Bố mẹ không nên ảo tưởng và kỳ vọng quá mức đối với những biểu hiện tưởng như thông minh của con. Nếu phát hiện ra bố mẹ nên ngăn chặn ngay.
Đứa trẻ luôn làm hài lòng, tâng bốc người khác
Người lớn thường hay dùng từ "dễ thương, đáng yêu" để đánh giá một đứa trẻ. Một số trẻ vốn tính dễ thương một cách vô tư, hồn nhiên, nhưng có những trẻ vì muốn được khen như vậy đã cố gắng làm hài lòng người khác, thậm chí sử dụng những lời lẽ tâng bốc để chiếm được tình cảm của người lớn.
Câu chuyện về một cô bé tên là Xuân Phương, khi còn nhỏ Phương thường hay chơi với các bạn con nhà khá giả trong lớp. Cô bé thường xuyên khen ngợi bạn khác, hay tâng bốc các bạn và những đứa trẻ con nhà giàu có chút tự hào nên đều sẵn sàng chơi với bé.
Khi lớn lên, Xuân Phương vẫn thường hay nịnh nọt các quản lý của mình như thế. Không may thay, quản lý của Xuân Phương lại thuộc tuýp người thật thà, chăm chỉ, không ưa nịnh nọt, trong khi đó kĩ năng làm việc của Xuân Phương lại không đủ đáp ứng, bởi thế thu nhập của cô chỉ dậm chân tại chỗ, cũng không thăng tiến được bước nào qua nhiều năm.
Đứa trẻ không lắng nghe người khác nói, cái gì cũng thích làm theo ý mình
Đến một giai đoạn nhất định, hầu hết trẻ nhỏ đều có suy nghĩ riêng của mình. Đôi khi chúng không muốn nghe lời bố mẹ, thích tranh cãi và đưa ra ý kiến của riêng mình. Điều này là hoàn toàn bình thường, phù hợp tâm lý lứa tuổi, nhưng nếu nó trở thành thói quen, nét tính cách từ nhỏ của trẻ thì lớn lên, đứa trẻ đó sẽ khó mà thành công.
Im ỉm một mình, không lắng nghe ý kiến của người khác và thích làm theo ý mình, nhiều người lầm tưởng rằng đứa trẻ như vậy là thông minh song thực tế đó chỉ là sự thông minh giả.
Đến tuổi trưởng thành, đi làm, có những việc không theo ý mình nhưng nếu không lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp, khách hàng hay đặc biệt là cấp trên, bạn sẽ khó có cơ hội thăng tiến trong công việc. Môi trường làm việc không giống như ở nhà, nó không có chỗ cho người bảo thủ, không chịu học hỏi, tiếp thu.
Đứa trẻ ôm khư khư những thứ của mình, không chia sẻ với người khác
"Trẻ con thì biết gì", hay "Trẻ con ấy mà, nó còn nhỏ", đó là suy nghĩ của không ít người khi thấy con mình không chia sẻ đồ chơi với các bạn, không chờ đến lượt khi chơi chung ở khu vui chơi.
Thực tế, bố mẹ nào cũng dành những điều tốt đẹp nhất cho con mình, nhất là khi mới có 1 đứa con, thành ra nhiều trẻ nghĩ rằng mình là trung tâm của vũ trụ, muốn gì được nấy, dần dần trẻ sẽ hình thành tư tưởng ích kỷ, không biết chia sẻ với người khác.
Trong khi đó, bố mẹ lại cho rằng đứa trẻ như vậy là thông minh, biết giữ cho riêng mình, biết bảo vệ thứ thuộc về mình. Đó là suy nghĩ sai lầm. Lớn lên, đứa trẻ như vậy sẽ ít được lòng mọi người vì chúng không biết cách hợp tác trong công việc.
Lười biếng, thích dùng mánh khóe cá nhân
Lười biếng chính là tảng đá lớn cản trở một người trên con đường vươn tới thành công. Thế nhưng, khi nuôi con nhỏ, cha mẹ lại không sớm nhận ra điều này. Cha mẹ muốn bao bọc, giúp đỡ con làm mọi việc, thế là đứa trẻ nảy sinh tâm lý ỷ lại, dựa dẫm, thiếu tự lập.
Khi đối mặt với việc gì đó, vì lười biếng, quen có bố mẹ lo cho mình nên chúng sử dụng những mánh khóe cá nhân, sự khôn lỏi để lách việc hay hoàn thành nhiệm vụ. Cha mẹ thì tưởng rằng con mình như thế là thông minh.
Nếu con bạn có một trong các biểu hiện trên, đừng coi đó là niềm tự hào, rằng con thông minh, khôn ngoan hơn bạn bè cùng lứa. Khi phát hiện ra, tốt nhất bố mẹ nên kịp thời sửa chữa, phân tích cho con hiểu đúng sai và định hướng cho con cách hành xử đúng mực hơn, nếu không, tương lai con bạn sẽ khó mà thành công.