Bài viết này sẽ cho chị em cái nhìn thấu đáo hơn về việc "thôi hay tiếp" vì tương lai của con cái.
Con người luôn hướng đến sự vĩnh cửu trong tình cảm, tuy nhiên sự thật lại không khá phũ phàng: Ngay cả những cuộc hôn nhân bền vững nhất cũng có thể sụp đổ với tỷ lệ 1:4 - nghĩa là, cứ 4 cặp vợ chồng thì 1 cặp có khả năng cao sẽ ly hôn.
Nếu đường ai nấy đi trong sớm chiều để mỗi người tạo ra tổ âm riêng thì không có vấn đề gì lắm. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ trở nên cực kỳ phức tạp nếu các cặp đôi đã sinh con. Trên lý thuyết, trẻ em cần lớn lên trong vòng tay của cha mẹ để được phát triển một cách toàn diện. Nhiều cặp đôi đã tự hỏi, liệu cố gắng ở bên nhau vì tương lai của con cái có phải là lựa chọn tốt nhất?
Dưới đây là 10 điều sẽ xảy ra khi hi sinh hạnh phúc của bản thân cho tương lai của con trẻ, và một số trong đó rất đáng báo động.
1. Tạo ra tiền lệ xấu "không dám đấu tranh vì hạnh phúc" cho con trẻ
Cách hành xử của cha mẹ chiếm vai trò lớn trong việc hình thành nhân cách của trẻ.
Một khi trẻ em trông thấy cha mẹ mình không dám đứng lên tìm hạnh phúc hoặc âm thầm chịu đựng đau khổ mà chẳng có lối thoát - chúng sẽ cho rằng đấu tranh vì hạnh phúc của bản thân là việc khó khăn, thậm chí gây nguy hiểm và chỉ đem đến sự thất vọng.
Cha mẹ nên cho trẻ hiểu rằng, mỗi người chỉ sống 1 lần thôi và chúng ta phải nỗ lực để vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, một khi đã không thể cứu vãn nổi tình hình thì phải đứng dậy và bước đi.
2. Có thể khiến trẻ sợ hãi tương lai
Ngay cả khi cha mẹ tránh cãi vã, ẩu đả trước mặt con - chúng sẽ vẫn nhận ra điều gì đó không đúng đang diễn ra, thậm chí cảm thấy sợ hãi tương lai khi trở thành người lớn.
Trẻ con, tưởng như không biết gì nhưng biết rất nhiều đấy! Có thể chúng chưa hiểu nổi điều gì khiến cha mẹ chia lìa, nhưng sẽ lo lắng khi không biết nên quyết định ở với ai. Việc cha mẹ cứ mãi gắng gượng ở bên nhau dù không hạnh phúc sẽ vô tình khiến trẻ trở thành người thiếu chủ động, không dám nói ra ý kiến vì sợ làm nghiêm trọng thêm tình hình.
Giao tiếp chính là chìa khóa cho sự ổn định cảm xúc của trẻ. Ngoài ra, cha mẹ nên giải thích cho trẻ những gì đang diễn ra nhưng đừng quên khẳng định, dù thế nào vẫn sẽ làm mọi cách để con được hạnh phúc.
3. Trẻ có thể bị tổn thương tâm lý vì sự kiểm soát và bảo vệ quá mức của cha mẹ
Khi một cuộc hôn nhân tồn tại trong gắng gượng chỉ vì con cái, cha mẹ sẽ dễ dàng quên đi cuộc sống của chính mình. Trên thực tế, nhiều cặp đôi đã bắt đầu thao túng hoặc kiểm soát con cái quá mức - bởi vì đã từ bỏ hạnh phúc cá nhân và trong tiềm thức, họ luôn mong muốn được đền đáp.
Dù chọn cách đi tiếp hay chia lìa, hãy để con trẻ được tự do lớn lên trong phương pháp giáo dục đúng đắn.
4. Trẻ không thấy an toàn hoặc không nhận được sự quan tâm đúng đắn
Sự phẫn nộ và những tiếng cãi vã có thể hằn sâu trong tâm trí, khiến trẻ như ngồi lên một "quả bom hẹn giờ" có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Như vậy, chúng sẽ cảm thấy thiếu an toàn và không chắc chắn về việc cha mẹ sẽ bảo vệ và luôn ở bên cạnh mình.
Dù hôn nhân rạn nứt, trách nhiệm của người làm cha mẹ là che chở con khỏi những vấn đề mà chúng chưa thể tự mình giải quyết.
5. Trẻ phải đối mặt với những vấn đề về thể chất lẫn tinh thần
Brightside dẫn một nghiên cứu khẳng định, trẻ em sống trong môi trường thù địch, thậm chí mối bất hòa của cha mẹ không rõ rệt - vẫn khiến chúng phải gánh chịu nhiều vấn đề tiêu cực về >sức khỏe lẫn tinh thần.
Sự căng thẳng này gây ra mất cân bằng hormone, tăng nhịp tim, khó ngủ và nhiều vấn đề tâm lý khác mà nghiêm trọng nhất là trầm cảm. Ngay cả khi cha mẹ không lôi con vào xung đột, điều này vẫn không khiến tình hình sáng sủa hơn.
6. Trẻ không được chứng kiến sự lạc quan trong quan hệ tình cảm
Trên thực tế, nhiều gia đình "truyền" lại sự tiêu cực trong hành vi, lẽ sống từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Khi đứa trẻ lớn lên trong một gia đình tan vỡ, chúng có thể sẽ gặp khó khăn trong việc tạo dựng mối quan hệ lành mạnh và cân bằng. Thậm chí, câu nói "làm tất cả vì con" cũng trở thành rào cản trong việc kiếm tìm hạnh phúc đích thực - vì trẻ cho rằng, ý kiến và cảm xúc của bản thân là điều gì đó không quan trọng và hi sinh tất cả vì con cái là điều cần thiết.
Do đó, trẻ chỉ biết làm theo những "tiêu chuẩn sẵn có trong gia đình" và không dám định đoạt hạnh phúc cá nhân.
7. Con trẻ sẽ cảm thấy tội lỗi khi trở thành vật cản giữa cha mẹ
Khi cha mẹ không hạnh phúc nhưng vẫn cố chung sống, con cái sẽ vô tình cảm thấy bản thân là tội nợ khiến hôn nhân tan vỡ, thậm chí là lý do gây ra mọi mối bất hòa.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh trẻ em là nhóm đối tượng cực kỳ nhạy cảm, thường có xu hướng đổ lỗi cho chính bản thân. Điều này để lại nhiều hậu quả như thiếu lòng tự trọng hoặc tự làm hại bản thân.
Cha mẹ nên làm rõ việc: Dù có ra sao thì cũng không ảnh hưởng đến tình yêu dành cho con cái, và chúng không phải người chịu trách nhiệm cho sự đổ vỡ.
8. Trẻ không học được cách xử lý xung đột
Trẻ em giống như một tờ giấy trắng, một tấm gương phản chiếu lại hành vi của cha mẹ.
Nếu người làm cha mẹ không giải quyết những xung đột mà để chúng tồn tại một cách dai dẳng, trẻ sẽ vô tình học theo và làm như vậy trong tương lai. Thậm chí, coi việc giữ im lặng, kìm nén cảm xúc nhưng không giải quyết vấn đề là chuyện chấp nhận được - vô tình gây nên nhiều vấn đề trong giao tiếp của trẻ.
Cha mẹ nên cho con hiểu rằng, mọi mối quan hệ đều có lúc thăng trầm. Điều quan trọng chính là đôi bên cùng cảm thấy dễ chịu.