Dù không muốn nhưng vì cuộc sống mưu sinh, nhiều bố mẹ buộc phải gửi trẻ cho ông bà chăm sóc. Đặc biệt là những đứa trẻ tuổi từ 3 - 5 rất dễ bị ảnh hưởng bởi lời nói của người lớn, và một trong số đó có thể tạo tư duy lệch lạc, ảnh hưởng đến sự trưởng thành của trẻ.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho công việc, hầu hết bố mẹ đều chọn cách gửi trẻ cho ông bà trông chừng. Mặc dù ông bà luôn là người dành nhiều tình thương cho trẻ, nhưng xét về mặt giáo dục, vẫn có những vấn đề khiến các bậc phụ huynh đau đầu. Trên thực tế, trong cuộc sống hằng ngày, ông bà vô tình nói ra những lời có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, vì vậy bố mẹ cần lưu ý và chia sẻ quan điểm này cùng ông bà, tránh nói những câu này trước mặt trẻ.
Mẹ không cần cháu đâu, đến đây chơi cùng bà!
Đa số người lớn tuổi nào cũng sẽ nói câu này với cháu cưng của mình. Mặc dù chỉ là câu nói đùa vui, nhưng trẻ sẽ không thể phân biệt được. Câu nói này khiến trẻ cảm thấy buồn và luôn có cảm giác bất an trong lòng. Chúng sẽ không ngừng tự hỏi, tại sao bố mẹ lại không cần chúng? Tất nhiên, trong cuộc sống vẫn có những trường hợp như thế, nhưng câu nói này sẽ làm tổn thương đến tâm hồn ngây thơ của chúng.
Cháu không nghe lời, cảnh sát đến bắt đấy!
Không chỉ có ông bà mà bố mẹ cũng thường dùng câu nói này để dọa bọn trẻ mỗi khi chúng không nghe lời. Câu nói tưởng chừng như vô thưởng vô phạt nhưng có thể gây ra hiểu lầm đối với trẻ con mà phụ huynh vô tình bỏ qua. Trên thực tế, cảnh sát đại diện cho công lý, bảo vệ người dân. Câu nói "cảnh sát đến bắt đấy" sẽ khiến cho trẻ sợ hãi. Nếu chẳng may chúng gặp điều xấu thì sẽ không dám tìm đến cảnh sát vì chúng sợ rằng mình cũng gặp nguy hiểm.
Cháu nó còn nhỏ, có gì to tát lắm đâu...
Nhiều phụ huynh lấy cớ trẻ con còn nhỏ, không biết gì nên có thể bỏ qua tất cả. Nhưng trên thực tế, đây là điều sai lầm trong sự giáo dục. Người lớn đã vô tình bỏ qua ý thức giáo dục khi trẻ con nhỏ. Điều người lớn cần làm là phải cho chúng cái gì đúng, cái gì sai. Phận làm cha mẹ, ông bà đều yêu thương và bảo vệ con trẻ, nhưng nếu trẻ thật sự không ngoan thì phải dạy dỗ, khuyên răn, không nên che đậy lỗi lầm, điều này sẽ khiến nhân cách của trẻ phát triển không tốt.
Cái sàn này làm cháu đau à, đánh nó nhé!
Khi một đứa trẻ bị ngã hầu hết ông bà đều nhanh tay đỡ dậy và việc làm sau đó là đổ lỗi sàn nhà. Trong phương pháp giáo dục, đây là câu nói có ảnh hưởng xấu đến đứa trẻ. Việc đổ lỗi bừa bãi sẽ làm cho đứa trẻ học cách trốn tránh trách nhiệm. Sau này khi lớn lên, mỗi khi phạm sai lầm, chúng sẽ tìm cách đổ lỗi và không tự vấn bản thân mình. Vì vậy, nếu đứa trẻ chẳng may bị ngã, người lớn nên để chúng tự đứng lên, không đỡ và dạy chúng trước khi đổ lỗi cho người khác thì phải xem lại bản thân mình.
Cháu ai mà giỏi thế này?
Ai mà không tự hào về con về cháu. Tuy nhiên, những lời khen thái quá và tình yêu mù quáng, nghĩ rằng con mình, cháu mình là nhất, không ai có thể so sánh, sẽ khiến đứa trẻ trở nên kiêu ngạo, tự mãn. Trong cuộc sống hằng ngày, ông bà thường không thể đứng ở vị trí khách quan để đánh giá đứa trẻ khác và trong mắt họ, cháu mình là tuyệt vời. Dù sao đi nữa, bố mẹ cũng cần chia sẻ để ông bà hạn chế nói điều này vì dễ ảnh hưởng đến tư duy và suy nghĩ của đứa trẻ.
Đứa trẻ đó hư lắm, cháu đừng chơi cùng nhé!
Trẻ con rất vô tư, chúng chỉ cần người chơi cùng, trong thế giới của chúng không có bạn xấu, bạn tốt. Vì vậy, người lớn không nên dùng suy nghĩ chủ quan của mình để đánh giá đứa trẻ khác. Thay vì nói những điều này, ông bà hay bố mẹ chỉ cần ngăn cản trẻ tiếp xúc với những đứa trẻ hư, tạo điều kiện để chúng gặp gỡ những người bạn khác tốt hơn, và tuyệt nhiên không phán xét về đứa trẻ khác trước mặt con cháu của mình.
Đừng nói cho mẹ cháu biết!
So với ông bà, bố mẹ sẽ nghiêm khắc hơn. Ví dụ, bố mẹ không cho con ăn quà vặt, không cho con chơi điện thoại, nhưng khi ở với ông bà, chúng lại được làm những điều đó. Lúc này, ông bà thường dặn rằng không nói cho bố mẹ biết nhé. Trên thực tế, câu nói này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ đứa trẻ. Trong mắt chúng, bố mẹ là những người đáng sợ và ở với ông bà sung sướng hơn nhiều. Bằng cách này, những đứa trẻ không chỉ học cách nói dối, mà sẽ có thể làm những điều không tốt trong tương lai.