Cha mẹ có thể quá bao bọc con khi chơi bên ngoài nhưng đôi khi, những nguy hiểm cho trẻ nhỏ lại tiềm ẩn ngay trong nhà mà cha mẹ không biết.
Cha mẹ cần giám sát chặt chẽ các bé và nhận thức để phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ em.
Dưới đây là những việc mà cha mẹ thường chủ quan cho là an toàn, nhưng thực tế tiềm ẩn nhiều rủi ro gây hại cho trẻ nhỏ.
1. Để trẻ chơi các trò thể thao nguy hiểm
Cho trẻ chơi thể thao có nhiều lợi ích, nhưng có những môn thể thao tiềm ẩn nhiều rủi ro cho trẻ nhỏ.
Theo bác sĩ bệnh học pháp y Bennet Omalu, những môn thể thao không nên cho trẻ chơi là bóng bầu dục, khúc côn cầu trên băng, võ thuật tổng hợp, đấm bốc, đấu vật, bóng rugby,...
Các trò này khiến trẻ dễ bị tổn thương đầu và não bộ.
Bên cạnh đó, các hoạt động tác động mạnh có thể gây ảnh hưởng cột sống, gây chấn thương nghiêm trọng, theo thời gian có thể gây vẹo cột sống.
2. Để trẻ ngồi ở tư thế chữ W
Tư thế chữ W rất phổ biến ở trẻ khi ngồi chơi trên sàn nhà, vì tư thế này khiến trẻ thấy thoải mái. Tuy nhiên đây là tư thế ngồi nguy hiểm mà bác sĩ khuyên cha mẹ nên uốn nắn cho con ngay.
Trong một phỏng vấn, bác sĩ xương khớp Avni Trivedi cho biết tư thế này đang trở thành \"đại dịch >sức khỏe mới\" có thể ảnh hưởng sự phát triển khớp chân và xương hông của trẻ, làm yếu cơ thân, tăng áp lực lên lưng, cổ, vai.
3. Cho trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi, xem điện thoại, máy tính bảng
Trẻ em ngày nay xem điện thoại, máy tính ngày càng nhiều hơn. Bác sĩ cảnh báo cha mẹ cần giảm thời gian trước màn hình của trẻ xuống càng ít càng tốt vì ánh sáng xanh phát ra từ màn hình có thể gây hại cho trẻ.
Tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh gây triệu chứng đau đầu, đau cổ, vai, khô và ngứa mắt. Không những vậy nó còn ảnh hưởng về tâm lý như giảm sự chú ý, hành vi kém và khó chịu. Nó cũng ảnh hưởng đến chu kỳ ngủ và thức dậy, khiến trẻ mệt mỏi, không có năng lượng.
4. Để trẻ ngồi trên đùi cha mẹ chơi cầu trượt
Phần lớn cha mẹ nghĩ rằng khi chơi cầu trượt với con, để con ngồi lên đùi mình sẽ an toàn hơn. Tuy nhiên đây lại là điều nguy hiểm có thể gây tổn thương chân của trẻ.
Bác sĩ nhi Diane Arnaout giải thích, sức nặng của cha mẹ khiến tốc độ trượt xuống nhanh hơn, do đó nếu chẳng may xảy ra sự cố, trẻ sẽ bị thương nặng hơn.
5. Để trẻ đứng trên ghế
Đây là một trong những lý do phổ biến nhất gây thương tích ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Trẻ nhỏ luôn hiếu động và thích leo trèo, nất là leo trèo trên ghế. Tuy nhiên ngã từ ghế cao chính là một nguyên nhân phổ biến gây chấn thương đầu, chấn động ở trẻ.
Chỉ tính riêng ở Mỹ, mỗi giờ lại có một trẻ bị thương tích do ngã từ ghế cao. Do đó các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ khi cho trẻ ngồi ăn trên ghế, không nên cho trẻ đứng lên. Bên cạnh đó luôn giám sát trẻ vì có nguy cơ trẻ đạp chân vào bàn khiến ghế bị đổ.
6. Cho trẻ chơi bạt nhún (trampoline)
Bạt nhún (Trampoline) được nhiều trẻ thích chơi, tuy nhiên trò chơi này có thể gây >nguy hiểm cho trẻ.
Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ khuyên không nên lắp đặt bạt nhún trong nhà, do thương tích ở trẻ vì bạt nhún xảy ra khá thường xuyên, bao gồm gãy xương, chấn thương đầu, chấn động, nặng hơn có thể làm tổn thương não, thậm chí tử vong.
7. Để trẻ đi xe đạp không đội mũ bảo hiểm
Đi xe đạp là một trong những hoạt động yêu thích của trẻ nhỏ, khiến trẻ có cảm giác độc lập, tự do và vui vẻ. Tuy nhiên tai nạn khi đi xe đạp có thể nguy hiểm không kém các phương tiện khác.
Do đó trẻ nhỏ đi xe đạp nên đội mũ bảo hiểm để bảo vệ đầu phòng trường hợp bị ngã. Cũng không nên cho trẻ nhỏ đi xe đạp một mình. Cha mẹ có thể đạp xe cùng con để giám sát con, cũng như dành thời gian bên con.