Có một thực tế không thể phủ nhận là cha mẹ thường rất hay quát mắng con khi con mắc lỗi, tuy nhiên đây không bao giờ là cách dạy con hiệu quả.
Rất nhiều bà mẹ tự nhận thấy mình từ ''mèo'' hóa ''hổ'' từ khi có con. Mỗi khi con mắc lỗi, nghịch ngợm hoặc ương bướng, mẹ lại không kiềm chế được cơn tức giận mà quát tháo, la hét, dùng lời lẽ gay gắt để chỉ trích con.
Tuy nhiên, kết quả mẹ nhận về chính là thái độ thiếu hợp tác của con. Mẹ càng quát còn càng khóc to, điều này gây ra sự ức chế gấp bội phần cho mẹ. Dần dần sẽ tích tụ lại gây căng thẳng, mệt mỏi, chán chường, thậm chí là trầm cảm.
Vậy nên, thay vì dùng cảm xúc không chế, hãy dùng tình yêu thương của mẹ để dạy dỗ con một cách nhẹ nhàng, ngọt ngào, điều này sẽ tác động lên cả những bé ngỗ nghịch, ương bướng nhất.
5 bước để trở thành người mẹ không la hét
Hiểu được sự nguy hiểm của việc la hét với con
Chúng ta thường hay quát tháo, la hét vào mặt con khi chúng ta tức giận, thất vọng hoặc khó chịu. Có thể do con mắc lỗi, làm sai hoặc cũng có thể do mẹ giận cá chém thớt.
Tuy nhiên, việc thể hiện sự mất bình tĩnh trước con cái chỉ khiến con có ấn tượng xấu, thích chống đối, làm tổn thương về tinh thần con sâu sắc.
Nhận ra sự vô ích của việc la hét với con
Chuyên gia >nuôi dạy con cái Scott Turansky cho biết la mắng và giận dữ là một kiểu hành động theo cảm xúc, chủ yếu để thỏa mãn sự ức chế của bản thân.
Khi cảm xúc quá mạnh, nó có thể bộc phát ra khiến mọi việc đi theo chiều hướng ngày càng tiêu cực. Chính vì thế, thay vì lời nói mang theo sự dạy dỗ, khi mẹ la hét trẻ lại cảm thấy mẹ đang thể hiện uy quyền của mình và mẹ chỉ đang trút ra cơn giận dữ.
Cư xử theo cách của người trưởng thành
Khi giữa mẹ và con xảy ra căng thẳng, con trẻ la hét và cũng muốn hét chung với con, thậm chí muốn tiếng của mình còn lớn hơn cả tiếng con. Điều này thật trẻ con khi mẹ so xem con với mẹ ai hơn ai. Trường hợp con chọn cách im lặng và không chịu nói cho mẹ biết vì sao con lại làm như vậy, lúc này mẹ hãy cho con có không gian riêng mình.
Khi trẻ tức giận, la lối, mẹ hãy xoa dịu trẻ, cho trẻ thời gian suy nghĩ và sau khi con bình tĩnh lại, hai mẹ con có thể ngồi lại nói chuyện với nhau. Con dần lớn khôn rồi, đôi lúc im lặng là một cách con phản kháng, mẹ đừng cố làm căng sẽ khiến con chống đối mãnh liệt hơn.
Không nói quá nhiều khi đang nổi giận
Mẹ nên học cách kiểm soát cảm xúc của mình, bình tĩnh cho cả mẹ và con. Việc cố giải thích cho con hiểu trong lúc con đang khóc quấy sẽ càng khiến mẹ nổi giận và khó kiềm chế cảm xúc hơn, dẫn đến việc mẹ phải la hét để mong con nghe thấy.
Thế nhưng, lời mẹ la hét lúc nóng giận có thể khiến trẻ sợ, nhưng không khiến trẻ nghe lời, không mang lại hiệu quả lâu dài. Chưa kể đến việc con cảm thấy chán mẹ, hoặc có hành động chống đối vào những lần sau nữa.
Trường hợp mẹ nhận thấy rằng con đang đưa mẹ vào một cuộc tranh cãi hoặc sự khó chịu thì hãy nên cắt đứt cuộc trò chuyện ngay lúc đó. Hãy nói với con rằng nên tranh luận vào một lúc khác, khi cả hai đã bình tĩnh hơn.
Rời khỏi trong vài phút để tránh la hét con
Nếu mẹ tiếp tục đối diện với con, sẽ càng cảm thấy con ương bướng, ngỗ ngược và sẽ không kiềm chế nổi cảm xúc. Lúc này nếu có bố ở nhà, mẹ có thể nhờ bố trông con một lúc, sau đó có thể ra ngoài, đi dạo quanh nhà, tưới cây, ngắm trời, hít thở không khí, đi mua ít đồ lặt vặt.
Thời gian này sẽ làm mẹ nguôn cơn giận, bình tâm lại để suy xét lại mọi thứ và tìm ra các biện pháp dạy con. Nếu mẹ không thể ra ngoài, hãy đi tắm, rửa mặt qua, nghe ít nhạc, vào phòng riêng ngồi 2 – 3 phút. Nhưng nhớ luôn đảm bảo con ở nơi mẹ có thể quan sát bất kỳ lúc nào. Đừng bỏ trẻ ở nhà một mình!
Việc dạy dỗ một đứa trẻ không bao giờ là đơn giản, rất cần sự kiên nhẫn của mẹ ngày này qua tháng khác. Mẹ kiểm chế được mình, con cũng trở nên ôn hòa hơn, bởi mẹ chính là tấm gương lớn nhất mà con soi vào.