Ngay từ nhỏ trẻ đã bắt đầu hình thành tính cách của riêng mình. Tùy vào môi trường sống và cách giáo dục mà tính cách của bé sẽ trở nên như nào.

05:00 10/09/2020

Cha mẹ thường có suy nghĩ rằng trẻ còn nhỏ, con có biết gì đâu nên để trẻ mặc sức tự do lớn lên với những suy nghĩ và hành vi không được kiểm soát. Chính suy nghĩ và cách dạy con sai lệch đó đã khiến bé sinh ra những tính xấu ảnh hưởng tới nhân cách, con người bé sau này.

Dưới đây là những tính xấu cần được uốn nắn ngay từ khi trẻ còn nhỏ

Nóng nảy

Tính nóng nảy của trẻ sẽ biểu hiện từ khi trẻ con rất nhỏ, khi con gặp chuyện không vừa ý thì dễ bị mất bình tĩnh, la lối, ồn ào, lầm lỳ, ăn vạ, thậm chí lăn ra giãy đành đạch... Trẻ sẽ dễ lạm dụng tính cách này để những người xung quanh phải chiều lòng mình, vậy nên bố mẹ cần sửa sớm cho bé.

Để xử lý tình huống này, cha mẹ hãy mặc kệ con khi trẻ ăn vạ hay la lối. Tuyệt đối không quan tâm, không hỏi chuyện, khong dỗ dành... không bao giờ được để trẻ thấy rằng việc trẻ nóng nảy sẽ khiến cha mẹ đáp ứng mọi thứ mình muốn.

Khóc chán, ăn vạ chán trẻ sẽ tự ngưng lại, lúc này, hãy đỡ trẻ ngồi ngang tầm mắt, hỏi han con vài câu, dĩ nhiên vẫn không được đáp ứng ngay yêu cầu của trẻ. Có thể nói với con rằng: ''Nếu con nín ngay, ngoan ngoãn, hứa không khóc/ăn vạ nữa thì mẹ sẽ cho con''.

Ích kỷ

Khi được chiều chuộng và bao bọc quá mức, trẻ sẽ không biết chia sẻ hay tôn trọng người khác. Lớn lên, trẻ sẽ trở nên ích kỷ và kiêu ngạo hơn, sau này sẽ khó kết bạn hay có mối quan hệ xã hội tốt.

 

Vì thế, ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ nên dạy cho con biết sẻ chia, nhường nhịn. Có đồ ăn, nên chia đều cho các thành viên trong nhà, dĩ nhiên mẹ có thể dành cho con nhiều hơn một chút hoặc phần ngon nhất, nhưng tuyệt đối không cho trẻ tất cả. Để trẻ hiểu rằng, bất cứ thứ gì đều có thể được cho đi, trẻ nên học được tính thảo thơm, nhường nhịn, như vậy sẽ rất tốt cho tương lai của trẻ.

Sự vụ lợi

Một số cha mẹ khi cho con đến nhà người khác chơi thấy nhà họ có đồ chơi đẹp, trẻ khăng khăng đòi mang về, vậy là mẹ cũng đồng ý luôn. Thực tế, cách làm này rất sai trái, có thể làm hại đến con. Con sẽ không biết suy nghĩ cho người khác và vì thế khó mà tạo dựng được các mối quan hệ lâu dài.

Chưa kể, nếu lần sau hoặc đi đâu mà không được người khác cho cầm về, trẻ có thể nảy sinh ra tính trộm cắp cặt vì đã quen thói mang đồ của người khác về. Lúc bé chỉ là đồ nhỏ, nhưng lớn lên trẻ sẽ học được thói vụ lợi, chỉ nghĩ cho lợi ích của bản thân mà bất chấp tất cả.

Thói quen thô bạo

Rất nhiều trẻ có thói quen đánh lại người lớn, ngay cả bố mẹ ông bà khi không được đáp ứng yêu cầu. Đây là thói xấu cần chấn chỉnh ngay nếu không lớn lên sẽ rất có hại.

Khi trẻ có hành vi như vậy, cha mẹ tuyệt đối không đáp ứng yêu cầu của trẻ, hãy để trẻ tự khóc, tự nín, không bế ẵm, không nịnh nọt, dần dần trẻ sẽ hiểu ra rằng, nếu trẻ tức giận đánh lại người khác thì trẻ sẽ không được sở hữu thứ gì cả.

Đồng thời, cha mẹ cần nghiêm khắc với trẻ hơn, không nịnh nọt quá đà, đừng nghxi rằng trẻ không biết gì cả, cha mẹ có bao giờ thắc mắc vì sao có những người trẻ không bao giờ dám làm như vậy hay không, chính là trẻ biết ai chiều mình nhất mà bắt nạt, đòi hỏi. Các phụ huynh nếu không can thiệp và giúp trẻ thay đổi sớm thì sau này trẻ lớn lên sẽ trở thành người đi bắt nạt các bạn khác, khó được người khác kết thân và yêu mến.

Theo Thạch Thảo/ Gia Đình Mới