Thay vì ngăn cấm trẻ tiêu tiền, cha mẹ có thể cho trẻ một số tiền nhất định, nhỏ thôi để chúng tiêu vào việc cần thiết, hoặc mua cho trẻ một con lợn đất để chúng tiết kiệm khi nhận được những món tiền thưởng. Cha mẹ cần hướng trẻ dùng tiền vào những việc có ý nghĩa như giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn trong lớp, trong trường, tham gia các hoạt động từ thiện hoặc dành tiền tiết kiệm để mua quà sinh nhật tặng ông bà, cha mẹ… Khi trẻ được học cách sử dụng tiền và được cha mẹ hướng dẫn cách biến tiền bạc thành những việc làm có ích, chúng sẽ thấy rõ ý nghĩa và biết cách trân trọng giá trị tiền bạc hơn.
Một số đứa trẻ đã sớm ý thức được nên dùng tiền như thế nào. Có những em tiết kiệm rất nhiều tiền mừng tuổi, tiền thưởng và đòi bố mẹ đưa đến tận nơi để trực tiếp trao món quà ấy dành tặng các bạn học sinh nghèo. Nhưng cũng có không ít những đứa trẻ mới lớn đã đua đòi ăn chơi, mua sắm quần áo, điện thoại di động…
Đối với chúng việc tiêu tiền của cha mẹ là một lẽ tất nhiên nên chưa bao giờ hiểu rõ giá trị những đồng tiền kiếm ra bằng công sức lao động vất vả. Những đứa trẻ ấy đã bị làm hư bởi đồng tiền và nhanh chóng bị uy lực tiền bạc chi phối. Đây là cảnh báo mà các bậc làm cha mẹ nên lưu ý. Bởi vậy, để trẻ tránh khỏi ảnh hưởng xấu của tiền bạc thì việc dạy con từ sớm về cách sử dụng tiền là điều hết sức cần thiết.
Dạy trẻ biết xử lí các vấn đề về tiền bạc một cách khôn ngoan sẽ giúp chúng tránh được rất nhiều căng thẳng khi trưởng thành và trong cuộc sống sau này. Không những thế, chúng sẽ hiểu được giá trị của đồng tiền và trân trọng những gì mà cha mẹ đang làm để mình có một cuộc sống tốt đẹp hơn.