Những điều cha mẹ nói hay làm với con có thể gây ảnh hưởng lâu dài. Chuyên gia tâm lý trị liệu cảnh báo những cụm từ cha mẹ không bao giờ nên nói với con.
"Nhà mình không bao giờ đủ tiền mua cái đó."
Nếu một món đồ bạn muốn mua vượt ngoài tầm khả năng hiện tại của bạn, đừng khăng khăng rằng mình không bao giờ có thể có được nó chỉ vì rào cản tiền bạc.
Thay vào đó, hãy cho trẻ thấy bạn có thể kiểm soát tài chính của mình. Cha mẹ có thể nói: "Mục tiêu của bố mẹ là mua một ngôi nhà lớn cho chúng ta. Nhưng vì hiện tại bố mẹ chưa đủ tiền, bố sẽ đi học một số khóa học nâng cao kỹ năng để phát triển trong công việc và tăng thu nhập."
Hoặc nếu con bạn muốn đi chơi, chẳng hạn đi Disney World, có thể nói: "Mình không thể mua vé vì khoản tiền này nằm ngoài dự định chi năm nay của chúng ta". Sau đó có thể cùng con lên mục tiêu tiết kiệm để được đi du lịch.
Khi bạn đã giúp con hình thành thói quen tài chính thông minh, con lớn lên sẽ biết nếu mình muốn mua một thứ ngoài tầm khả năng thì chỉ cần điều chỉnh các ưu tiên.
"Con làm bố/mẹ phát điên."
Là cha mẹ, bạn cần điềm tĩnh và kìm chế để không đổ lỗi cho con cái hay bất cứ ai về những cảm xúc của mình.
Thay vì làm ầm lên trước những hành động của con, hãy phản hồi với con rằng: "Bố/mẹ không thích con làm điều đó" và giải thích vì sao.
Trẻ cần hiểu hành vi của mình ảnh hưởng người khác như thế nào. Nó giúp trẻ nhận thức được về cảm nhận của người khác ngoài chúng.
Ngoài ra, việc bạn giữ bình tĩnh sẽ dạy cho trẻ biết rằng ai cũng có thể kiểm soát cảm xúc của mình, tùy vào cách làm của chúng ta. Điều này giúp trẻ trưởng thành biết suy nghĩ và không đổ lỗi cho người khác để làm mình hài lòng.
Tất nhiên là con người, luôn có những lúc chúng ta không giữ được cái đầu lạnh. Nếu chuyện đó xảy ra, thay vì nói bạn hối tiếc, hãy nói lời xin lỗi: "Bố/mẹ xin lỗi đã nóng giận. Lần sau bố/mẹ sẽ cố gắng bình tĩnh hơn.
"Bố/mẹ ghét công việc của mình."
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, bạn chỉ muốn về nhà và than vãn với vợ/chồng nhưng không may các con có thể nghe được điều này, và thông điệp đó sẽ ảnh hưởng đến con.
Nghiên cứu cho thấy thái độ của chúng ta với cuộc sống ảnh hưởng lớn đến sự thành công của con cái trong tương lai, nhất là về thành tích học tập.
Ngoài ra, phàn nàn về công việc sẽ khiến con nghĩ rằng làm việc không có gì vui. Con tin rằng người lớn phải dành một nửa thời gian thức để đi làm là điều rất khổ sở.
Hãy để con hiểu rằng mỗi người đều có quyền lựa chọn công việc và kể về những niềm vui và ý nghĩa trong công việc bạn làm.
"Bố/mẹ phải đi chợ."
Khi bạn nói mình phải làm gì đó, dù là đi đâu đó, hay ăn tối ở nhà ông bà, nó sẽ khiến người nghe cảm thấy bạn bị ép buộc làm việc bạn không thích.
Thay vì cụm từ này, hãy cho con thấy bạn có thể kiểm soát thời gian của mình. Bạn làm gì, khi nào và như thế nào là tùy vào bạn.
Trẻ lớn lên thành công là những đứa trẻ hiêu rằng cuộc sống phụ thuộc vào lựa chọn của chính mình. Bạn có thể dạy con bài học quan trọng này bằng cách nói "Mẹ không thích đi chợ hôm nay lắm, nhưng mẹ muốn mua đồ ăn dự trữ cho nhà mình tuần tới" hoặc "Mẹ mệt rồi, nhưng mẹ đã nói với bà nội rằng chúng ta sẽ đến nhà bà chơi. Mẹ muốn giữ lời hứa".
Tất nhiên ai cũng có những việc không muốn làm nhưng nên làm, chẳng hạn đi ngủ đúng giờ, ăn rau xanh,...
Trong trường hợp này nên giải thích cho trẻ biết vì sao trẻ được yêu cầu làm việc đó. Khi trẻ hiểu tầm quan trọng của nó, trẻ sẽ dễ nghe lời hơn.
"Mọi chuyện sẽ ổn cả thôi."
Nếu con bạn không được chọn vào đội hình xuất phát một trận bóng, lời an ủi rằng "Mọi chuyện sẽ ổn cả thôi" sẽ chẳng giúp gì cho con trong tương lai.
Thay vào đó, hãy nói với con rằng con đủ mạnh mẽ để đối phó với mọi khó khăn không thể tránh khỏi trong cuộc đời.
Có thể con cần tập luyện thêm. Khi đó hãy an ủi con bằng một cái ôm và nói với con rằng "Bố/mẹ biết con muốn được chọn vào đội, nhưng mình còn nhiều cơ hội lần sau nữa mà."
Sau đó hãy khuyến khích con tập luyện thêm và thử lại khi đã sẵn sàng. Bằng cách hướng dẫn, dẫn dắt con qua giai đoạn khó khăn, con sẽ được trang bị tốt hơn để giải quyết những rắc rối trong tương lai.