Rối loạn học tập chuyên biệt hay khuyết tật học tập đều từ tên gọi trong tiếng Anh là “learning disability”.
Đây là “một rối loạn phát triển thần kinh bắt đầu trong tuổi đi học, dù có thể không được nhận ra cho đến khi trưởng thành. Rối loạn học tập ảnh hưởng đến một trong ba lĩnh vực: đọc, tính toán và viết, những nền tảng cho khả năng học hỏi của một người. Nguyên nhân là do sự khiếm khuyết nào đó về cơ chế hoạt động của hệ thần kinh”.
Đến 15% trẻ bị rối loạn học tập
TS.BS. Nguyễn Lê Trung Hiếu, bộ môn Nội Thần kinh, Trường ĐH Y Dược TP.HCM và BS.CK1. Nguyễn Thụy Minh Thư, BV. Nhi Đồng 2 (TP.HCM) đều cùng đưa ra cảnh báo về tình trạng ngày càng đông phụ huynh đưa con đến các phòng khám chuyên khoa thần kinh vì bé có những biểu hiện liên quan đến rối loạn thần kinh, đặc biệt vào dịp đầu hè.
“Bác sĩ ơi, sao con tôi không thể tập trung học được?”, “Sao bé không thể ghép vần?”, “Không rõ vì sao bé gặp khó khăn rất nhiều trong việc viết chữ và tính toán?”…
Đó là những câu hỏi thường gặp từ phía phụ huynh khi đưa con đi khám, TS.BS. Nguyễn Lê Trung Hiếu chia sẻ.
Hàng loạt các thống kê dịch tễ học từ nhiều nước phát triển cho thấy rối loạn học tập là một tình trạng khá phổ biến.Chiếm tỉ lệ nhiều nhất là rối loạn viết với mức từ 5 - 20%.Nghĩa là, cứ 10 trẻ đã có đến 2 trẻ bị rối loạn viết. Kế đến, rối loạn đọc có tỉ lệ từ 5 - 17%, rối loạn chú ý 3 - 12%, rối loạn tính toán 3 - 6%, rối loạn phổ tự kỷ 0,78%,…
GS. Trương Đình Kiệt, Viện trưởng Viện Di truyền Y học, nhấn mạnh “rối loạn học tập là một trong những biểu hiện bất thường của rối loạn thần kinh, có thể gặp ở 10 - 15% trẻ ở tuổi học đường và có thể kéo dài về sau nếu không có biện pháp can thiệp thích hợp. Vấn đề này đã và đang được nhiều nước trên thế giới quan tâm và có những hành động can thiệp cụ thể. Thống kê tại Hoa Kỳ cho thấy hiện nước này có đến 2,9 triệu người bị rối loạn học tập. Riêng Việt Nam vẫn chưa có con số thống kê chính xác nào về rối loạn này”.
Trẻ bị rối loạn học tập xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ các bệnh lý thực thể mắc phải cho đến các yếu tố tâm lý, xã hội, gia đình, như: Chuyển hóa - PKU Galactosemia, Nội tiết - Suy giáp, Thần kinh - Di chứng sau viêm màng não, xuất huyết não…; rối loạn vận động, Down, rối loạn liên quan nhiễm sắc thể X; tâm thần, trầm cảm, rối loạn lo âu, nghiện chất nhi khoa phát triển, tăng động, tự kỷ giác quan, câm, điếc, tật khúc xạ;…
BS.CK1. Nguyễn Thụy Minh Thư cho biết: để tầm soát rối loạn học tập, bên cạnh việc sử dụng các công cụ, phương pháp kiểm tra chuyên biệt, các bác sĩ chuyên khoa thần kinh còn phải khám toàn diện cho trẻ, tìm kiếm các nguyên nhân từ tiền căn gia đình, tiền căn bản thân như sinh non; khảo sát kết quả học tập ở trường, nhận xét của giáo viên, phụ huynh, kiểm tra thời gian ngủ, thính lực, thị lực; các kiểu dị hình….
-Tọa đàm khoa học “Rối loạn học tập: Hiểu biết để hành động” diễn ra vào ngày 25/7/2019, do Trường ĐH Sư phạm TPHCM phối hợp với Viện Di truyền Y học (ĐH Y Dược TP.HCM) tổ chức với sự tham gia của những chuyên gia thuộc cả ba lĩnh vực: giáo dục, y tế và di truyền.
