Trong quá trình dạy con, rất nhiều bậc cha mẹ luôn than phiền rằng cảm thấy quá áp lực, vất vả, mệt mỏi thậm chí cảm thấy kiệt sức. Những cảm giác đó thường đến từ 3 nguyên nhân chính dưới đây.
1. Kỳ vọng quá cao vào con cái
Cha mẹ nào cũng luôn ấp ủ ước mơ những người con của mình sẽ trưởng thành, giỏi giang và thành đạt. Thế nhưng điều này cũng vô tình khiến họ gây áp lực lên con cái và lên cả chính mình. Cha mẹ quẩn quanh bên đứa trẻ cả ngày, rồi lên kế hoạch "kín mít" cho trẻ: năm nay phải học này, năm sau phải có bằng cấp kia... Thêm vào đó, áp lực cuộc sống với cơm, áo, gạo tiền có thể khiến cho chính cha mẹ bị vắt kiệt sức lực.
Đương nhiên kỳ vọng của cha mẹ là động lực, thúc đẩy hành vi của đứa trẻ, đó là động lực giá trị niềm tin. Động lực này phản ánh các giá trị và quan niệm giáo dục của cha mẹ, nó quyết định thái độ và phương pháp giáo dục, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ cha mẹ với người con.
Để tránh sự kỳ vọng quá cao này, cha mẹ cần hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của đứa trẻ. Nên hướng con tới những mục tiêu mà năng lực, sở thích của con có sự đồng điệu. Nếu cha mẹ có thể thảo luận với trẻ và thiết lập các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho con và khuyến khích đứa trẻ, thì trẻ sẽ làm tốt hơn, mà cha mẹ cũng đỡ mệt khi phải thúc giục, hao tâm tổn sức đeo đuổi cùng con những mục tiêu xa tầm với.
2. Tâm lý "con nhà người ta"
So sánh con mình với con nhà người ta là thói quen của rất nhiều bậc cha mẹ, đặc biệt với những cha mẹ người châu Á với câu cửa miệng là "nhìn con người ta mà xem".
Động cơ của bố mẹ có ý tốt là khuyến khích, kích thích con hoàn thiện bản thân cho bằng "nhà hàng xóm". Tuy nhiên, sự so sánh này khiến chính bản thân cha mẹ cũng mỏi mệt, bởi tâm lý ăn thua khiến họ không bao giờ thấy thế là đủ. Việc so sánh cũng khiến cha mẹ cảm thấy bất an, không hoàn toàn tự tin vào năng lực của chính con mình. Tâm lý như vậy, thử hỏi sao cha mẹ có thể thoải mái được?
Để giải quyết điều này, cha mẹ nên học cách trân trọng con mình, nhìn rõ ưu, nhược điểm của con và hướng cho con hướng đi độc lập, đúng đắn, không phải lấy một thước đo nào làm chuẩn. Sự quan tâm đúng hướng này sẽ giúp trẻ có những bước đi tích cực trong >đời sống.
3. Bố giao hết việc dạy dỗ con cái cho mẹ
Quan niệm cha lo kiiếm tiền, mẹ lo nội trợ và dạy dỗ con cái là quan niệm của rất nhiều gia đình. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người cha không tham gia vào quá trình nuôi dạy đứa trẻ, thậm chí vắng mặt trong quá trình khôn lớn, trưởng thành của con. Gánh nặng dạy dỗ đổ lên vai người mẹ gây ra sự mệt mỏi và áp lực.
Trên thực tế, khi bố góp mặt trong các hoạt động giáo dục con trẻ, đứa trẻ sẽ trở nên tự tin và can đảm hơn trong cuộc sống. Người cha cũng giúp định hình nhân cách, mở rộng kiến thức cho trẻ. Thêm vào đó, có cha san sẻ, mẹ cũng đỡ vất vả bội phần.