Nói gì đúng là đôi khi không quan trọng bằng cách nói. Thay đổi một chút thôi, bố mẹ sẽ thấy con mình có những thay đổi rõ rệt và tích cực hơn.
Rất thường xuyên, chúng ta - những người làm bố mẹ đã ném vào mặt con mình câu "Không" một cách cụt lủn, sỗ sàng - để kìm nén/ngăn chặn những ham muốn của con. Ở một góc độ nào đó, những đứa trẻ nhỏ nhạy cảm sẽ cảm thấy bị xúc phạm, và tất nhiên chuyện nổi giận là một phản ứng hoàn toàn bình thường.
Tôi không phải bà mẹ hoàn hảo, và trong những lúc không bình tĩnh, tôi vẫn nói KHÔNG với con. Nhưng sau những lần phản ứng dữ dội và đầy nước mắt, tôi sớm nhận ra rằng, mình phải thay đổi cách tiếp cận trước đã - trước khi muốn con thay đổi những phản ứng của chúng.
Vậy chúng ta nên làm gì? Nói CÓ với tất cả mọi thứ? Tất nhiên là KHÔNG rồi. Luôn có những lựa chọn và thay thế hữu ích hơn để cha mẹ vừa bảo vệ lập trường của mình trước trẻ, vừa không phải đối đầu với con.
Một số gợi ý đơn giản cho các bố mẹ:
1. CỐ GẮNG CUNG CẤP THÔNG TIN
Chẳng hạn khi con nói: "Con có thể chơi đồ chơi bây giờ không?"
Thay vì nói KHÔNG, bạn có thể ngồi xuống nhìn con và cung cấp thông tin: "Chúng ta sẽ ăn tối bây giờ, mẹ sắp nấu xong rồi. Mình ăn xong và sẽ đổ đồ chơi ra được không?"
Nhận được thông tin như vậy, em bé có thể tự nói với mình: "Mình sẽ được chơi, sau khi ăn cơm".
2. ĐỒNG CẢM
Ví dụ con đang chơi ở khu vui chơi và sắp tới giờ về.
Con nói: "Con không muốn về, con muốn chơi tiếp".
Thay vì nói KHÔNG hoặc "Về nhà ngay", hãy thừa nhận và đồng cảm với cảm xúc của con:
"Nếu con chơi nữa là mình đã chơi tới hơn 1 tiếng đồng hồ rồi, con có thấy mặt trời sắp đi ngủ không. Nếu để tối quá, mình sẽ về nhà muộn mất. Con chơi thêm x lần nữa xong mình sẽ về nhé. Mẹ biết con rất thích chơi trò này, mình có thể quay lại chơi vào ngày mai mà."
Sự phản kháng sẽ giảm bớt khi ai đó hiểu cảm xúc của bạn.
3. MÔ TẢ VẤN ĐỀ
Con: "Mẹ có thể đưa con đi chơi/tới thư viện bây giờ không?"
Thay vì nói KHÔNG, bạn hoàn toàn có thể nói CÓ: "Mẹ có thể, nhưng chắc là con sẽ phải chờ đấy. Mẹ rất muốn đưa con đi nhưng mình đang đợi chú đến sửa điện, nếu mình đi bây giờ lát chút đến sẽ không có ai mở cửa và giúp chú".
Có thể đánh lạc hướng "Hay là mình chờ và lát nữa chú tới con sẽ mở cửa rồi chỉ cho chú hộp điện nhà mình ở đâu nhé". Được giúp đỡ có thể sẽ làm trẻ hào hứng và quên đi ý định ban đầu.
4. TÌM KIẾM VÀ ĐÁP ỨNG KHẢ NĂNG NẾU CÓ THỂ
Con: "Mẹ ơi mình sẽ đi ra ngoài tập xe đạp chứ?"
Thay vì nói KHÔNG, bạn có thể khuyến khích con hoàn thành nốt việc đang làm dở: "Được chứ, con ăn sáng xong, mẹ làm việc một chút, khi nào đồng hồ chỉ số 10 chúng ta sẽ đi nhé".
5. HÃY LẮNG NGHE
Con: "Con có thể tới nhà bạn X để chơi không?"
Thay vì nói KHÔNG: "Con vừa tới nhà bạn chơi tuần trước mà", hãy nói "Để mẹ suy nghĩ nhé" (Câu này tôi sử dụng rất rất nhiều và rất hiệu quả).
Câu nói này đạt được 2 mục tiêu: Một là làm giảm căng thẳng ở con (ít nhất con biết rằng yêu cầu của mình đang được xem xét nghiêm túc) và hai là cho chính chúng ta có thời gian để cân nhắc, suy nghĩ cảm xúc và quyết định của mình.
Có vẻ những "từ" thay thế cho KHÔNG dài dòng hơn nhiều. Nhưng nếu bạn nhìn lại những cuộc nổi đóa thông thường sau tiếng KHÔNG, bạn sẽ hiểu rằng con đường tưởng dài hơn lại là con đường ngắn nhất.