Chị Chi rèn cho con sự nhẫn nại và quý trọng đồng tiền bằng việc để các con tự vẽ tranh bán cho du khách ở bờ hồ Hoàn Kiếm.
Đó là cách mà chị Nguyễn Phương Chi (32 tuổi) đang làm giám đốc một công ty nội thất ở Hà Nội khuyến khích các bé Cherry (5 tuổi) và Berry (2,5 tuổi) trân quý đồng tiền, giá trị sức lao động. Chị muốn các con ngay từ nhỏ phải biết tự lập, phải biết vượt khó.
Nhờ được bố mẹ khích lệ khả năng tự vận động mà giờ đây mỗi sáng khi nghe tiếng chuông báo thức, hai con tự khắc bật dậy làm vệ sinh cá nhân, ngồi vào bàn ăn như mọi người trong nhà. Sau đó tự ý thức cuốc bộ ra đầu ngõ lên xe đưa đón của trường để tới lớp.
Nữ giám đốc dạy con trải nghiệm hơn là kiến thức lý thuyết trên sách vở
Chị Chi cho biết hiện tại bản thân đang điều hành một công ty riêng lĩnh vực nội thất. Chị khiêm tốn nhận thấy về mặt sự nghiệp thì chưa có gì quá to lớn nhưng đã được ghi nhận trên một số phương diện. Là người đam mê với công việc hiện tại, chị sống với ước mơ và hoài bão lớn nên chị thấy mình luôn tràn đầy năng lượng.
Sống hết mình với đam mê và sự nghiệp nhưng chị cũng không quên nhiệm vụ cao cả của một người phụ nữ, một người mẹ trong gia đình. Chia sẻ quan điểm cá nhân về việc dạy dỗ các con, chị nói: “Mình nghĩ rằng chăm sóc dạy dỗ không có nghĩa phải luôn kè kè bên cạnh. Việc mình phát triển bản thân mỗi ngày, cách sống làm việc và giao tiếp chính là những bài học lớn nhất dành cho con cái. Chúng ta không cần dành quá nhiều thời gian bên cạnh con, mà hãy để những giờ phút đó trở nên thực sự giá trị”.
Xuất phát từ chính những chiêm nghiệm của bản thân trong cuộc sống khi đi ra nước ngoài, lúc tiếp cận với sách vở và chính những bạn bè đồng nghiệp xung quanh mình, chị muốn chỉ cho các bé những điều hay lẽ phải và hơn hết là tự bản thân phải biết vượt quá khó khăn.
Tiết lộ về phương pháp dạy dỗ con, bà mẹ trẻ cho rằng, mẹ thường quan sát tính cách và cảm xúc của con, để quyết định dẫn dắt chúng một cách thật tự nhiên, không ra lệnh và áp đặt. Mỗi đứa trẻ đều có khả năng và cá tính riêng, việc thấu hiểu khả năng tính cách của con là yếu tố tiên quyết để định hướng cha mẹ trên con đường >nuôi dạy con mà vẫn có thời gian để theo đuổi đam mê cá nhân.
“Mình không quan tâm đến việc con phải biết đọc sớm, viết chữ đẹp, điểm số cao mà cái mình cần chính là con có một tâm hồn đẹp, biết rung cảm với những mảnh đời khó khăn, bất hạnh ngoài xã hội. Mẹ dạy cho con nhiều trải nghiệm hơn là kiến thức lý thuyết sách vở, sao cho khi ra xã hội con có thể xử lý và biết cách sắp xếp cuộc sống” – nữ giám đốc nói.
Chị Chi mong muốn các con trở thành những đứa trẻ tự lập, có thể tự vượt qua mọi thử thách khó khăn. Ngay từ khi con bước vào độ tuổi ăn dặm, chị đã để con tự bốc ăn, lớn hơn một chút chị đứng bên cạnh hướng dẫn để con tự ăn tự tắm tự dọn đồ chơi, tự đánh răng, mặc quần áo, tắm rửa trở thành thói quen tự lập.
Nhờ được mẹ rèn giũa mà giờ đây bạn lớn nhà chị Chi 5 tuổi rất tự lập, hoàn toàn tự làm những việc cá nhân không cần giám sát như: ăn, đánh răng, tắm, trông em, chuẩn bị đồ đạc...
