Hầu hết trẻ nhỏ đã bắt đầu đi học trở lại sau thời gian dài nghỉ ở nhà vì dịch COVID-19. Bác sĩ Trần Anh Thắng (Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội) lưu ý 6 điều cha mẹ cần hướng dẫn con để phòng ngừa dịch bệnh.
Là một bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch COVID-19, bác sĩ Trần Anh Thắng (Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội) đồng thời cũng là một người bố của 2 con nhỏ (1 bé học lớp 3 và 1 bé học lớp 6).
Bác sĩ cho biết, dù bận rộn với công việc nhưng vợ chồng anh vẫn phải dành thời gian dạy cho con cách bảo vệ >sức khỏe bản thân, tránh lây nhiễm dịch bệnh, nhất là khi trẻ bắt đầu trở lại trường học.
1. Hình thành cho con thói quen rửa tay và rửa tay đúng cách
Vì cả 2 vợ chồng đều là bác sĩ nên vợ chồng anh Thắng đã hình thành cho con thói quen rửa tay bằng xà phòng và nước sạch từ khi con nhỏ, chứ không phải chờ khi có dịch mới dạy con rửa tay.
Thói quen rửa tay thường xuyên và đúng cách không chỉ giúp trẻ phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 mà còn giúp trẻ phòng ngừa nhiều dịch bệnh khác như tay chân miệng, tiêu chảy, cảm lạnh, cảm cúm, đau mắt đỏ và nhiều bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, tiêu hóa khác.
Mặc dù con đã hình thành được thói quen rửa tay trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, nhưng trong thời điểm dịch bệnh, anh Thắng vẫn luôn nhắc nhở để các con nhớ và hướng dẫn con rửa tay cho đúng cách.
“Dạy con thường xuyên rửa tay và rửa tay đúng cách là điều rất quan trọng mà các bậc phụ huynh nên làm trong mùa dịch.
Bởi trẻ nhỏ thường hiếu động nên tay rất dễ bị bám bẩn. Hơn nữa, do hiếu động, ham chơi nên trẻ hay quên và rất dễ quên đi việc rửa tay trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh mà bố mẹ đã nhắc rất nhiều lần.
Điều quan trọng hơn nữa là không phải trẻ nào cũng biết cách rửa tay cho thật sạch. Đến nhân viên y tế như chúng tôi cũng còn phải học cách rửa tay để rửa cho đúng.
Vậy nên, ở thời điểm dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường, trẻ nhỏ trở lại trường học như hiện nay thì không chỉ bố mẹ mà thầy cô cũng nên xem hướng dẫn rửa tay từ các kênh chính thống như Bộ Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố… để hướng dẫn các con rửa tay đúng cách” - Bác sĩ Trần Anh Thắng chia sẻ.
Rửa tay đúng cách là tuân thủ theo 6 bước hướng dẫn của Bộ Y tế, trong ít nhất 20 - 30 giây bằng xà phòng và nước. Trẻ rửa quá nhanh sẽ không mang lại hiệu quả phòng bệnh. Chỉ cần sử dụng các loại xà phòng thông thường là đủ, không nhất thiết phải dùng các sản phẩm xà phòng kháng khuẩn đắt tiền.
6 điều bác sĩ 115 dạy con khi trở lại trường học để giữ an toàn với dịch COVID-19 2
2. Dạy con các kỹ năng tự chăm sóc bản thân
Khi con trẻ ở nhà thường sẽ có bố mẹ hoặc ông bà chăm sóc nhắc nhở việc ăn uống, ngủ nghỉ, nhưng đi học thì khác, trẻ phải tự biết chăm sóc, bảo vệ bản thân mình.
Vậy nên, việc dạy cho trẻ kỹ năng là rất cần thiết. Bác sĩ Thắng chia sẻ, những điều anh dạy cho các con về cách tự chăm sóc bản thân rất đơn giản như giữ vệ sinh sạch sẽ, ăn uống đầy đủ, ăn nhiều thực phẩm lành mạnh, uống đủ nước, tập thể dục, đeo khẩu trang đúng cách, giữ khoảng cách với bạn bè, không dùng chung đồ dùng cá nhân với bạn…
3. Đeo khẩu trang đúng cách
Trẻ cần được đeo khẩu trang khi trên đường đến trường, đeo đúng cách và tuân thủ giữ khoảng cách với bạn bè (tối thiểu 1,5m) theo khuyến cáo của Bộ Y tế và nhà trường.
