Nói dối ở trẻ là vấn đề mà tất cả các bậc phụ huynh đều từng gặp phải khi nuôi dạy con cái. Vậy, làm thế nào để ngăn chặn tình trạng nói dối ở trẻ em.
Bố mẹ nghiêm khắc dễ biến con thành kẻ nói dối
Theo nghiên cứu của Victoria Talwar, một nhà tâm lý và chuyên gia về phát triển trẻ em tại Đại học McGill (Canada), bố mẹ quá khắt khe thì con sẽ nói dối để tránh bị phạt. Talwar đã đánh giá tại hai trường ở Tây Phi, một trường có các quy định nghiêm khắc còn trường kia thì thoải mái hơn. Ở cả hai trường, Victoria đều tập hợp một nhóm học sinh và đề nghị trẻ chơi trò “Chớ nhìn trộm” tức là trẻ đoán tên các đồ vật chỉ dựa vào nghe âm thanh của chúng, chứ không được nhìn. Cùng lúc, người kiểm tra sẽ lấy lý do ra khỏi phòng, sau đó quay lại, hỏi các học sinh xem trẻ có lén nhìn đồ không. (Vật cuối cùng được tạo âm thanh khác đi, để nhà nghiên cứu biết liệu học sinh có nói dối không). Trong lúc ở trường “thoải mái” có cả các học sinh nói dối lẫn nói thật, thì ở trường nghiêm khắc chủ yếu là nói dối. Không chỉ vậy, những học sinh này nhìn chung còn nói dối rất tài.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với đài BBC 4, nhà tâm lý Philippa Perry giải thích, bố mẹ dạy trẻ nghiêm khắc tại nhà cũng có thể mang tới tác động tương tự. “Khi bố mẹ giữ nếp nhà bằng các quy định khắt khe, trẻ không cảm thấy an toàn khi nói sự thật”, Perry nói. Ông cho biết thêm, không nên đổ lỗi cho trẻ trong việc này vì sự không trung thực của các em cũng do tình thế đưa tới và việc trừng phạt trẻ vì tội nói dối chỉ làm vấn đề tệ thêm.
Theo các chuyên gia nghiên cứu tâm lý trẻ thì việc nói dối hẳn nhiên không phải là vấn đề nhỏ. Nói dối tạm chia thành ba loại:
Thông tin nói dối có nhiều điểm có lợi cho người nói.
Nói giảm nói tránh để người nghe đỡ bị tổn thương.
Sử dụng thông tin sai để bao biện cho lỗi lầm của chính mình.
Nhiều khi >trẻ nói dối nhưng hoàn toàn không nhận thức được mình đang nói dối. Lý do bao gồm:
- Trẻ thường tự xây dựng cho mình một thế giới tưởng tượng. Trong thế giới đó, đôi khi trẻ là công chúa, nàng tiên hoặc siêu nhân. Vì thế, nhiều khi con thốt ra một câu nói dối rất tự nhiên vì lúc đó con đang ở trong thế giới tưởng tượng của mình chứ không phải ngoài đời thực.
- Khi bị cha mẹ chất vấn về tội lỗi gây ra, con luống cuống nên nghĩ ngay ra cái gì đó để bao biện cho chính mình. Đây chính là hành động tự vệ.
- Con nghe bố mẹ, người xung quanh nói dối và con học theo. Trẻ nhỏ bắt chước rất nhiều nên việc học theo người lớn mà nói dối cũng không phải chuyện hiếm.
Cha mẹ nên làm gì khi phát hiện con nói dối
Thông thường, trẻ em nói dối là có nguyên nhân và lần đầu tiên nói dối trẻ sẽ rất căng thẳng vì sợ nếu bị phát hiện sẽ bị mắng. Nhưng trẻ cũng ôm ấp hy vọng rằng, cha mẹ sẽ không quá để ý tới lời nói và sẽ tin lời trẻ nói. Nếu lần đầu nói dối thành công, con sẽ có lần sau và ngày càng nói dối nhiều hơn. Ngược lại, nếu ngay từ lần đầu nói dối mà bị phát hiện và bị trách phạt thì lần sau con sẽ không giám tùy tiện nói dối nữa.
Do vậy, cha mẹ cần lưu tâm và phát hiện kịp thời những biểu hiện bất thường ở con để kịp thời uốn nắn. Bởi trên thực tế chỉ cần cha mẹ chú ý quan sát và nói chuyện với con nhiều hơn một chút sẽ dễ dàng phát hiện con có trung thực hay không, có nói dối hay không.
Khi phát hiện con nói dối, điều quan trọng nhất mà cha mẹ cần làm là giáo dục con, giúp con nhận thức được tác hại của nói dối. Khi con đã nhận ra và hứa sẽ sửa sai, cha mẹ phê bình nhưng cũng cần khoan dung, tin tưởng con.
Rất nhiều bậc cha mẹ đã phản ứng lại việc con nói dối bằng cách quát mắng, trách móc con. Việc chúng ta lập tức quát mắng con, chất vấn con sẽ làm con hoảng sợ và lần sau còn nói dối nhiều hơn. Khi chúng ta thật bình tĩnh, chúng ta sẽ tìm ra được cách xử sự đúng đắn nhất.
Ngoài ra, cha mẹ nên công bố ngay lập tức cho con thông tin chính xác để con biết rằng con không thể lừa dối cha mẹ được. Bất kể sự thật nào của con thì cha mẹ cũng biết cả. Khi con nói dối, cha mẹ không nên xử phạt này nọ. Thay vì quát mắng, cha mẹ hãy tỏ ý buồn, bị tổn thương, con sẽ cảm nhận được điều đó và con sẽ tự thấy ân hận vì đã làm cho bố mẹ buồn. Một câu nói: “Con nói dối làm bố rất buồn” sẽ có tác dụng tốt hơn hẳn là câu quát “Tại sao con lại nói dối như vậy”.
Tóm lại, cha mẹ đừng trầm trọng hóa vấn đề. Quan trọng là cha mẹ cần làm sao để giảm bớt tình trạng con nói dối đi, để không tạo thành tính cách xấu.
Để tránh tình trạng con nói dối, cha mẹ cần: Tránh tuyệt đối việc nói dối. Nếu có trường hợp cần nói giảm nói tránh, cha mẹ nên nói khi không có mặt con ở đó. Tốt nhất là hạn chế tối đa mọi việc phát ngôn những thông tin không đúng sự thật. Khi cần nói giảm nói tránh, tốt nhất cha mẹ chuyển hướng sang cách trả lời: “Tôi rất tiếc là không thể cho bạn biết thông tin”, “Xin phép bạn cho tôi giữ điều này cho riêng mình”, “Thông tin đó tôi không muốn chia sẻ”… Khi đó trẻ sẽ hiểu, nếu buộc phải nói dối, tốt nhất tuyên bố thẳng là sẽ không phát ngôn. Như vậy lời nói của chúng ta là thật chứ không hề dối chút nào. Tuyệt đối tránh mắng con ầm ĩ, chất vấn con những câu như: “Tại sao con lại làm như thế?”. Nếu con đã làm điều gì đó không ổn, cha mẹ nên nói luôn vào hậu quả và theo quy định trước để xử phạt. Cha mẹ không chất vấn con thì con sẽ tránh được việc phải bao biện cho hành động của mình và con sẽ không phải nói ra những câu nói không có thật.