Những khi con mè nheo yêu cầu mẹ xúc cho ăn, dù rất thương con nhưng chị vẫn giữ nguyên lập trường và nói: "mẹ không xúc đâu con có thể quyết định ăn hay không thì tuỳ!". Chị cho rằng, bình thường người lớn tự tạo ra rào cản cho chính mình và con nhỏ, mặc định cho chúng rằng các con còn nhỏ, yếu nên việc đó quá khó với con trong khi con có thừa khả năng để tự làm được những đơn giản nhẹ nhàng.
“Khi mà con đã tự túc làm được những việc tự phục vụ bản thân, mẹ sẽ có cả một tá thời gian để làm những việc khác! Hãy làm những người mẹ "lười" và "nghèo" để các con được tự trưởng thành” – bà mẹ trẻ cười chia sẻ.
Mẹ cho con vẽ tranh bán để trải nghiệm và trân quý giá trị lao động
Bé Cherry là một đứa trẻ rất mê vẽ, có thể vẽ suốt cả ngày. Tuy nhiên con thuộc nhóm tính cách thiên hướng tình cảm, nên khá nhạy cảm và đôi khi lo lắng rụt rè. Một lần ngồi xuống nói chuyện với con, chị Chi hỏi rằng con thích mua gì? Con nói thích “xe bí ngô”, sau đó đó chị nói con có thể tự vẽ tranh bán, sau đó lấy số tiền đó để mua những thứ con muốn.
Từ ý tưởng của mẹ con đã quyết định đi bán tranh của mình tự vẽ để kiếm tiền mua "xe bí ngô" giống trong truyện cổ tích. Song đến khi kiếm được tiền rồi con lại không thích xe bí ngô nữa, con nhét lợn và dự định trích một phần tiền đó để làm từ thiện.
Để giúp một đứa trẻ đi từ hành động đến nhận thức là cả một quá trình dài, những lúc con nhụt chí hoặc chán nản, chị lại khích lệ con gái: “Con làm tốt lắm, cố gắng lên nào”. Qua những câu động viên của cha mẹ, giờ đây vẽ với cô bé như một đam mê.
Chứng kiến một bà mẹ đứng đầu một doanh nghiệp riêng về nội thất để con vẽ tranh bán lấy tiền mua những thứ mà con thích, không ít người bàn tán cho rằng: “Sao cho con kiếm tiền sớm như vậy”, “Tuổi này không phải là tuổi kiếm tiền?”. Thế nhưng, số đông đã hiểu sai mục tiêu của người mẹ trẻ. Chị Chi cho biết, việc cho con làm quen với việc đi ra phố vẽ tranh và tự bán cho du khách không nhằm mục đích để con kiếm tiền, bà mẹ hy vọng trang bị cho con những trải nghiệm, từ đó con hiểu được giá trị sức lao động và biết trân quý đồng tiền.
Vốn là người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nên mọi chi tiêu chị Chi đều rất chi tiết. Chị cũng ít khi mua đồ chơi, quần áo cho con mà thường tận dụng đồ của bé lớn. Nếu mua thì sẽ cất đi đợi dịp mới tặng. Một lần Cherry rất thích chiếc gối ôm hơn 100 nghìn đồng, chị Chi nói "đắt lắm, mẹ không mua được" và hẹn sẽ kiếm tiền, tặng vào dịp sinh nhật 5 tuổi.
Nói về việc bản thân “giả nghèo” hay “giả lười” để rặn dạy các con, mẹ 8X giải thích: "Giả lười ở đây là để con không thụ động, ỷ lại, tự tìm câu trả lời cho mình. Giả nghèo là kìm hãm mong muốn của con, rèn cho con sự nhẫn nại và quý trọng những gì mình có".
Cách dùng "nghèo và lười" với hai con của Chi khiến ông bà nội sống chung bao lần xót cháu. Nhớ có lần con bị ngã sưng một cục to trên trán. Ông bà định đến an ủi và giúp cháu, nhưng chị đã trấn an ông bà, đồng thời yêu cầu con tự lấy đá chườm. Sau đó con phải tự dọn dẹp những thứ đồ mà con bày ra.
Nhìn từ chính hành trình dạy dỗ con cái của mình, nữ giám đốc nhấn mạnh, phụ nữ vẫn có thể làm được rất nhiều việc mà vẫn có thể dạy dỗ con chu đáo. Việc của chúng mình cần làm là trở thành tấm gương lao động và sống cho con cái, luôn bên cạnh dõi theo nhưng để con tự làm những việc của mình. Dạy con biết quý trọng sức lao động và giá trị của đồng tiền. Hãy luôn sẵn sàng để bất cứ khi nào con ở xa bạn, hay có biến cố lớn xảy ra, chúng vẫn có thể tự lo được cho mình.