Thông tin một bé gái 12 tuổi (ở Hà Nội) mang thai và sinh con đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Dưới góc độ y tế, các bác sĩ đã đưa ra nhiều cảnh báo về việc chăm sóc sức khỏe và bảo vệ an toàn cho trẻ vị thành niên.
Mang thai và sinh con ở tuổi 12 tổn hại đến >sức khỏe như thế nào?
TS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, BV Phụ sản Trung ương cho hay, độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu của trẻ vị thành niên hiện nay ngày càng sớm. Trong thực tế, các em gái 12 - 13 tuổi mang thai và >làm mẹ bất đắc dĩ không còn hiếm.
Tuy nhiên, theo vị bác sĩ, việc mang thai sớm ở lứa tuổi vị thành niên để lại nhiều hậu quả nguy hiểm.
- Thể chất chưa phát triển hoàn thiện nên mang thai ở tuổi vị thành niên dễ dẫn đến các biến chứng do thai nghén như sẩy thai, đẻ non, nhiễm độc thai nghén, làm tăng nguy cơ tử vong mẹ... nếu không được chăm sóc y tế và quan tâm đúng đắn.
- Phát hiện mang bầu khi đã quá muộn hoặc biết mang thai nhưng không thông báo sớm với người thân, các cô gái thường bỏ lỡ mất 3 tháng đầu tiên của thai kỳ là khoảng thời gian cần được thăm khám và quan tâm đặc biệt.
- Làm mẹ quá trẻ, cơ thể chưa phát triển đầy đủ dẫn đến thiếu máu, thiếu chất. Thai kém phát triển dễ bị chết lưu hoặc trẻ sinh ra thiếu cân, suy >dinh dưỡng, mắc nhiều bệnh tật...
- Khung chậu trẻ vị thành niên chưa phát triển đầy đủ nên quá trình sinh đẻ gặp nhiều khó khăn, phần lớn phải can thiệp bằng các thủ thuật và phẫu thuật.
- Tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong của trẻ sơ sinh ở người mẹ nhỏ tuổi cao hơn nhiều so với các bà mẹ tuổi trưởng thành. Do các em không dùng các biện pháp an toàn, nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục rất dễ xảy ra, thậm chí có thể ảnh hưởng sang con. Trẻ vị thành niên quan hệ sớm dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có cả HIV/AIDS.
Trẻ vị thành niên mang thai và sinh con ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và tâm lý (Ảnh minh họa)
- Việc làm mẹ khi còn ít tuổi khiến các cô gái vị thành niên không đủ trưởng thành để> >nuôi dạy con, ảnh hưởng tới quá trình phát triển của đứa trẻ.
- Làm mẹ sớm, các cô gái trẻ dễ gặp căng thẳng, khủng hoảng tâm lý, tổn thương tình cảm và thiếu điều kiện tốt trong cuộc sống. Nếu không có sự hỗ trợ và hướng dẫn từ người thân, các cô gái trẻ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm.
“Nhiều em gái tuổi vị thành niên chưa ý thức được sự nguy hiểm của việc quan hệ tình dục và mang thai khi còn quá trẻ nên để lại nhiều hậu quả đáng tiếc. Do đó, sự quan tâm của gia đình và giáo dục giới tính cho trẻ cực kỳ quan trọng”, bác sĩ Thành nhắn nhủ.
Cha mẹ cần làm gì khi con đến tuổi vị thành niên?
TS.BS Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khoẻ Vị thành niên - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, vị thành niên là những trẻ từ 10 đến 19 tuổi. Vào thời điểm này, trẻ phát triển các chức năng sinh dục, sinh sản, nhu cầu tình dục xuất hiện. Tuy nhiên, nhiều trẻ vẫn thiếu tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, có thể chưa được giáo dục đầy đủ về sức khỏe giới tính, nhiều cha mẹ còn hời hợt về việc giáo dục cho con em… Do đó, nguy cơ mang thai ngoài ý muốn rất cao và để lại nhiều hệ lụy trong tương lai.
Để tránh cho trẻ bị xâm hại tình dục, cũng như mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên, bác sĩ Minh Loan cho rằng, cha mẹ nên quan tâm đến con cái nhiều hơn, dành nhiều thời gian trò chuyện tâm sự với con, đặc biệt là chia sẻ về những kỹ năng tự phòng vệ, bảo vệ bản thân.
Cha mẹ và nhà trường nên phối hợp để trang bị cho trẻ những kiến thức về sức khoẻ sinh sản, giáo dục giới tính, giúp các em có kiến thức và nhận thức đúng đắn, tránh được những sai lầm không đáng có.
Đặc biệt, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường - gia đình - xã hội, giúp các em được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính và sức khoẻ sinh sản, góp phần nâng cao chất lượng dân số trong tương lai.
Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ các biện pháp giữ an toàn, tránh bị xâm hại tình dục
7 kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục ở trẻ cha mẹ cần giáo dục con
- Dạy trẻ về giới tính và các vùng nhạy cảm;
- Không cho người khác chạm vào vùng nhạy cảm;
- Không chạm vào vùng nhạy cảm của người khác;
- Tránh xa người lạ mặt;
- Không cho người lạ mặt vào nhà;
- Dạy trẻ cách chạy thật nhanh hoặc nhờ sự giúp đỡ của người khác;
- Báo ngay cho cha mẹ khi trẻ bị đe dọa hoặc không thích bất kỳ người nào.