-Theo GS TS. Trương Đình Kiệt, Viện trưởng Viện Di truyền Y học, nhấn mạnh “Tọa đàm này sẽ đi từ cảm xúc, tạo nguồn cảm hứng, đến tìm chứng cứ khoa học cho dự án can thiệp mang tính toàn diện và liên ngành, giúp trẻ bị rối loạn học tập cải thiện quá trình phát triển trí tuê nói chung và năng lực học tập nói riêng.”
-Tại tọa đàm, các nhà khoa học đã đưa ra những kiến giải về rối loạn học tập (leaning disability) trên lý thuyết, đến phân tích chi tiết về mặt lâm sàng, và cả những biểu hiện thực tế của trẻ trong suốt quá trình học tập.
-Sau phần góp ý, thảo luận sôi nổi, các nhà khoa học đã đồng thuận đi đến kết luận là cả ba bên: y tế, di truyền, giáo dục sẽ cùng nhau thực hiện một dự án khoa học công nghệ can thiệp trẻ rối loạn học tập cấp quốc gia. Chương trình bao gồm hàng loạt các đề tài nghiên cứu thực nghiệm mang tính ứng dụng và hội thảo khoa học. Y tế, di truyền, giáo dục sẽ đảm trách một phần trong dự án nhằm giúp trẻ bị rối loạn học tập cải thiện quá trình phát triển trí tuệ nói chung và năng lực học tập nói riêng. Dự án sẽ được thực hiện theo tinh thần “Y học chính xác” và “Giáo dục chính xác”.
Tuy nhiên, TS.BS. Nguyễn Lê Trung Hiếu trăn trở: “Sau khi đã dùng mọi phương pháp từ lâm sàng đến cận lâm sàng và loại trừ những nguyên nhân đã nêu ở trên, vẫn còn một số lượng lớn trẻ bị rối loạn học tập nhưng lại không thể tìm được nguyên nhân là gì?”
Di truyền trong chẩn đoán rối loạn học tập
Trước những trăn trở của các bác sĩ thần kinh trong chẩn đoán bệnh lý rối loạn học tập cho trẻ, TS.Giang Hoa (Viện Di truyền Y học) đã đưa ra những kiến giải từ góc nhìn của di truyền y học trong báo cáo “Nghiên cứu và chẩn đoán di truyền trong chậm phát triển trí tuệ” (CPTTT).
Theo các thống kê hiện nay có khoảng 5 - 10% trẻ bị chậm phát triển (CPT). Nghĩa là cứ 100 trẻ sẽ có khoảng 5 - 10 trẻ CPT, bao gồm cả CPT về học tập; phần lớn trong đó lại là CPT về trí tuệ, thần kinh. Trong một nghiên cứu 1133 trẻ CPT không rõ nguyên nhân ở Anh (đã được bác sĩ kiểm tra), năm 2015 cho thấy có đến 87% trẻ bị CPT liên quan đến CPT thần kinh.
Hiện nay, để chẩn đoán trẻ CPTTT, các nhà di truyền học sẽ tập trung vào nhóm 20.000 gien chứa đến 85% đột biến gây bệnh (WES - Whole Exome Sequencing). Với công nghệ hiện tại, tỉ lệ chẩn đoán của WES đạt được khoảng 26%, nghĩa là trong 100 trẻ CPTTT, WES sẽ chẩn đoán được nguyên nhân khiến 26 trẻ bị CPTTT.
Riêng với RLHT, việc xét nghiệm gien giúp chúng ta tìm được chính xác bé bị hội chứng khó đọc, khó viết, khó tính toán hay vận động.Tất cả những hội chứng này đều có gien quy định, chỉ thị riêng cho từng hội chứng.Từ đó, chúng ta có thể điều chỉnh bằng các chương trình giáo dục hiệu quả giúp tăng chất lượng cuộc sống của trẻ bị RLHT.
Giải pháp nào cho trẻ rối loạn học tập
Theo ThS. Hoàng Thị Nga (Khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), thực tế cho thấy việc nhận diện những trẻ bị RLHT không hề dễ dàng và đơn giản bởi trẻ có trí thông minh ở mức trung bình cho đến cao, điều này khác hẳn với trẻ chậm phát triển. Ở trẻ chậm phát triển trí tuệ, chỉ số IQ luôn thấp hơn bình thường.
Nhiều người còn cho rằng học sinh khó khăn về tiếp thu kiến thức là do khuyết tật trí tuệ, lười học, gia đình không quan tâm… Từ đó đã đưa ra nhiều biện pháp giúp đỡ không phù hợp như trách phạt, giao bài tập quá sức, bắt các em học bài trong giờ giải lao...
