Lý do vì sao một đứa trẻ luôn tỏ ra mạnh mẽ, không sợ gì lúc ở nhà nhưng ra đến đường lại trở nên rụt rè, thậm chí luôn bị bắt nạt?
Rất nhiều bà mẹ than thở rằng, con của họ ở nhà thì ngang ngược, cá tính và không sợ điều gì cả, có điều gì không vừa ý con sẵn sàng phản kháng với thái độ quyết liệt, thế nhưng khi ra ngoài gặp người lạ hoặc đi với bạn bè lại cực kỳ nhút nhát, thậm chí dễ bị bắt nạt.
Điều này, dĩ nhiên trái ngược hẳn với mong muốn của các bà mẹ, chính là ngoan ngoãn, nghe lời hơn khi ở nhà và mạnh dạn mỗi khi ra ngoài.
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, nguyên nhân gây ra tình trạng ''mạnh dạn xó bếp'' này của trẻ có thể đến từ cách giáo dục chưa thực sự đúng đắn của cha mẹ. Nếu không được uốn nắn, chỉ bảo, nó hoàn toàn không có lợi cho bé trong tương lai.
Cha mẹ sẽ là tấm gương xấu nếu cũng có cách hành xử bạo lực khi ở nhà
Người lớn thường có thói quen rất kỳ lạ, ở bên ngoài mỗi khi gặp đều rất lịch sự, dịu dàng với mọi người, nhưng khi về nhà là hằn học, cáu bẳn, chửi bới người thân. Một người cha hoặc mẹ như vậy sẽ là “tấm gương” phản chiếu lên tính cách của các con.
Chính con của họ sẽ trở thành người thường xuyên la hét, cẩu thả, cố ý nổi giận khi ở nhà nhưng ra ngoài lại mang một vẻ mặt ngoan ngoãn, sợ hãi, rụt rè trước mọi người. Nguyên nhân là do cách hành xử của bố mẹ tác động nên tính cách của trẻ.
Cha mẹ hãy nhớ rằng, nhà là ngôi trường đầu tiên của trẻ em, cũng chính là nơi rèn luyện và giáo dục con cách giao tiếp xã hội, giao tiếp giữa các cá nhân và rèn luyện cảm xúc. Vì thế, nếu cha mẹ chỉ lịch sử, nhã nhặn với người ngoài nhưng về nhà lại đánh cãi, chửi nhau, thiếu kiềm chế cảm xúc thì con cái cũng đi theo chiều hướng đó là tất yếu.
Trẻ được nuông chiều vô điều kiện
Trong nhà, trẻ sẽ không dám làm nũng, ăn vạ hay bắt nạt tất cả mọi người trong nhà mà chỉ ''bắt nạt'' những người nuông chiều mình, trong đó đặc biệt phải kể đến như ông bà nội ngoại.
Thực tế cho thấy, ông bà thường yêu và chiều cháu vô điều kiện, không muốn cháu mình phải trải qua bất cứ một sự không hài lòng nào. Mỗi khi trẻ làm gì sai, bố mẹ trách mắng, ông bà lập tức bênh vực ngay. Chính sự khoan dung và tình yêu thương của ông bà đã khiến cho trẻ sinh hư và trở nên ích kỷ, đòi hỏi bằng được điều trẻ thích, thậm chí có những đứa trẻ trở nên coi thường những lợi dạy bảo của cha mẹ.
Các chuyên gia tâm lý đã nhận định rằng, người yêu trẻ nhất sẽ trở thành người trẻ thiếu tôn trọng nhất trong nhà, người để trẻ có thể vòi vĩnh và yêu cầu mọi thứ.
Không nhất quán trong cách áp dụng những kỷ luật đã đề ra
Khi mới sinh con, cha mẹ nào cũng tự đưa ra các quy tắc để nuôi con. Tuy nhiên, khi con khóc lại thấy mủi lòng, chặc lưỡi làm khác đi với suy nghĩ dù sao con mình còn nhỏ, mình cũng là bố mẹ của con không nên khắt khe quá. Thế nhưng bạn không hiểu rằng, khi bạn đã từng nói với con những quy tắc mà giờ đây bạn không áp dụng, bạn phá bỏ quy ước như thế sẽ khiến trẻ trở nên vô phép hơn.
Ví dụ, khi đi siêu thị, bé nằng nặc đòi mua đồ chơi, mẹ nói “Con đã có quá nhiều đồ chơi rồi và mẹ sẽ không mua bất cứ thứ gì vào lúc này đâu”. Nhưng ngay sau khi nghe thấy con khóc, bạn lại lập tức thỏa hiệp: “Thôi được rồi, nín đi, mẹ sẽ mua nó cho con, được chưa?”. Làm như vậy, bạn sẽ khiến trẻ đắc thắng và càng tin rằng tuyệt chiêu dùng nước mắt để đe dọa này cực kỳ hiệu quả.
Dần dần, trẻ sẽ phát hiện ra, chỉ cần mình khóc là sẽ được mẹ đáp ứng cho mọi thứ, vũ khí lợi hại nhất chính là nước mắt.
Đừng nghĩ trẻ em không biết gì, chúng rất thông minh, chúng hiểu chúng là trung tâm của gia đình. Bất cứ yêu cầu gì, cuối cùng cha mẹ cũng sẽ phải đáp ứng chỉ cần mình cố gắng quậy một chút.
