Đôi khi những hành động cha mẹ vẫn hay làm lại khiến trẻ trở nên tự ti, mặc cảm về bản thân. Phụ huynh hãy kiểm tra ngay liệu mình có mắc sai lầm không nhé!
1. Thường xuyên la mắng con
Theo một nghiên cứu của Đại học Pittsburgh được thực hiện vào năm 2013, mắng nhiếc, chửi rủa hay dùng lời sỉ nhục có thể gây hại cho sự phát triển và thành công của trẻ con khi chúng lớn lên. Theo đó, các chuyên gia phát hiện việc mắng nhiếc cũng gây ảnh hưởng tiêu cực chẳng kém so với phạt con bằng đòn roi. Trẻ hoàn toàn có thể xuất hiện các triệu chứng trầm cảm và vấn đề về hành vi.
"Đây thực sự là một bài toán khó cho bố mẹ. Trẻ có hành vi không tốt khiến phụ huynh phải thốt ra những lời mắng nhiếc song cách phạt này lại có thể đẩy những đứa con tuổi vị thành niên của họ đến những vấn đề hành vi tương tự", tác giả nghiên cứu chia sẻ.
2. Bao bọc con quá mức
Bao bọc con, bảo vệ con trong vòng tay của mình là cách thể hiện tình yêu của nhiều bậc cha mẹ. Nhưng sự bao bọc thái quá vô tình sẽ ngăn cản con khám phá những điều mới lạ, những trải nghiệm thú vị. Dần dần, trẻ sẽ không có tự tin để đối mặt với thử thách, chướng ngại hay vấp ngã cuộc đời.
Cha mẹ chỉ nên coi mình là người dẫn đường thông thái chứ không phải người vệ sĩ. Hãy để con được sống, được thỏa sức tiếp cận với thế giới xung quanh.
3. Kỳ vọng quá lớn
Sự kỳ vọng của cha mẹ với con cái giống như một con dao hai lưỡi. Nếu có chừng mực, đó sẽ là nguồn động lực để con cố gắng. Ngược lại, kỳ vọng quá mức sẽ khiến con trẻ sẽ không còn muốn nỗ lực nữa vì chúng tin rằng mình chẳng bao giờ làm được.
Vì vậy, việc cha mẹ nên làm là đặt ra cho con những mục tiêu cụ thể và rõ ràng trong từng giai đoạn thay vì mong đợi vào những thứ xa vời. Chẳng hạn như việc bạn muốn con giành học bổng đi du học. Vậy thì đầu tiên, hãy giúp con đặt mục tiêu ngắn hạn, ví dụ như tham gia các hoạt động ngoại khóa, đạt điểm số tốt, điểm thi Ielts cao…
4. Không để con mắc sai lầm
Không một cha mẹ nào muốn thấy con thất bại hay bị từ chối. Thường thì khi điều này xảy ra, các bậc phụ huynh sẽ ngay lập tức tới "giải vây" trước khi con "ngã đau".
Tuy nhiên mỗi một sai lầm con mắc phải chính là một lần tôi luyện ý chí, xây dựng tính cách mạnh mẽ, không ngại khó mà con cần phải có trong tương lai. Dù con có trả lời sai vài câu trong bài kiểm tra Toán hay chơi chưa tốt trong một trận bóng thì đó cũng là một bài học đáng nhớ cho con. Không ai hoàn hảo, không ai không phạm sai lầm, quan trọng là thái độ sau khi vấp ngã. Vậy nên, cha mẹ đừng ngăn cản con mắc lỗi trừ khi bạn không muốn con thực sự trưởng thành và biết đứng lên sau thất bại.
5. So sánh
Có một thời câu nói “con nhà người ta” như câu cửa miệng của người Việt Nam mỗi khi so sánh. Điều này bắt nguồn từ thực tế phổ biến trong nhiều gia đình, cha mẹ thường nghĩ rằng việc so sánh con với người nào đó có thành tích tốt sẽ giúp con nỗ lực và cố gắng hơn.
Nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại. Bởi điều này sẽ khiến đứa trẻ bị tổn thương, khiến chúng luôn cảm thấy buồn phiền, chán nản vì không đáp ứng được những mong muốn của bố mẹ. Cứ thế, chúng càng ngày càng mặc cảm về bản thân và để sự mặc cảm ấy lấn chiếm toàn bộ tâm trí.
Do đó, thay vì nhìn vào điểm yếu của con để so sánh với điểm mạnh của người khác, cha mẹ cần tập trung vào những điểm tích cực của con và giúp con phát triển nó. Hãy nhớ rằng bất cứ một cá nhân nào cũng đều có khả năng riêng, thế mạnh riêng.
6. Trừng phạt thay vì kỷ luật
Khi phạm phải sai lầm nghiêm trọng, trẻ cần chịu một hình thức kỷ luật nào đó. Tuy nhiên, trừng phạt và kỷ luật là hai điều khác nhau. Cha mẹ có thể khiến con trẻ cảm thấy chúng là người tồi tệ khi bị trừng phạt trong khi thực tế, sai lầm của trẻ chỉ nên bị kỷ luật mà thôi.
Hiểu một cách đơn giản, kỷ luật giúp trẻ nhìn nhận được lỗi sai của mình và có thể đưa ra những lựa chọn thông minh, đúng đắn hơn trong tương lai, còn trừng phạt sẽ khiến trẻ nghĩ chúng không thể làm điều gì tốt đẹp hơn.