Đối với khẩu trang vải:
Che kín cả mũi lẫn miệng.
Tránh sờ tay vào khẩu trang khi đeo.
Tránh dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra.
Khi tháo khẩu trang ra chỉ cầm vào dây đeo qua tai để tháo.
Nên thường xuyên giặt sạch khẩu trang với xà phòng để dùng lại cho lần sau.
Thường xuyên rửa tay với xà phòng để phòng bệnh.
Đối với khẩu trang y tế thông thường:
Đeo mặt xanh ra ngoài, mặt trắng vào trong, kẹp nhôm hướng lên trên.
Che kín cả mũi lẫn miệng.
Tránh dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra.
Khi tháo khẩu trang ra chỉ cầm vào dây đeo qua tai để tháo và cho vào thùng rác.
Thường xuyên rửa tay với xà phòng để phòng bệnh
4. Không che mũi miệng bằng tay khi ho và hắt hơi
Thói quen che mũi, miệng khi ho và hắt hơi là thói quen xấu mà nhiều người mắc phải. Trong khi virus gây bệnh hô hấp lan truyền trong không khí tồn tại trong các giọt nước bọt khi ai đó hắt hơi hoặc ho.
Vì vậy, bố mẹ phải dạy con che mũi miệng khi hắt hơi hoặc ho bằng khăn giấy hoặc ho và hắt hơi vào vị trí bên trong khuỷu tay của mình. Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi ho và hắt hơi.
5. Tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng
Khi trẻ chạm tay hoặc bộ phận khác của cơ thể vào người bị cảm cúm và các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp khác, sau đó chạm vào mắt mũi hoặc miệng của mình, thì virus có thể xâm nhập cơ thể.
Trẻ cũng có thể bị lây một số bệnh truyền nhiễm khác khi chạm tay vào vật mà người bị bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp đã tiếp xúc như tay nắm cửa, lan can, đồ dùng…, rồi sau đó chạm tay vào mắt mũi miệng của mình.
Vậy nên, cha mẹ cũng cần dạy và hình thành cho con trẻ thói quen không chạm tay vào mắt, mũi, miệng để tránh các bệnh truyền nhiễm.
6. Không dùng chung đồ cá nhân với bạn bè
Trẻ nhỏ thường thích chơi chung đồ chơi, dùng chung đồ dùng học tập, ăn uống chung với bạn bè. Mà thói quen này của trẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Vì vậy, cha mẹ cần dạy trẻ biết việc ăn uống chung, dùng chung đồ với bạn có thể làm virus và vi khuẩn dễ dàng truyền qua nước bọt, qua giọt bắn và dẫn tới mắc bệnh, đặc biệt là trong mùa dịch COVID-19, dịch cúm và các dịch bệnh hô hấp khác.
Ngoài các biện pháp kể trên bác sĩ Thắng cũng cho rằng: “Theo quan điểm của tôi, trường học là nơi đông người, vậy nên khi các con trở lại trường học, cha mẹ nên báo cáo lại tình hình sức khỏe của con mình trong thời gian nghỉ học cho giáo viên được biết.
Đặc biệt, những học sinh trong thời gian nghỉ học có đi đến những vùng có người nhiễm bệnh, tiếp xúc với người nghi nhiễm nên thông báo với nhà trường để nhà trường có biện pháp xử lý phù hợp.
Hơn nữa, do thời gian nghỉ khá dài nên không ít bố mẹ tranh thủ cho con đi du lịch, với những trường hợp này, cha mẹ cũng nên thông báo cho thầy, cô giáo để theo dõi sức khỏe trẻ.
Với trẻ nhỏ nhà tôi, tôi vẫn luôn hướng dẫn các con, khi đến trường nếu thấy bản thân hoặc các bạn bên cạnh có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi… thì nói nhỏ cho thầy cô biết để xuống phòng y tế của trường kiểm tra”.
Trẻ nhỏ thường rất hiếu động, mải chơi hay quên nên không phải người lớn cứ dạy, nhắc nhở 1 – 2 lần là trẻ nhớ. Do đó, cha mẹ cần nhắc nhở, dạy bảo trẻ liên tục để con ghi nhớ và tạo thành thói quen tốt, nề nếp trong sinh hoạt để giúp phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh.