Nhiều cha mẹ thường phân vân giữa việc nên cho con đi học mầm non lúc 2 tuổi hay 3 tuổi. Ở mỗi độ tuổi lại có những khác biệt mà cha mẹ nên cân nhắc.

05:00 02/10/2020

Mỗi cha mẹ lại có cách chăm sóc, nuôi dạy, giáo dục con cái khác nhau. Thường thì ai cũng muốn con cái phải giỏi giang, nhanh nhẹn, thông minh, không thua kém ai.

Chính vì tâm lý đó, ngay từ khi còn bé, họ sẽ đăng ký vào các lớp học theo sở thích khác nhau, khi trẻ lớn hơn sẽ được gửi đến nhà trẻ.

Nhiều cha mẹ chọn cho con đi lớp sớm lúc 2 tuổi để bé học được nhiều điều, ngoan ngoãn, nề nếp hơn. Nhưng cũng có cha mẹ chọn mốc 3 tuổi vì nghĩ khi con lớn hơn một chút sẽ khỏe mạnh hơn, học vào hơn.

Vậy có điều gì khác nhau giữa việc đi học mầm non lúc 2 tuổi và 3 tuổi?

1. Về tâm lý độ tuổi

Lúc 2 tuổi, thế giới của trẻ dường như chỉ có ông bà, cha mẹ, trẻ còn bám cha mẹ rất chặt. Với con lúc này, chỉ những người cùng chung sống trong một gia đình, đặc biệt là cha mẹ mới mang lại cho con sự an toàn tuyệt đối.

Đi lớp trong độ tuổi này thì có thể sẽ làm cho con hoảng sợ, mất đi cảm giác an toàn, rất có thể sẽ khiến con trở nên hoảng sợ và xa lánh với mọi thứ xung quanh. Hơn nữa, sự phát triển tâm sinh lý của bé trai thường muộn hơn các bé gái, vì vậy, nếu bạn có con trai thì càng không nên vội đưa con đi mẫu giáo.

Khi con lớn lên một chút, tầm 3 tuổi, lúc này con đã nhận thức rõ hơn về môi trường xung quanh, ý thức được việc đi học là gì, con sẽ không còn cảm thấy sợ hãi và bất an nữa.

2. Khả năng chăm sóc bản thân

Trẻ 2 tuổi phần đa rất non nớt, chưa ý thức được và cũng không tự lập trong việc chăm sóc bản thân, ví dụ như trẻ chưa biết tự ăn cơm, chưa biết tự mặc quần áo, chưa biết tự đi vệ sinh… Khi đi lớp, phụ thuộc hoàn toàn vào cô giáo, trong nhiều trường hợp sẽ rất bất tiện.

Ngược lại, trẻ 3 tuổi đã học được những kỹ năng sống cơ bản, khi đến trường con sẽ thích ứng được rất nhanh, có như vậy mới có lợi cho sự phát triển về mọi mặt của trẻ.

 

3. Khả năng giao tiếp với mọi người xung quanh

Không phải đứa trẻ nào cũng nói sõi và diễn đạt tốt khi mới 2 tuổi. Nhiều bé nói chậm hơn lúc đó mới chỉ đủ để nói những từ đơn giản, bập bẹ.

Vì thế, đưa con tới trường khi con 2 tuổi bé sẽ khó hòa nhập được với các bạn xung quanh do con chưa đủ vốn từ.

Tuy nhiên ở mốc 3 tuổi, trẻ đã nói tốt, không ngọng, không ngập ngừng, vốn từ vựng và khả năng diễn đạt cũng cải thiện rõ rệt. Ngoài ra, khi tính cách bắt đầu hướng ngoại, chúng chủ động kết bạn và rất nhanh nhập hội được với các bạn xung quanh khi đi học.

4. Khả năng tự bảo vệ

Trẻ 2 tuổi thường rất hiếu động, hay chạy nhảy, nô đùa, tuy nhiên bé lúc này chưa thực sự ý thức được hết mối nguy hiểm khi mình đùa nghịch, cô giáo sẽ phải quản thúc rất nghiêm ngặt. Chúng sẽ cảm thấy bất an khi đến một môi trường xa lạ, cô giáo cũng đau đầu vì điều này.

Trẻ 3 tuổi đã cứng cáp hơn nhiều, chúng cũng biết nghe lời, biết nhận thức, khi cô nói đã lĩnh hội được. Ngoài ra, chúng cũng tự nhận thức được nguy hiểm xung quanh mình, vì thế khả năng thích nghi với môi trường mới và những điều mới sẽ tốt hơn.

5. Khả năng miễn dịch

Đây có thể là điểm mấu chốt nhất mà các bậc phụ huynh quan tâm hàng đầu, nguyên nhân là do trẻ đi lớp thời gian đầu rất hay bị ốm.

Trẻ 2 tuổi đề kháng thường kém, dễ ốm vặt, dễ lây bệnh từ các bạn khác. Thậm chí đi học khóc nhiều cũng bị viêm họng, ốm sốt... Tuy nhiên khi trẻ 3 tuổi, đề kháng sẽ tốt hơn, trẻ đỡ ốm vặt hơn thấy rõ.

Nói chung, việc nên cho trẻ đi học mầm non lúc 2 hay 3 tuổi còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện của mỗi gia đình. Nếu cha mẹ quá bận, không thể ở nhà chăm con lâu tới 3 tuổi thì cũng có thể cho trẻ đi từ năm 2 tuổi. Tuy nhiên, xét về mọi góc độ thì trẻ đi học năm 3 tuổi vẫn là lựa chọn tốt nhất cho >sức khỏe cũng như tâm lý của con.

Theo Thạch Thảo/ Gia Đình Mới