Việc trẻ có những hành động, những trạng thái không đúng mực là điều cha mẹ sẽ thường xuyên gặp phải. Khi trẻ trở nên bướng bỉnh như vậy cha mẹ nên làm gì?
1. Bình tĩnh và đừng làm quá mọi việc lên
Bạn có thể dễ mất bình tĩnh khi mà con cái mình cư xử thô lỗ, nhưng đừng vội vàng trút lên trẻ sự thất vọng hay những lời mắng chửi.
Trong những tình huống này, bạn cần kiểm soát tâm trạng của mình, thay vì phản ứng thái quá như la hét, quát tháo trẻ thì hãy ngồi xuống trò chuyện, làm dịu tâm trạng của chính bạn và con bạn.
2. Đặt bản thân mình vào vị trí của con
Hãy suy nghĩ như một đứa trẻ chứ đừng vội áp dụng tư duy của người lớn. Trẻ khó chịu có thể từ những hành vi rất nhỏ nhặt như mệt mỏi hoặc bị đói. Với những đứa trẻ lớn hơn thì có khi đó là chúng đang phải chịu áp lực nào đó.
Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng trẻ con cũng chịu đựng những căng thẳng của riêng chúng. Đó là lý do tại sao bạn cần trò chuyện và hiểu lý do tại sao con mình làm sai, nguồn gốc câu chuyện là từ đâu…
3. Nói ra mong muốn của bạn với con
Khi đứa trẻ đang tức giận và hành động khó chịu thì có bao giờ bạn nghĩ tới việc thể hiện tình yêu và sự âu yếm với chúng? Đó thực sự là điều mà trẻ cần nhất vào lúc đó. Trẻ còn quá nhỏ để biết đúng sai hoặc biết cách kiềm chế tâm trạng của mình.
Đôi khi chúng nghĩ về những hành động của mình là tự nhiên và bình thường. Khi đó, trách nhiệm của cha mẹ là thảo luận, trò chuyện đúng sai với con và đừng quên nói cho con biết bạn mong đợi điều gì ở chúng.
4. Đặt ra giới hạn và nói cho con nghe về những hậu quả
Những đứa trẻ không vâng lời là vì chúng thường không biết giới hạn thực sự của hành động của mình, không biết dừng lại ở đâu. Do nuông chiều con mà một số bậc cha mẹ lại không vạch rõ cho con biết giới hạn của mình.
Hãy đặt ra các quy tắc giữa hai bên, rằng hành động xấu sẽ dẫn tới những hậu quả thế nào, còn hành động tốt thì trẻ sẽ được động viên, khen ngợi hay có phần thưởng…
5. Chú ý kết hợp những cách sử xự tốt
Phạt con bằng cách đánh đòn hoặc ngăn cản một số sở thích của trẻ thì không phải là ý kiến hay. Hãy trò chuyện và giảng giải cho trẻ, có thể lấy ví dụ từ những câu chuyện tốt để trẻ hiểu được phải hành xử tốt trong những dịp thế nào.
Câu chuyện đó có thể xuất phát từ những người gần gũi trong gia đình hay những người tiếp xúc, gặp gỡ với trẻ hằng ngày. Như thế chúng sẽ có thời gian quan sát, kiểm nghiệm và từ đó thấm dần thói quen hành xử hợp lý hơn.
6. Hãy luôn nhớ về việc tôn trọng trẻ
Trẻ em rất cần được tôn trọng, đó là nhu cầu tự nhiên. Đừng nghĩ rằng chúng ta là cha mẹ và buộc trẻ phải tôn trọng và nghe lời. Làm cha mẹ cũng cần tôn trọng những giới hạn của trẻ.
Từ sự tôn trọng đó có được sự tin tưởng của các con và khiến các con sẵn sàng lắng nghe khi chúng ta có nhu cầu muốn trò chuyện nghiêm túc, giảng giải cho trẻ.
7. Luôn là người làm gương cho trẻ
Điều này cũng không kém phần quan trọng, đó là bản thân bạn hãy thực hành đúng những gì mình nói với trẻ. Hãy nhớ rằng trẻ luôn quan sát và học theo bạn.
Nếu cấm trẻ sử dụng điện thoại thì chính bạn cũng phải đặt điện thoại xuống, cấm trẻ coi TV nhiều thì bạn phải dành thời gian trò chuyện với trẻ thay vì các chương trình trên TV…