Làm cách nào để phát hiện những điểm mạnh, tài năng của con từ sớm để có thể bồi dưỡng thêm là quan tâm của nhiều phụ huynh.

13:34 11/12/2020

Tài năng của một người được hiểu là khả năng đặc biệt, vượt trội của người đó để hoàn thành tốt một việc có liên quan. Ngày nay, cha mẹ sinh con không đơn giản chỉ là nuôi con lớn, dạy con ngoan, mà còn đầu tư để phát huy những điểm mạnh của con, nhằm đưa ra định hướng tương lai sau này của bé.

Vậy làm thế nào để biết được điểm mạnh của con, tài năng của con ngay từ khi bé còn rất nhỏ để kịp trau dồi, bồi dưỡng.

Năng khiến, điểm mạnh của trẻ thực chất sẽ biểu hiện trong cuộc sống hằng ngày. Cha mẹ nên quan sát kỹ trẻ để nhận ra.

1. Trong cuộc sống hàng ngày, bạn hãy quan sát xem trẻ yêu thích và chú trọng điều gì?

Mẹ nên quan sát nhiều hơn trong cuộc sống hàng ngày để biết xem con bạn thích làm gì, mê gì và tập trung chú ý vào điều gì.

Ví dụ: Trẻ thích đi xe bus vì muốn được đọc những con số trên xe bus.

Một số trẻ tỏ ra đặc biệt yêu thích những đồ dùng kỹ thuật và có thể nhớ tất cả các con số.

Một số trẻ thích chơi với rô bốt, thích tháo rời rô bốt rồi tự tay lắp ráp chúng ...

Trên thực tế, đối với một đứa trẻ như vậy, cha mẹ nên kiên trì quan sát trẻ, nếu thấy trẻ thực sự đam mê, cha mẹ có thể phát triển chúng theo hướng đó.

 

2. Quan sát xem trẻ học nhanh, học tốt và vui khi học môn học nào?

Có những em bé tỏ ra có năng khiếu về ngôn ngữ. Trẻ nhớ rất lâu các từ tiếng Anh, học từ vựng nhanh và phát âm chuẩn. Trẻ học ngôn ngữ mới một cách say mê và không thấy mệt. Một số bé khác lại thích hát, nhảy múa. Đó thực sự có thể là tài năng của đứa trẻ. Cha mẹ nên chú ý đến điều này.

3. Những điều mà trẻ dám thử

Làm thế nào để phát hiện tài năng của trẻ? Bạn hãy chú ý khi con bạn chủ động yêu cầu bạn đưa con đến học một lớp học năng khiếu hoặc mua cho bé một thứ gì mà bé yêu thích. Tất cả những gì con thích, con thử, con trải nghiệm đều thể hiện tài năng của con.

Chuyên gia tư vấn giáo dục Josh Shipp kể rằng đôi khi những đặc điểm "khó chịu" của trẻ lại che giấu tài năng thực sự của bé. Ông đưa ra ví dụ về cậu bé Lonnie rất nghịch ngợm, từng suýt đốt nhà vì muốn đun sôi nguyên liệu 'tên lửa' trên bếp.

Khi lớn lên, Lonnie thành lập công ty riêng chuyên nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch và nhận được rất nhiều bằng sáng chế. Vì vậy, con bạn đôi khi rất ương bướng, nghịch ngợm nhưng bé lại sở hữu một năng khiếu tiềm ẩn nào đó. Bạn hãy phát hiện và động viên trẻ nhé.

4. Khuyến khích trẻ cố gắng nhiều hơn

Nếu cha mẹ muốn khai thác tài năng của con mình thì phải khuyến khích con cố gắng hơn nữa, không nên đưa ra quá nhiều quy định như quy định con chỉ được học chăm chỉ, không được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao khác. Nếu thấy trẻ thích học đàn, học hát, học nhảy, bố mẹ nên khuyến khích thay vì ngăn cấm trẻ.

Theo Thạch Thảo/ Gia Đình Mới