Con càng lớn thì dường như nỗi lo của phụ huynh cũng tăng dần theo năm tháng, trong đó giai đoạn “bé vào lớp 1” là bước ngoặt đầu đời mà cả ba mẹ và bé đều gặp không ít áp lực. Vậy thì đó là những áp lực gì và làm thế nào để giúp con sẵn sàng bước vào lớp 1?

13:01 02/07/2018

Ở giai đoạn Mầm non, trẻ thường quen với việc học tập thông qua các hoạt động vui chơi là chính thế nhưng khi bước vào Tiểu học, trẻ cần học theo thời gian biểu bắt buộc, cần tập trung hơn và kỷ luật hơn.

Sự thay đổi về môi trường học tập, hình thức giảng dạy cũng như phải làm quen với các mối quan hệ bạn bè thầy cô mới đa phần làm cho trẻ bỡ ngỡ. Do vậy, điều chúng ta cần làm là giúp con cảm thấy việc đi học không quá đáng sợ và quan trọng hơn là chuẩn bị để con có một khởi đầu thật thuận lợi cho quãng đời học sinh.

Chuẩn bị đồ dùng học tập

Khi được mua đồ mới, trẻ thường sẽ rất thích. Vậy nên ba mẹ hãy tận dụng cơ hội này để con có thêm động lực học tập bằng cách đưa con đi chọn và sắm sửa đồ dùng học tập. Nếu tự tay con được chọn lựa, chắc chắn con sẽ cảm thấy hào hứng và có trách nhiệm học tập hơn. 

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên mua đồ đắt tiền hoặc mua quá nhiều để tránh lãng phí hoặc thất lạc. Hãy mua những vật dụng cơ bản như sách, vở, viết, gôm tẩy… và hỏi thêm giáo viên những vật còn thiếu vào ngày đầu đi học. Bên cạnh đó, hãy cùng con bọc vở, sắp xếp đồ dùng và góc học tập để tập cho con tính tự giác và thêm yêu quý đồ dùng của mình.

Chuẩn bị tâm lý

Với con, trường học là nơi hoàn toàn lạ lẫm nhưng cũng có thể rất thú vị. Thế nên ba mẹ hãy giúp con có những suy nghĩ tích cực về việc đến trường. Hãy kể cho con nghe về ngôi trường mà con sắp theo học, về những phòng học hiện đại, trang trí dễ thương hoặc những giờ ra chơi vui vẻ cùng các bạn… để con có cảm giác mình sắp là thành viên của một ngôi trường thật đẹp. Ngoài ra, ba mẹ đừng quên kể cho con về những kỷ niệm vui thời đi học, về ngày đầu đến trường của mình nữa nhé!

Chuẩn bị kiến thức

So với Mầm non, Tiểu học có các môn học đa dạng hơn như Toán, Tiếng Việt, giáo dục lối sống, thế giới công nghệ... Lượng kiến thức thay đổi có thể làm trẻ lảng tránh, không lập tức hứng thú với việc học hoặc sẽ cảm thấy bài tập về nhà là một gánh nặng.

Vì vậy, dù có nhiều phụ huynh quan niệm rằng không nên dạy trước mà để cho trẻ phát triển tự nhiên nhưng ngược lại cũng có nhiều phụ huynh tự dạy cho con tại nhà hoặc tìm đến các phương pháp giáo dục, trung tâm ngoại khóa để con rèn chữ, học Toán, học Tiếng Anh... Dù quan điểm dạy con có thể khác nhau, điều quan trọng là chúng ta cần có một phương pháp và lộ trình phù hợp để tạo bước đệm vững chắc, giúp con có những trải nghiệm tích cực và kết quả tốt ngay từ những ngày học đầu tiên.

 Chuẩn bị kỹ năng

Môi trường học tập ở lớp 1 đòi hỏi trẻ cần có nhiều kỹ năng tự lập hơn như tập làm quen và tự chơi với bạn, tự tin trả lời câu hỏi của giáo viên hoặc hỏi lại những điều chưa rõ, tự giác làm bài tập, tự dậy sớm để đến trường, tập trung lắng nghe và ghi chép bài giảng... Có ý kiến cho rằng cách học mới quyết định đến hiệu quả của học tập, do đó, không bao giờ là quá sớm để tập cho con các kỹ năng trên.

Hiện nay, khá nhiều phụ huynh tìm kiếm các trung tâm ngoại khóa cho bé mà ở đó có sự kết hợp giữa kiến thức và kỹ năng. Một trong số đó là trung tâm Kumon, giảng dạy cả Toán và Tiếng Anh cho bé từ 3 tuổi trở lên. Là phương pháp học từ Nhật Bản với 60 năm kinh nghiệm, trung tâm mang đến cho mỗi học sinh một kế hoạch riêng biệt, “vừa đúng” với khả năng, điểm mạnh và điểm cần cải thiện của từng em. Ngoài ra, tính tự giác và thói quen làm bài mỗi ngày ngay từ lúc nhập học cũng giúp các em thoải mái và nhẹ nhàng hơn rất nhiều trong bước chuyển đổi sang trường mới.

Sự chuẩn bị chu đáo sẽ mang đến một khởi đầu suôn sẻ, một hành trình thuận lợi và một kết quả đáng trông đợi. Chắc chắn, khi chuẩn bị tốt cho con những điều trên, “vào lớp 1” sẽ không còn là áp lực của cả ba mẹ và bé. Hãy để mỗi ngày đến trường của con đều là những ngày vui, ba mẹ nhé!

Theo PV/Eva/Khám Phá