Trẻ thiếu kỹ năng xã hội
Khi ra ngoài gặp người lạ, trẻ lại như con ốc thu mình, điều này gắn liền với việc khả năng xã hội của trẻ kém, nguyên nhân là do bố mẹ đã không hướng dẫn đúng cách khi ở nhà và không dạy con cách giao tiếp giữa các cá nhân nên trẻ thiếu kỹ năng này.
Một người mẹ tâm sự: “Có lần, tôi đưa con gái đi chơi ở chỗ công cộng. Nhiều đứa trẻ tụ tập lại để cùng chờ chơi trượt patin. Một cậu bé có vẻ như rất thích thú nhưng lại rụt rè không dám ra xếp hàng chờ tới lượt. Cậu bé im lặng, bám chặt lấy bố, co rúm người lại và không dám bước tới như những bạn khác.
Và rồi sau một hồi chờ đợi, bố của cậu bé đã bước tới và thương lượng với những đứa trẻ khác: Em đã chờ đợi rất lâu rồi, các cháu có thể cho em chơi trước một chút được không?.
Chắc chắn, ai làm cha mẹ cũng đã từng một lần thỏa hiệp giúp con, nhưng thực tế đây không phải cách làm đúng đăn. Làm như vậy, trẻ sẽ mãi dựa dẫm vào bố mẹ mà không thể tự giải quyết được vấn đề của mình. Đó là lý do mỗi khi ra ngoài >trẻ nhút nhát, thiếu tự tin.
Cha mẹ nên giúp con thay đổi điều này như thế nào?
Trước tiên, chính cha mẹ phải là tấm gương tốt
Đầu tiên, chính cha mẹ cũng cần thay đổi mình, Hãy hòa nhã, tôn trọng người bạn đời của mình. Khi trẻ thấy bố mẹ hành xử đúng mực, trẻ sẽ tự học theo. Đừng bao giờ cãi vã trước mặt trẻ, hãy ghi nhớ điều đó. Hãy để con luôn cảm nhận được giữa những người trong gia đình, chỉ nên dành sự yêu thương và quan tâm mà thôi.
Trau dồi chỉ số xã hội cho con
Hay cho trẻ mở rộng quan hệ bằng cách cho trẻ ra ngoài chơi, gặp bạn bè, cho trẻ sống hòa mình vào thiên nhiên. Trẻ cần được rèn các kỹ năng xã hội, tham gia giao tiếp và tương tác với bạn bè. Nhờ vậy, trẻ sẽ tự tin, thoải mái và tràn ngập niềm vui hơn.
Cha mẹ có thể đọc cho con nghe những cuốn sách có liên quan đến giao tiếp xã hội để trẻ hiểu hơn về những cách hành xử mà mình nên có.
Cha mẹ cần phải nhớ, tính cách của trẻ không tự nhiên mà hình thành, nó liên quan chặt chẽ tới môi trường sống và sự giáo dục mà ra. Nắm vững phương pháp tốt, hướng dẫn con một cách chính xác, con chắc chắn sẽ trở thành một đứa trẻ đáng yêu, hiểu chuyện.
Khi trẻ thấy cha mẹ yêu thương nhau, tôn trọng ông bà, ân cần, tỉ mỉ, chăm sóc lẫn nhau, trẻ sẽ phát triển tính cách dịu dàng, hạnh phúc và tự tin hơn mỗi khi ra ngoài.
Đặt ra những quy tắc trong gia đình
Khi thấy trẻ phá phách, ngang ngược, cha mẹ phải nhắc nhở con ngay. Không cười đùa, trẻ sẽ tưởng rằng như vậy là hay.
Một ví dụ cụ thể về một người mẹ luôn chú trọng việc rèn cho con lòng nhân từ, sự tử tế đã có cách ứng xử rất hợp lý khi con có thái độ hỗn hào với bà. Lần đó, nhìn thấy con tức giận trút lên người bà ngoại những cái đánh chỉ vì bà đã không thể xếp đống đồ chơi Lego như ý muốn của con, người mẹ đã rất nghiêm khắc và nói chuyện với con: “Ai cho phép con nói chuyện với bà như thế. Con phải xin lỗi bà ngay lập tức!
Sau khi con thành thật xin lỗi, cô đã bế con lên, ngồi lại bên con và nói: “Con có giận không, khi mà một em bé con nít phá hỏng đồ của con? Con có tức không khi một người khác khiến con tức giận. Vậy tại sao con lại mất bình tĩnh với bà, trút giận lên người bà, như thế bà sẽ rất buồn”.
Đứa trẻ gật đầu, lắng nghe và hiểu một cách nghiêm túc. Sau đó, cậu bé dần dần thay đổi được hành vi, không còn nạt nộ, bắt nạt bà nữa.
Tuân thủ các quy tắc và biết cách từ chối
Cha mẹ phải tôn trọng chính các quy tắc mình đặt ra, không chiều theo những yêu cầu vô lý của trẻ. Không bao giờ được phép khiến con thấy mình trở thành cái rốn của vũ trụ, mọi thứ xung quanh phải vận hành theo ý muốn của mình. Như thế, trẻ sẽ trở thành một đứa trẻ thô lỗ và lớn lên sẽ gặp nhiều rắc rối vì tính cách cho mình là nhất và mọi người phải phục dịch mình.