Chứng kiến tình trạng nguy kịch của con khiến vợ chồng chị Huyền không khỏi hoang mang, lo sợ.
Hít phải khói thuốc lá từ bố, bé nôn ra máu liên tục
Trên các phương tiện truyền thông đại chúng vẫn thường đưa ra những lời cảnh báo về tác hại của khói thuốc lá với trẻ em. Tuy nhiên có nhiều ông bố vẫn nghĩ rằng chỉ cần mình không hút thuốc lá trong nhà thì sẽ không sao. Sự thật là khói thuốc trong miệng vẫn gây hại vô cùng cho >sức khỏe của các bé.
Mới đây, một bà mẹ trẻ ở Hà Nội, tên Bùi Thanh Huyền đã chia sẻ câu chuyện con gái 14 tháng tuổi của mình bị nôn ra máu 7 lần/ngày, do hít phải khỏi thuốc lá từ miệng bố. Thông tin này ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của rất nhiều cha mẹ đang nuôi con nhỏ.
Theo như chị Huyền chia sẻ, bố của bé Nấm rất ít gần con do anh hay đi công tác. Thế nhưng hôm đó sau khi bé Nấm ngồi sau xe bố và cùng bố chơi đùa 30 phút thì bé bỗng bị ho và nôn ra máu rất nhiều. Thấy vậy 2 vợ chồng chị Huyền liền lập tức đưa con đến viện: "Nấm bị nôn ra dịch trắng không kèm thức ăn nên bác sĩ chẩn đoán không phải do hệ tiêu hóa. Nếu do đường ruột thì nôn ói phải có thức ăn kèm, vì vậy bác sĩ cho con soi mũi họng hô hấp thì phát hiện bị tổn thương mũi họng dẫn đến viêm. Bác sĩ cũng cho biết biết do Nấm hít phải không khí xấu nên bị ngộ độc không khí, nếu viêm họng bình thường không bao giờ ho ra máu".
Những hình ảnh bé Nấm bị nôn ra máu do ngộ độc không khí từ khói thuốc của bố.
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ cũng có hỏi chị Huyền rằng môi trường xung quanh bé có khí độc gì không, chị nghĩ lại thì đoán chỉ có thể là khói thuốc lá của bố vì bé có các triệu chứng trên ngay sau buổi sáng bố bế ngồi trên xe.
Chuyện xảy ra với bé Nấm khiến chị Huyền không khỏi lo lắng. Thêm vào đó cơ thể bé lại rất nhạy cảm với hóa chất nên khiến tình trạng càng nặng hơn: "Chỉ sau 1 buổi sáng ngồi sau xe với bố đi ăn sáng là con đã bị thế rồi, 1 ngày ho ra máu 7 lần. Sau mấy ngày ốm, con đang từ 12kg tụt còn 8,6kg, không đứng nổi, người siêu vẹo, mình thương con mà không biết phải làm sao?".
May mắn là sau 3 ngày nằm viện, sức khỏe bé Nấm đã bình phục hoàn toàn, chỉ cần tránh khỏi khói thuốc lá và rửa mũi thường xuyên. Sau sự việc trên chị Huyền cũng không quên nhắn nhủ các ông bố hãy ý thức hơn, khi đã hút thuốc rồi thì không đến gần con để bảo vệ sức khỏe của trẻ.
Những chia sẻ trên của chị Huyền khiến các mẹ bỉm sữa không khỏi lo lắng, nhiều người còn tag chồng mình vào với khuyên nhủ hãy bỏ thuốc lá đi. Hiện bài đăng của chị Huyền vẫn nhận được sự quan tâm lớn của cư dân mạng.
Trước đó một bà mẹ sống tại Hà Nội cũng đã chia sẻ câu chuyện tương tự, khi con trai 2 tuổi của chị vì bị hút thuốc thụ động mà gây nguy hiểm đến tính mạng. Theo như chị Minh An chia sẻ, sau khi hít phải khói thuốc từ miệng bố, con trai chị bị ho và trở nặng rất nhanh. Chỉ trong vòng đúng 1 ngày, cơn ho kéo dài, sâu và chuyển nhanh thành hen phế quản, phổi nghe có tiếng rít. Các bác sĩ đã nhanh chóng cho thở khí dung thì bé mới có thể thở lại bình thường. Sau 3 ngày điều trị thì bé có đỡ hơn nhưng phổi vẫn chưa ổn nên tiếp tục phải dùng kháng sinh để điều trị.
Trẻ ở 1 giờ trong phòng có người hút thuốc = trẻ hút 10 điếu thuốc
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, trẻ em chỉ cần một giờ trong phòng có người hút thuốc cũng đã hấp thụ số hóa chất độc hại tương đương với người hút 10 điếu thuốc một ngày.
Khói thuốc sẽ gây ảnh hưởng trong phạm vi 7-10m. Do đó ngay cả khi ở rất xa người hút thuốc thì người hút thụ động vẫn gặp những nguy cơ về sức khỏe không kém những người đang hút thuốc.
Ảnh hưởng của việc hút thuốc thụ động lên trẻ rất khó để bố mẹ nhận ra khi chúng còn nhỏ, "những hậu quả tiêu cực con nhận được khi là người hút thuốc thụ động không xuất hiện ngay lập tức nên phụ huynh không hề đề cao nhận thức về vấn đề này", Tiến sĩ Annie Lintzenich Andrews – một chuyên gia nhi khoa của trường Đại học Y khoa South Carolina (Mỹ) cho biết.
Việc tránh đi chỗ khác hút thuốc hay không hút thuốc trong nhà khi có trẻ em gần như không có tác dụng, bởi vì, theo một nghiên cứu mới đây tại Đại học bang San Diego (Mỹ), khói thuốc lá còn lưu lại trong phổi, trong hơi thở của bạn, thậm chí còn lưu lại trong nhà bạn đến tận 6 tháng.
Khói thuốc lá ảnh hưởng trầm trọng đến hệ hô hấp của trẻ nhỏ. Trẻ sơ sinh tiếp xúc với các chất độc trong khói thuốc từ khi còn ở trong bụng mẹ sẽ bị chậm phát triển chức năng phổi. Trẻ nhỏ tiếp xúc với khói thuốc thụ động có nguy cơ bị phát bệnh hen suyễn hoặc làm bệnh hen trầm trọng hơn, tăng nguy cơ mắc viêm phổi, viêm phế quản và thường xuyên nhiễm trùng đường hô hấp dưới.