Bỏ sót việc chẩn đoán học sinh RLHT, nhà trường không có hồ sơ theo dõi riêng; công tác bàn giao giữa giáo viên năm trước và năm sau chưa quan tâm đến các trường hợp này; lâu dần những khó khăn về học tập của các em ngày càng trầm trọng và việc HS học hết tiểu học vẫn không biết đọc, biết viết là có khả năng xảy ra.
Kết quả là chúng ta có thể gặp những học sinh RLHT học đến lớp 5 vẫn chưa thể đọc trơn tru, rành mạch; có học sinh học hết lớp 3 nhưng vẫn không thể làm toán được nếu không có que tính; hoặc có học sinh học hết lớp 1 mà không thể thực hiện các phép tính cộng trừ trong phạm vi 10…
Do không được chẩn đoán đúng, có những can thiệp phù hợp, đồng thời lại chịu những áp lực từ gia đình, nhà trường, bạn bè, học sinh RLHT có xu hướng trốn tránh, thoái lui, không đối diện với khó khăn, che đậy những khuyết điểm của mình. Chẳng hạn, học sinh bị khó đọc sẽ dùng cách đoán chữ, học thuộc lòng khi đọc.
Mặt khác một số học sinh RLHT khi gặp thất bại trong việc học tập lại xuất hiện hành vi gây gổ và mang tâm lý tự ti. Thay vì cố gắng học và hoàn thành những bài tập cần làm, những học sinh này lại thường cố làm những gì mà mình không thể làm nổi.Việc không xác định khả năng của bản thân thường khiến cho học sinh cảm thấy bi quan hơn, mất niềm tin vào chính mình và đánh mất luôn cả lòng tự trọng.
Theo TS.BS. Nguyễn Lê Trung Hiếu, tại các nước phát triển, như Hoa Kỳ, ngoài việc xây dựng nhiều phương pháp để chẩn đoán RLHT, họ đã đưa ra rất nhiều giải pháp can thiệp, hỗ trợ trẻ bị RLHT, chuyên biệt cho từng nhóm RL đọc, viết, tính toán nói riêng. Chẳng hạn, Hiệp hội trẻ em RLHT đã có một trang web đồng hành với người bị RLHT, với gia đình và cả giáo viên của trẻ bị RLHT, với những hướng dẫn chi tiết cho từng loại rối loạn chuyên biệt.
Là một người có nhiều kinh nghiệm lâm sàng trong chẩn đoán và can thiệp, BS.CK1. Nguyễn Thụy Minh Thư đóng góp nhiều phương pháp để hỗ trợ trẻ bị RLHT.BS chia sẻ “Trước tiên, chúng ta cần đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của trẻ để cả gia đình và bản thân trẻ chấp nhận điểm yếu, phát huy điểm mạnh.Thay đổi môi trường giảng dạy để phù hợp với RL của trẻ em. Khai phá điểm mạnh của trẻ như: Chơi thể thao, nghệ thuật, sáng tạo, thể chất…”.
Theo BS.Minh Thư, với trẻ bị rối loạn viết, nên cho trẻ dùng máy tính thay vì phải cầm bút viết chữ; cho trẻ ngồi gần giáo viên hơn. Để khắc phục kỹ năng cho trẻ RLHT, dùng thêm các biện pháp CogMed để tăng trí nhớ, võ thuật để tăng tính kỷ luật, PATHS để kiểm soát cảm xúc; dùng âm ngữ trị liệu, vận động trị liệu…
Ths. Hoàng Thị Nga cũng đề nghị “học sinh bị RLHT cần tiếp cận vào hệ thống giáo dục hòa nhập thực sự, nơi mà nhà quản lý và giáo viên thực sự có kiến thức chuyên môn và kĩ năng hỗ trợ học sinh cho nhóm đối tượng này”.
Mỗi đứa trẻ ra đời là niềm hạnh phúc, hi vọng rất lớn của cha mẹ và cả xã hội. Ai cũng mong con phát triển và có cuộc sống bình yên. Sự phát triển bất thường của trẻ khiến cha mẹ lo lắng, đau khổ, chính bản thân trẻ cũng bị giảm chất lượng cuộc sống và chất lượng dân số của quốc gia suy giảm.Trên thực tế, nhiều học sinh RLHT có kết quả học tập kém nhưng lại không thua kém bạn bè cùng trang lứa trong các lĩnh vực khác như trong các mối quan hệ trong gia đình, thể chất và xã hội.