Khi trẻ làm tốt điều gì đó, hãy cho trẻ biết chỗ nào đáng được khen ngợi, mà không nên khen trẻ như siêu nhân, để rồi một ngày trẻ phát hiện ra mình không biết bay, lúc đó cú ngã sẽ rất đau.

06:49 13/04/2018

1. Bố mẹ ra điều kiện ép con làm việc gì đó - Trẻ sẽ học cách lấy lòng người khác

"Con mà không ngoan ngoãn nghe lời, mẹ không cần con nữa!".

"Con mà không ăn hết bát này, đừng hòng mẹ dẫn đi chơi".

"Ngoan nào con trai, ngủ đi nhé, lần sau cha dẫn đi trung tâm thương mại".

……

Bạn có thấy quen thuộc những câu dỗ dành ở trên không? Trong quá trình chăm trẻ, đôi khi người lớn chúng ta có chung một tật xấu là nóng lòng muốn có ngay kết quả. Đây cũng chính là lý do mà các bậc phụ huynh hay đưa ra những điều kiện thưởng hoặc phạt để ép trẻ làm điều gì đó.

Điều này vô hình chung khiến sự việc mất đi bản chất vốn có. Chẳng hạn, việc ăn ngủ là vì sự phát triển của bản thân, nhưng trẻ không hiểu, coi việc ăn cơm là việc phải làm thì bố mẹ mới đưa đi chơi. Trẻ dần dà học cách xem sắc mặt bố mẹ, xem bố mẹ có vui hay giận để ra quyết định có làm việc gì đó hay không, lớn hơn thì biết cách nịnh bợ và để rồi mất đi tính độc lập trong quyết định của bản thân lúc nào cũng không hay.

 Lấy lòng người khác vốn không phải là điều gì xấu, bản thân mỗi chúng ta đều hy vọng người khác khen ngợi mình. Nhưng, nếu đem cái tâm cầu danh cầu lợi đi lấy lòng kẻ khác, khi biết mục đích đứng đằng sau, đối phương sẽ không tôn trọng và tín nhiệm kẻ thích lấy lòng như vậy.

2. Bố mẹ hành xử vô cảm - Trẻ nhỏ học cách công kích người khác

Từng có một chuyện xảy ra thế này, một đứa trẻ tinh nghịch đạp chân lên bụng một phụ nữ mang thai. Sau khi sự việc xảy ra, mọi người hỏi nguyên cớ vì sao lại hành xử như vậy, đứa trẻ tỏ ra bất mãn và nói rằng: "Con chỉ muốn xem bà bầu ngã có xảy thai giống như trên ti vi nói hay không thôi mà". Sau khi mời gọi phụ huynh tới thì cha mẹ đứa trẻ lại nói rằng: "Cháu nó chỉ là đứa trẻ".

Cái gọi là hành xử vô cảm, chính là dùng những hành động hay lời nói vô trách nhiệm, không để ý tới cảm xúc, sự an uy của người khác. Họ coi mình là trung tâm thế giới, còn người khác như kẻ vô hình.

 Kỳ thực, công kích người khác, không nhất định phải là bạo lực, nó còn tồn tại dưới dạng lời nói. Có rất nhiều người, bất luận là trẻ nhỏ hay người lớn đều lấy khuyết điểm của người khác nâng cao giá trị bản thân. Và các ông bố, bà mẹ hãy nên nhớ: con cái đôi khi chính là tấm gương phản chiếu cha mẹ chúng. Cái mà những người làm cha làm mẹ như chúng ta nên làm, chính là >dạy con cư xử hợp tình hợp lý cùng con kiểm nghiệm chân lý sống, dùng trái tim để nhìn nhận giá trị cuộc đời.

3. Bố mẹ chê hay khen con quá mức - Trẻ luôn tìm kiếm sự tán thưởng

"Vì sao có mỗi chuyện nhỏ như vậy mà làm không được là sao?".

"Con không để bố yên một lúc à?".

"Cháu nhà tôi giỏi lắm".

"Con là đứa bé ngoan và đáng yêu nhất trần đời".

Bất luận là khen hay chê trẻ nhỏ quá mức đều khiến trẻ mất đi việc tự mình đánh giá bản thân, khiến trẻ chỉ dựa vào sự khen chê của người khác mà hành động.

 Trên thực tế, trẻ làm điều gì chưa tốt thì chúng ta cần chỉ cho còn những chỗ chưa được chứ không nên phủ định hoàn toàn sự nỗ lực của trẻ. Khi trẻ làm tốt điều gì đó, hãy cho trẻ biết chỗ nào đáng được khen ngợi, mà không nên khen trẻ như siêu nhân, để rồi một ngày trẻ phát hiện ra mình không biết bay, lúc đó cú ngã sẽ rất đau.

Bất cứ ai đều hy vọng việc mình làm được mọi người công nhận, đó là chuyện rất bình thường. Tuy nhiên, chỉ có đợi người khác khen một tý rồi thân mới làm một tẹo, như thế thì có khác gì con lừa đâu? Bạn kỳ vọng con mình có thể trở thành ngựa thiên lý mã hay chỉ là một con lừa đợi chiếc roi tán thưởng?

Theo Viết Minh NF/Afamily/Helino