Đừng bỏ qua những việc tưởng chừng nhỏ nhặt, đơn giản này nếu như các bạn đã hoặc chuẩn bị làm cha mẹ. Nó có thể quyết định khá nhiều đến tương lai sau này của trẻ.
Mỗi quốc gia đều xây dựng cho mình một hệ thống giáo dục riêng khác biệt.
Thông thường mỗi đứa trẻ trước khi vào mẫu giáo đều do bố mẹ tự quản thúc, dạy dỗ. Khi bọn trẻ đến tuổi đi học, giáo viên sẽ tiếp nối công cuộc dẫn dắt trẻ bước tiếp trên con đường trưởng thành.
Nếu đứa trẻ gặp được người hướng dẫn giỏi, trẻ sẽ nhận được rất nhiều ảnh hưởng tích cực từ người đó. Nhìn nhận ở góc độ khác, phương thức giáo dục có phần "nhẫn tâm" đôi khi mới thực sự tốt cho đứa trẻ.
Trước đây, Nhật Bản có một bộ phim rất nổi tiếng kể về một cậu bé chơi nhảy thùng gỗ.
Ban đầu cậu bé rất sung sức, nhảy liên tục mười mấy lần nhưng vẫn không thể nhảy qua thùng gỗ được. Vì quá bất lực cậu bé bật khóc. Nếu ở Việt Nam, khi gặp phải tình huống này, có thể nhiều bậc phụ huynh đều sẽ khuyên con mình từ bỏ.
Nhưng khác biệt là, giáo viên của cậu bé lúc này dẫn cả lớp đến cùng cổ vũ động viên cậu bé. Giáo viên đứng bên không ngừng khích lệ cậu, còn cùng các bạn nhỏ trong lớp cổ vũ truyền động lực cho cậu.
Nhờ sự khích lệ của mọi người, cậu bé một lần nữa lấy lại sự tự tin, không những nhảy qua được thùng gỗ kia mà còn nhảy cao hơn thùng gỗ rất nhiều.
Phương pháp giáo dục có phần "tàn nhẫn" này cực kỳ phổ biến tại Nhật. Cụ thể như ở mẫu giáo, trẻ em sẽ phải để trần thân trên chạy bộ trong những ngày đông lạnh giá.
Có nhiều người khó lòng chấp nhận việc bắt bọn trẻ mặc phong phanh chạy giữa trời lạnh, vì họ lo lắng cho thân thể non nớt của những đứa trẻ này. Nhưng kì diệu là hầu hết bọn trẻ đều rất khoẻ mạnh.
Từ nền giáo dục Nhật Bản, không khó để lý giải nguyên nhân khiến cho quốc gia này phát triển mạnh mẽ như vậy.
Sự hình thành và phát triển của đứa trẻ có liên quan mật thiết với phụ huynh và giáo viên. Thông thường, hành vi nuông chiều con cái quá đà của cha mẹ sẽ khiến đứa trẻ không thể tự lập tự chủ, từ đó khiến con cái càng thêm ỷ lại vào bố mẹ.
Vì thế, nền giáo dục Nhật Bản bề ngoài trông có vẻ tàn nhẫn, nhưng đây mới thực sự là phương thức giáo dục mang đậm giá trị nhân văn.
Bởi ngay từ khi còn bé, cha mẹ và thầy cô đã dạy những đứa trẻ thực hành các bài học về nhân cách và đạo đức, chứ không phải khăng khăng ép buộc trẻ phải học thuộc những kiến thức lý thuyết khô khan.
Vậy những bậc cha mẹ ấy đã làm gì để rèn luyện tính tự lập cho con cái họ?
1. Để trẻ tự giải quyết khó khăn của mình
Mỗi người chúng ta dù là khi còn bé hay khi đã trưởng thành hầu hết đều vấp phải vô vàn khó khăn trắc trở, chẳng mấy ai đều thuận buồm xuôi gió. Thế nên, cha mẹ nên dạy cho con học cách dũng cảm đương đầu với thử thách.
Khi con trẻ gặp phải khó khăn hay thất bại, cha mẹ đừng giúp con giải quyết, mà hãy khích lệ khuyên nhủ để trẻ tự nghĩ cách giải quyết vấn đề.
Có như vậy, con mình mới trở nên tự tin vào bản thân khi biết bản thân con có thể tự giải quyết được vấn đề.
2. Để trẻ tự làm công việc của mình
Có nhiều bậc cha mẹ sẽ xót con, nghĩ rằng con mình còn bé, không muốn trẻ phải chịu cực khổ. Vì thế, họ thường xử sự như bảo mẫu của con, thay trẻ làm hết những việc đáng ra trẻ cần tự mình làm.
Đáng buồn là những đứa trẻ đó chỉ coi chuyện bố mẹ làm cho chúng là điều đương nhiên. Sau này khi phải một mình đối mặt với xã hội hỗn tạp ngoài kia, nếu đến cả chuyện nhỏ nhặt cơ bản nhất cũng không biết làm thì trẻ sẽ rất khó đạt được thành công trong cuộc sống.
3. Cho trẻ không gian riêng tư
Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập. Trẻ không phải chỉ sống với mỗi cha mẹ mình. Vì thế cha mẹ hãy ngừng xoay quanh con cái mình mọi lúc mọi nơi. Bởi tình thân có thể giúp đứa trẻ lớn lên khoẻ mạnh, nhưng nhất định đừng dùng danh nghĩa bề trên để ràng buộc con cái.
Hãy cho trẻ chút riêng tư để trẻ được làm những việc mình muốn.
Thực tế là, không chỉ riêng nền giáo dục Nhật Bản, mà rất nhiều cách thức giáo dục của các quốc gia khác có thể làm kim chỉ nam cho các bậc cha mẹ tham chiếu.
Buông tay trẻ đúng lúc cũng là một dạng yêu thương. Điều này sẽ giúp trẻ học được cách tự mình đảm đương mọi chuyện nhanh hơn, giúp trẻ nuôi dưỡng được cái tôi hoàn chỉnh.