Nghe bác sĩ kết luận con gái bị bệnh phụ khoa, người mẹ trẻ không giấu nổi vẻ bàng hoàng bởi trước giờ cô luôn rất cẩn thận chú ý vấn đề vệ sinh cho con.
Có đôi lúc, trẻ vô tình mắc phải những căn bệnh khó hiểu do chính sai lầm trong thói quen sinh hoạt thường ngày của cha mẹ. Để khuyến cáo cũng như trang bị thêm kiến thức chăm con cho các bậc phụ huynh, một bác sĩ nhi khoa lấy tên là Vũ Trích đến từ Hạ Môn, Trung Quốc đã chia sẻ nhiều bài viết giải đáp những thắc mắc của mẹ và bé.
Với 20 năm kinh nghiệm chăm sóc >sức khỏe nhi đồng, bác sĩ Vũ Trích đã trở thành chuyên gia >dinh dưỡng, chuyên gia giáo dục cấp cao và được rất nhiều các bà mẹ tin tưởng. Mới đây, vị chuyên gia này tiếp tục chia sẻ câu chuyện hy hữu về một bé gái mới 2 tháng tuổi đã mắc bệnh phụ khoa mà nguyên nhân lại từ chính sai lầm trong thói quen giặt đồ của người mẹ.
Một buổi sáng khi bác sĩ Vũ Trích vừa mới đến phòng khám thì bắt gặp 1 bà mẹ trẻ bế con gái 2 tháng tuổi hớt hải chạy đến và sốt sắng nói: “Bác sĩ, xin hãy xem giúp cho bé nhà tôi, lúc tôi thay quần cho con thì thấy ở đũng quần có rất nhiều chất dịch màu vàng bốc mùi khó chịu, mỗi lần đi tiểu xong con cũng đều khóc ré lên”.
Giúp bà mẹ trấn tĩnh lại xong, bác sĩ Vũ Trích bắt đầu lấy 1 ít chất dịch vàng từ đũng quần của bé đi xét nghiệm, kết quả cho thấy, bé gái bị nấm âm đạo. Nghe đến đây, người mẹ trẻ không giấu nổi vẻ bàng hoàng bởi trước giờ cô luôn rất cẩn thận chú ý vấn đề vệ sinh, hơn nữa con còn nhỏ thế này làm sao bị viêm nhiễm âm đạo được?
Sau khi tìm hiểu, bác sĩ Vũ Trích mới biết thì ra bà nội bé gái thường xuyên giặt đồ của cả nhà chung với nhau, bác sĩ giải thích: “Nấm, vi khuẩn có mặt ở khắp mọi nơi, kể cả khi người nhà không có ai bị viêm nhiễm thì bé vẫn có khả năng bị. Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ rất yếu nên nguy cơ bị nhiễm bệnh càng cao”.
Trên thực tế, viêm nhiễm phụ khoa ở trẻ sơ sinh không phải hiện tượng hiếm gặp. Theo số liệu báo cáo, lượng bệnh nhi bị viêm màng ngoài âm đạo chiếm 70% số trường hợp khám bệnh phụ khoa ở Bệnh viện nhi đồng Bắc Kinh và chiếm 60% ở bệnh viện nhi đồng trực thuộc Đại học Chiết Giang (tương đương với hơn 20 000 lượt người/năm).
Khi quần áo của cả gia đình cùng giặt chung với nhau, nếu trong nhà có người mắc bệnh phụ khoa thì vi khuẩn chắc chắn sẽ lây nhiễm sang trẻ, nhưng nếu trong nhà không có ai mắc bệnh phụ khoa thì chúng ta cũng không được chủ quan.
Da của em bé chỉ dày bằng 1/10 da người lớn, sức đề kháng và miễn dịch rất yếu nên không thể chống chọi lại với mọi loại vi khuẩn được. Chỉ cần trong nhà có bất cứ ai bị bệnh về vi khuẩn nấm như viêm da, hôi chân… chúng đều sẽ truyền nhiễm sang bộ phận sinh dục hoặc bộ phận khác trên cơ thể trẻ nhỏ. Do đó, quần áo của trẻ bắt buộc phải được giặt riêng.
Vậy cách giặt quần áo như thế nào là hợp lý và có thể tránh các bệnh truyền nhiễm cho trẻ?
1. Nếu nhà có con nhỏ, bắt buộc phải giặt riêng đồ với người lớn và giặt bằng tay trong 1 chiếc chậu sạch để tránh vi khuẩn lây nhiễm đan xen.
2. Nên giặt đồ của trẻ bằng xà phòng hoặc nước giặt dành riêng cho trẻ em vì bột giặt của người lớn có thể khiến da trẻ bị kích ứng.
3. Quần áo của bé nên giặt qua nhiều lần nước để loại bỏ sạch cặn bã và bọt xà phòng.
4. Giặt xong, tốt nhất nên phơi quần áo dưới nắng vì ánh mặt trời có thể loại bỏ 1 số vi khuẩn gây hại
5. Nếu áo quần của bé bị dính sữa, thức ăn… thì nên giặt ngay lập tức để chúng được sạch như mới, nếu để sang ngày hôm sau mới giặt, những vết bẩn đó đã bám chắc vào sợi vải, rất khó sạch.
6. Quần áo mới mua về cũng cần phải giặt và phơi nắng rồi mới cho bé mặc. Nhiều bà mẹ nghĩ rằng quần áo mới chỉ bám chút bụi nên chỉ cần ngâm vò trong nước là sạch nhưng trong quần áo mới thường chứa chất formaldehyd (một loại chất chống nhăn cho vải) nên vẫn cần phải thêm chút xà phòng giặt.
7. Quần áo sau khi được phơi phải được gấp gọn và để ở nơi khô thoáng, không được để quần áo của bé ở ngăn kéo dưới cùng đặc biệt là ở tầng 1 bởi chỗ đó không đủ khô thoáng.
Có thể thấy, giặt quần áo là chuyện nhỏ nhưng giặt đồ của các bé sao cho đúng cách và an toàn nhất thì lại không hề đơn giản.