Tăng Quốc Phiên luôn chú ý mọi hành động, lời nói của mình và cũng dặn dò con cháu trong nhà như vậy.
Tăng Quốc Phiên (1811 – 1872), tên tự là Bá Hàm, hiệu là Điều Sinh, người Tương Hương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Ông được biết tới là một trong số những trọng thần nổi bật vào giai đoạn cuối của vương triều Mãn Thanh và cũng là nhà tư tưởng ái quốc nổi tiếng của Trung Quốc cận đại.
Trong hơn 200 năm qua, có hàng trăm người thuộc con cháu của Tăng Quốc Phiên đạt được thành công nổi bật trong các lĩnh vực học thuật, công nghệ và văn hóa. Trải qua 10 thế hệ, đến nay cả một gia đình lớn như vậy vẫn giữ được phép tắc.
Tăng Quốc Phiên luôn chú ý mọi hành động, lời nói của mình và cũng dặn dò con cháu trong nhà như vậy. Dưới đây là 6 nguyên tắc vàng trong lời ăn tiếng nói mà gia tộc Tăng Quốc Phiên vẫn luôn tuân theo.
1. Chú ý đến cách nói, không nên quá thẳng thắn
Nhiều người cho rằng nói thẳng không có gì là sai, thường xuyên buột miệng nói mà không suy nghĩ. Người đó có thể cảm thấy mình là người sống thoải mái, thoáng đạt, nhưng trong mắt người khác, người đó có thể vô tình làm tổn thương người khác. Ai cũng có lòng tự trọng và hư vinh của bản thân, nếu nói năng quá thẳng thừng, không suy xét đến hoàn cảnh của người khác, sẽ dễ dàng lâm vào hoàn cảnh khó xử, làm cho mọi người đều không vui.
Nếu như cách nói chuyện không phù hợp thì cho dù lời nói có thật lòng, có giá trị đến đâu đi nữa cũng sẽ không lọt tai người nghe, như vậy là không đạt được giá trị giao tiếp, phí công vô ích.
Còn nói một cách nhẹ nhàng uyển chuyển, không cứng rắn gượng ép sẽ khiến người nghe thấy được sự tôn trọng, tạo không gian cho đối phương, ổn định cảm xúc của đối phương, từ đó có thể giúp kéo dài cuộc trò chuyện.
2. Không nói lan man
Cuộc nói chuyện nên được tập trung vào đúng vấn đề, tránh nói lan man sang những chuyện ngoài lề. Người đời có câu: "Kẻ nói vô tình, người nghe hữu ý". Ai biết được những câu chuyện ngoài lề vô thưởng vô phạt của mình bị người nghe hiểu thành cái gì. Tam sao thất bản, khó tránh được lời nói bị hiểu sai. Nói không chừng còn mang lại những rắc rối không đáng có.
3. Không tùy tiện nói những lời ngông cuồng
Khi giao thiệp với người khác, chân thành, thành thực luôn là ưu tiên hàng đầu, còn những lời ngông cuồng tự đại thì không cần phải nói, nếu nói ra sẽ khiến người khác ghét hơn. Cũng không cần dễ dãi nhận những việc bản thân không thể làm được, như vậy sau này trở thành người thất hứa, sẽ đánh mất niềm tin của người khác vào mình.
4. Ít phàn nàn
Trong cuộc sống, chúng ta sẽ luôn gặp phải những người thích phàn nàn, họ phàn nàn bản thân hoặc trách cứ người khác.
Thực ra thì phàn nàn là một chuyện rất vô ích, chẳng có tác dụng giải quyết bất cứ việc gì. Người khác không thích nghe lời mình phàn nàn, ngược lại, chúng ta cũng không thích nghe mãi lời phàn nàn của người khác. Nghe nhiều lời phàn nàn, tâm trạng sẽ trở nên không tốt, nhiễm phải những thái độ tiêu cực với cuộc sống.
Những người thích phàn nàn, hay tức giận, oán trách, không kiên định, khả năng chịu đựng áp lực cũng sẽ giảm đi. Gặp chuyện phiền phức sẽ thích phàn nàn, sẽ cố đổ lỗi cho người khác, trách cứ cuộc đời bất công, khiến bản thân gặp phải cảnh khó khăn, thê thảm. Như thế sẽ dễ biến bạn thành kẻ lười biếng, nhu nhược và yếu đuối.
Vì thế nên, chúng ta không cần cứ mãi ngốc nghếch đi phàn nàn mọi thứ xung quanh, không bằng tĩnh tâm mà suy nghĩ, nghĩ tại sao mình lại thất bại? Có cách nào có thể giải quyết được hay không? Lần sau làm lại liệu mình có thể làm tốt hơn không? Đây mới chính là điều mà chúng ta cần phải làm.
5. Không bàn tán chuyện người khác
Người thông minh thật sự, vào lúc rảnh rỗi sẽ tìm tòi học hỏi nâng cao trình độ và giá trị của bản thân chứ sẽ không lãng phí thời gian và sức lực của mình để bàn tán người khác.
Người hay bàn tán, phàn nàn người khác, thích phóng đại chuyện nhỏ thành chuyện lớn, thì chắc chắn chẳng phải người tốt đẹp gì. Suốt ngày đi bàn luận người khác, rồi sẽ có ngày những lời bàn tán ấy truyền đến tai người đó.
6. Không trách móc nặng lời
Làm người ai cũng có lúc mắc lỗi, vì vậy đừng đòi hỏi người khác quá khắt khe. Chừa đường lui cho người khác, cũng chính là chừa đường lui cho mình trong tương lai.
Tăng Quốc Phiên luôn cố gắng răn dạy con cái qua "Gia thư" rằng làm người phải đôn hậu, lời nói không được nói đến quá mức. Nên tích khẩu đức, tôn trọng người khác, đây là bao dung với người và cũng là bao dung với mình. Những lời mang ác ý, thì chớ nói ra, phải học cách nén lại.